Những chuyến xe cấp cứu miễn phí: "Bồ Tát" là có thật!

VietTimes -- Chứng kiến nhiều người nghèo đến mức không thuê nổi một chuyến xe của bệnh viện để đưa người thân về nhà trước khi họ trút hơi thở cuối cùng, bà Phan Thị Bính, 64 tuổi  ở Linh Đàm, Hà Nội đã bán đi một mảnh đất của gia đình mình lấy tiền mua xe cứu thương chở miễn phí giúp người nghèo bệnh tật. Bất kể họ ở xa hay gần, ngày hay đêm, chỉ cần gọi điện liên hệ là bà cho  chiếc xe  lên đường giúp họ.
Những chuyến xe chở bệnh nhân nghèo miễn phí.
Những chuyến xe chở bệnh nhân nghèo miễn phí.

Những năm gần đây đô thị và bệnh viện mọc lên “như nấm sau mưa” vậy mà vẫn có những gia đình nghèo khó. Vậy nên không chỉ bà Bình và các cộng sự của bà làm việc đó. Điểm lại từ Nam ra Bắc có không ít người đã bỏ tiền túi ra mua xe, chạy xe cấp cứu từ thiện giúp người trong lúc bệnh tật, hoạn nạn để họ nhanh chóng nhất có thể để được bác sỹ chữa trị…

Nghèo… anh bó chiếu em

Hàng ngày đọc báo, bà Bính lặng người trước những thông tin đại loại như: vì quá nghèo, người anh không có tiền để tiếp tục điều trị căn bệnh hiểm nghèo cho em, khi em chết anh không còn tiền để thuê xe của bệnh viện, nên phải bó chiếu thi thể của người em rồi chở bằng xe máy về nhà.

Rồi  cả vụ bảo vệ một bệnh viện chặn xe cấp cứu từ tỉnh khác không cho vào viện đón bệnh nhân về nhà…

Bà Bính bên chiếc xe cứu thương miễn phí chở bệnh nhân nghèo.
Bà Bính bên chiếc xe cứu thương miễn phí chở bệnh nhân nghèo.

Cũng chỉ vì nghèo nên gia đình họ đã phải thuê xe cấp cứu từ quê ra đón, do chi phí rẻ hơn thuê xe của bệnh viện. Mong muốn của gia đình cũng chỉ là muốn duy trì sự sống cho cháu bé để bé được trút hơi thở cuối cùng tại nhà. Vậy thôi mà đâu có được. Những vụ việc như thế đã luôn ám ảnh  bà Bính, khiến bà nhiều đêm mất ngủ.  Và rồi bà quyết định sẽ dành một phần tài sản của mình mua chiếc xe cứu thương miễn phí chở người nghèo đến hoặc ra viện.


Để có thể làm được việc chở giúp người nghèo bà Bính đã  vào tận Cần Thơ, An Giang để tìm hiểu mô hình xe cấp cứu từ thiện.  Rồi bà bán đất mua xe. Có xe rồi bà lại bắt đầu hành trình đi xin các quyền ưu tiên cho xe như: sử dụng đèn còi tín hiệu, đi vào đường cấm, vượt đèn đỏ... giống như các xe cấp cứu khác.

Hoàn tất các thủ tục bà liền đăng thông tin cần tìm tài xế chở miễn phí công việc thiện nguyện của mình. Ngay sau khi thông tin lên mạng  cặp vợ chồng  Mai Văn Toàn đã lặn lội từ tận An Giang ra Hà Nội tìm đến bà tình nguyện lái xe không lương cho chiếc xe cứu thương của bà Bính. Đó là một ngày của tháng 12 năm 2018.

Sau một thời gian vận hành rất nhiều bác tài cũng đã đăng ký để được cùng bà Bính giúp sức cho những người nghèo. Hiện tại chỗ bà có khoảng 10 tài xế luôn sẵn sàng lên đường bất kể thời gian nào. Đối với những chuyến chở bệnh nhân xa bà thường bố trí 2 tài  xế để họ đổi ca cho nhau, như thế sẽ đảm bảo tỉnh táo khỏe mạnh và an toàn ở mức cao nhất có thể.

Ông Nguyễn Đức Chuyên là một cán bộ công an về hưu  ở Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội cũng là một trong số những tài xế  tình nguyện đầu tiên của bà Bính.

03 Nhiều gia đình xuất viện không còn tiền để gọi xe cấp cứu nên đã nhờ đến chuyến xe nghĩa tình của anh Nhật.
03 Nhiều gia đình xuất viện không còn tiền để gọi xe cấp cứu nên đã nhờ đến chuyến xe nghĩa tình của anh Nhật.

Những tài xế thiện nguyện bảo, có những chuyến xe cả đi lẫn về hơn 600km, thậm chí 1.200km với những đoạn đường miền núi, ngoằn ngoèo, hiểm trở, dày đặc sương mù, bên cạnh núi lở vực sâu…. Vất vả hiểm nguy rình rập là thế nhưng khi đưa bệnh nhân về đến nhà an toàn cùng những lời chúc tốt đẹp, cả nhóm lại thấy khỏe mạnh phi thường và có thể lên đường ngay lập tức nếu có gọi điện nhờ giúp.

Để có được thông tin các bệnh nhân khó khăn đang điều trị cần sự giúp đỡ bà Bính đều trực tiếp đến các bệnh viện thăm hỏi nghe ngóng.

Bà Bính nhiều lần ngồi trên xe cùng tài xế chở bệnh nhân từ bệnh viện về nhà dù đêm đông giá lạnh, đường vắng đèo cao. Vì tận mắt nhiều gia cảnh khó khăn, nhiều mảnh đời bất hạnh  nên bà luôn ao ước giá như mình làm được nhiều hơn nữa…

Có lần bà với mấy cộng sự trong nhóm thiện nguyện đưa hai cha con người bệnh ở Cao Bằng về quê. Người cha đã yếu lắm rồi, dù không nói được gì nhưng ông vẫn cố ra hiệu để bày tỏ lòng biết ơn của mình với bà Bính và lái xe.

Khi xe rời thành phố chưa được bao xa thì người cha trút hơi thở cuối cùng. Người con trai đã khóc nức nở và nói rằng "chỉ tại con nghèo nên không có điều kiện chữa chạy sớm cho cha nên cha mới phải chết oan uổng như thế này. Con có tội với cha nhiều lắm".

Một lần khác là vào dịp Tết 2018, bà Bính cùng tài xế đưa một cô gái 16 tuổi bị bệnh ung thư xương về quê. Xuất phát từ 9h tại Hà Nội nhưng phải mất 6 tiếng xe mới về tới Thọ Xuân, Thanh Hóa do tắc đường.

Nhiều khi, tình nguyện chở bệnh nhân về nhà, người nhà tuy rất nghèo nhưng vẫn cố vay mượn hàng xóm láng giềng chút tiền để bồi dưỡng cho "ê - kíp" của bà Bính. Họ không bao giờ nhận, nhiều khi còn cho thêm bệnh nhân để họ có tiền ăn và mua thuốc chữa bệnh.

Những chuyến xe chở bệnh nhân nghèo miễn phí giờ đây có ở khắp mọi miền của tổ quốc
Những chuyến xe chở bệnh nhân nghèo miễn phí giờ đây có ở khắp mọi miền của tổ quốc

Đâu chỉ có thầy thuốc là “mẹ hiền”

Khi được hỏi về việc làm của mình, bà chỉ cười: “công việc của tôi cũng bình thường thôi mà”. Quả vậy không chỉ bà Bính mà rất nhiều người có tấm lòng thương người như thể thương thân  đang chung tay vun đắp cho tình thương yêu con người.

Ông Nguyễn Văn Ổn ở ấp 3, xã Hòa Bình, Huyện Tam Nông, Đồng Tháp  cảm thông trước những cảnh đời lam lũ và vùng nông thôn giao thông nhiều trắc trở. Trước đây, mỗi khi người dân ở xã Hòa Bình có đau yếu, bệnh nặng thì người thân phải chở bằng xe gắn máy hoặc đi bằng tàu gần 20 km để đến bệnh viện huyện. Nhiều người không được chuyển cấp cứu kịp thời, bệnh trở nặng đã lìa đời.

Thấy vậy, ông Ổn bàn với gia đình góp gần 200 triệu đồng và vận động người thân, bạn bè đóng góp thêm để mua xe cấp cứu chuyển viện miễn phí cho người dân trong và ngoài xã.

Ông Ổn làm tài xế và vận động thêm hai người em ruột là Nguyễn Văn Định Anh và Nguyễn Văn Định Em tham gia. Trung bình mỗi tháng, xe chuyển viện phục vụ hơn 10 chuyến miễn phí cho người dân đến các bệnh viện trong và ngoài tỉnh, với tổng chi phí nhiêu liệu gần 5 triệu đồng, chủ yếu do gia đình ông chi trả.

Niềm hy vọng của những bệnh nhân nghèo
Niềm hy vọng của những bệnh nhân nghèo

Người nhà và bệnh nhân ở các bệnh viện Đà Nẵng, Quảng Nam… truyền tai nhau về chuyến xe nghĩa tình mà họ gọi là chuyến xe trong mơ, bởi vừa không mất phí, vừa được hỗ trợ nhiệt tình và có người còn được nhận tiền.

Đó là "Chuyến xe nghĩa tình giá 0 đồng" của một nhóm thiện nguyện ở miền Trung, mang hi vọng cho không ít người mẹ đơn thân, người già neo đơn, người dân tộc thiểu số khó khăn bệnh tật.

Nhóm có hơn 20 thành viên hoạt động thường xuyên. Không chỉ ở Đà Nẵng, họ bắt đầu kết nối thêm nhiều thành viên ở các tỉnh thành từ Huế vào Quảng Ngãi, chủ động và nhanh chóng.

Anh Ngô Văn Thuận, sinh năm 1976, ở xã Trực Đạo, Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Sau khi lập gia đình, anh Thuận cùng vợ con ra Hà Nội sinh sống và làm việc.  Mặc dù sinh sống và làm việc ở Hà Nội nhưng anh Thuận đã cùng với người cậu của mình là anh Nguyễn Văn Cường, hiện đang ở Trực Đạo, Trực Ninh, tỉnh Nam Định đã tình nguyện bỏ tiền ra để đầu tư cho chiếc xe cứu thương từ thiện để phục vụ cho người dân quê mình. Trong làng, ngoài xã, hễ có ai gọi cấp cứu là anh Cường và chiếc xe cấp cứu lại lên đường giúp mọi người... 

Hiện tại mới đi vào hoạt động hơn 3 tháng nhưng chiếc xe cứu thương do hai cậu cháu anh Thuận và anh Cường đầu tư và quản lý đã vận chuyển được 15 bệnh nhân.

Nhờ khoa học công nghệ thông tin mà bao người chỉ ngồi ở nhà cũng thấy ấm lòng khi biết những việc làm thiện của bao người dân mọi miến đất nước.

Thà chuyển nhầm còn hơn bỏ sót đó là câu nói mà những người làm thiện nguyện bằng xe cấp cứu trả lời câu hỏi “nhỡ ra ai đó lượi dụng lòng tốt của các vị nên cứ gọi điện kêu nghèo rồi nhờ chở thì sao?”. Ai mà đi kiểm tra sự nghèo của họ được?

Vậy thôi cũng đủ thấy tấm lòng thanh cao của những người chung tay thiện nguyện cho tình người thêm đằm thắm thiết tha để sức mạnh của sự đoàn kết bao đời nay của dân tộc ta càng thấm sâu hơn vào mọi người nhất là những đứa trẻ phải bỏ học chăm mẹ ốm đau, những người vợ thương tật vẫn tần tảo kiếm tiền nuôi chồng bị bệnh và cả những trai tài gái sắc doanh to nghiệp lớn nghĩ tới tình thương yêu cộng đồng…