Đáng chú ý, theo ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc điều hành Uber Việt Nam nói với tờ VnExpress, số tài xế xe ôm Uber tại Việt Nam có thành phần khá đa dạng. Ông Dũng cho biết, đó có thể các nam nữ công nhân lao động, công chức về hưu đến những người nội trợ cần thêm thu nhập,…
“Những tài xế xuất sắc nhất đã chạy được hơn 5.000 chuyến xe trong một năm. Trong đó, tài xế "chăm chỉ" nhất đã chạy gần 5.700 chuyến” – ông Dũng cho biết.
Bỏ qua cách cung cấp thông tin có phần khoe thành công của ông Dũng, có thể thấy, đối tượng tham gia làm tài xế xe ôm cho Uber Việt Nam đã được mở rộng sang nhiều giới. Tất nhiên, việc mở rộng này thành công là do nhu cầu sử dụng xe ôm Uber tăng cao. Nói cách khác là khách hàng Việt đã chấp nhận, thậm chí là thích sử dụng loại hình xe ôm Uber.
Thực ra, sự “thích” này, mới là điều quyết định thành công của Uber tại Việt Nam. Và đâu riêng Uber, loại hình “xe ôm công nghệ” của một hãng khác – Grab – cũng đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, với thành công không kém.
Cũng đâu chỉ xe ôm, mà loại hình “taxi công nghệ” do Uber, Grab cung cấp cũng đang thắng thế trước taxi truyền thống. Đến nỗi liên minh các hãng taxi truyền thống liên tục có chiến dịch công kích hai hãng đang khai thác mô hình “taxi” công nghệ này.
Trong đó, các lợi thế của Grab, Uber được nêu ra, như là những mối đe dọạ cho loại hình kinh doanh vận tải hành khách truyền thống. Chẳng hạn, Grab và Uber được tùy ý tăng số lượng xe, không chịu các khoản phí như taxi truyền thống, không chịu các quy định quản lý như đối với taxi truyền thống. Và cũng vì thế, taxi truyền thống lâm vào tình thế khó khăn.
Luận điểm của các hãng taxi truyền thống được xác nhận bởi thực tế số thu ngân sách từ Grab, Uber là cực thấp so với taxi truyền thống. Theo Tổng cục Thuế, số thuế Uber phải nộp trong năm 2014 và 2015 chỉ là 19 tỷ đồng, nhưng chỉ riêng hãng taxi truyền thống Vinasun với quy mô hơn 6.000 xe đã phải nộp 692 tỷ đồng tiền thuế các loại trong giai đoạn 2014 – 2016.
Hẳn là vì thế, mà một cách rất lịch sự, thì các cơ quan quản lý phía Việt Nam cũng không mặn mà cho lắm với việc khuyến khích Grab, Uber hoạt động tại thị trường nội địa. Mất gần 2 năm, Bộ GTVT mới chấp nhận cho mô hình hoạt động do Grab trình được phép thử nghiệm, còn Uber cho đến giờ vẫn chưa được chấp thuận chạy thử nghiệm, mà phải làm lại đề án.
Đối với những người tham gia sử dụng Uber, Grab, loại hình công nghệ này thực sự là câu trả lời tối ưu.
Cụ thể, với những người tham gia làm tài xế Uber, Grab, phần mềm sử dụng cho phép họ kết nối một cách trực quan nhất, nhanh chóng nhất có thể với những khách có nhu cầu đi xe. Và do thế, khả năng khai thác khách được nâng cao. Đã thế, cả hai hãng đều có những chính khách khuyến khích bằng tiền đối với người tham gia chịu khó đón khách, chăm chỉ chạy. Nhờ thế, không ít lái xe Uber, Grab đạt được thu nhập từ 20 – 30 triệu đồng/tháng. Đó là mức thu nhập bình quân mà tài xế taxi truyền thống không có cách nào đạt được.
Với khách đi xe, Uber, Grab đúng là câu trả lời tối ưu nhất có thể mong muốn. Vì khi gọi xe, khách đồng thời quan sát trên màn hình điện thoại để biết về giá cước (thường rẻ hơn taxi truyền thống), số xe, tên lái xe, và cả quá trình xe di chuyển tới đón, số thời gian chờ, lời nhắc khi xe tới nơi… Đã thế, với đa số người Việt, đi Uber, Grab còn đảm bảo tính kín đáo, khi xe không treo biển taxi truyền thống.
Với từng ấy lợi thế, không có gì lạ khi Uber, Grab ngày càng được khách đi xe chọn sử dụng, và quay lưng với taxi truyền thống.
Đương nhiên, thay vì cố gắng lobby để chèn ép Uber, Grab, các hãng taxi truyền thống nên nghĩ tới cách hoàn thiện mô hình hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ giống như Uber, Grab.
Rõ ràng là, mô hình của Uber, Grab đã làm cho khách hàng chi ít hơn cho chặng di chuyển, đồng thời làm lái xe thu nhập tốt hơn, và cả hai khả năng ấy đều dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, với phần mềm kết nối là chủ chốt.
Là doanh nghiệp khai thác xe, những hãng taxi truyền thống có kinh nghiệm không kém để đặt hàng phần mềm kết nối có tính cạnh tranh hơn so với Uber, Grab. Phải thay đổi để phù hợp với giai đoạn mới, đó là điều Uber, Grab đã đặt ra với các hãng taxi truyền thống.