Nhựa Bình Minh ‘cúm nặng’ vì Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Một nhà máy của BMP tại TP. HCM đã ngừng sản xuất từ giữa tháng 7, trong khi 2 nhà máy chủ chốt tại Bình Dương và Long An hiện duy trì 15-20% công suất.
CTCP Nhựa Bình Minh lần đầu báo lỗ vì Covid-19 (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet)
CTCP Nhựa Bình Minh lần đầu báo lỗ vì Covid-19 (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet)

CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố báo cáo cập nhật CTCP Nhựa Bình Minh (Mã CK: BMP) với dự báo doanh nghiệp này sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong quý 3/2021.

Báo cáo trích dẫn chia sẻ của ban lãnh đạo BMP tại cuộc họp các chuyên viên phân tích và nhà đầu tư gần đây, cho hay nhà máy của công ty tại Tp. HCM đã ngừng sản xuất kể từ giữa tháng 7/2021.

Hiện nhà máy này đang được tận dụng để tích trữ hàng tồn kho thành phẩm nhằm chuẩn bị cho triển vọng phục hồi tiêu thụ sau khi giãn cách được nới lỏng.

Trong khi đó, hai nhà máy chủ chốt của BMP tại tỉnh Bình Dương và Long An hiện duy trì sản xuất ở mức 15-20% công suất.

Hoạt động bán hàng của BMP trong giai đoạn này cũng gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, doanh thu tháng 7/2021 của công ty chỉ đạt 244 tỉ đồng (giảm 38,7% so với cùng kỳ năm trước), sản lượng tiêu thu cũng giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 5.013 tấn. Trong nửa đầu tháng 8, sản lượng tiêu thụ của BMP mới chỉ đạt 664 tấn.

Lưu ý rằng, doanh thu của BMP được phân bổ qua hệ qua mạng lưới nhà phân phối rộng khắp và tỷ trọng khách hàng dự án là rất ít. Sản lượng tiêu thụ của BMP trong giai đoạn này chủ yếu được thúc đẩy bởi các dự án đặc thù như bệnh viện dã chiến, nơi các quy trình vận chuyển đang được ưu tiên.

Môi trường bán hàng kém khả quan không thể giúp BMP tối ưu hoá các chi phí cố định như chi phí khấu hao và thuê nhà xưởng trong kỳ. Kết quả là, BMP đã lỗ ròng 3,7 tỉ đồng trong tháng 7/2021.

Lợi nhuận trên mỗi tấn sản phẩm của BMP giảm mạnh trong quý 2/2021

Lợi nhuận trên mỗi tấn sản phẩm của BMP giảm mạnh trong quý 2/2021

Bên cạnh đó, do giá PVC tăng, biên lợi nhuận gộp của BMP trong quý 2/2021 chỉ còn 12,9% giảm mạnh so với mức 17,9% trong quý 1/2021 và mức thông thường từ 22-23% giai đoạn 2018 – 2019.

Theo ban lãnh đạo BMP, giá hạt nhựa PVC tăng bất thường từ cuối năm 2020 lên mức cao nhất kỷ lục ở mức 1.600 USD/ tấn vào tháng 4/2021, cao hơn 60,0% so với mức thông thường 900-1.000 USD/ tấn.

Hàng tồn kho thông thường của công ty ở mức 1,5-2,0 tháng sản xuất đã không thể giúp kiềm chế ảnh hưởng tiêu cực của giá PVC tăng bất thường.

Trong khi đó, việc tăng giá bán tương xứng với mức tăng mạnh của PVC cần thời gian. Từ đầu năm cho tới nay, BMP đã tăng giá bán hai lần, tổng cộng 14,5%, thấp hơn mức tăng 16-20% của các đối thủ.

Việc chấp nhận hy sinh một số lợi ích ngắn hạn của BMP được BVSC đánh giá cao, cho rằng đây là bước đi đúng hướng để mở rộng thị phần./.