Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp Quốc hội nhận xét, trong ba năm gần đây số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử giảm dần. Hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã hoặc những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm, còn nhìn chung ở cấp tỉnh, huyện, các bộ, ngành thì việc phát hiện và xử lý tham nhũng còn rất ít trong khi theo phản ánh của dư luận thì tình hình tham nhũng ở những nơi này vẫn còn nghiêm trọng.
Ngoài ra, báo cáo của cơ quan thẩm tra cũng cho rằng việc thu hồi tài sản qua kết luận thanh tra và kiến nghị kiểm toán vẫn còn thấp; việc kiến nghị xử lý trách nhiệm vẫn chủ yếu tập trung vào xử lý hành chính, kỷ luật mà ít kiến nghị xử lý hình sự.
Báo cáo Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 do Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên rõ, trong những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hằng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt. Tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được.
Qua kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2016 chưa chuyển vụ việc nào sang cơ quan điều tra. Qua công tác thanh tra đã ban hành 94.512 quyết định xử phạt hành chính với số tiền 11 tỷ 929 triệu đồng, nhưng chỉ chuyển sang cơ quan điều tra xử lý 53 vụ/77 đối tượng có dấu hiệu tội phạm.
“Đáng lưu ý thời hạn chuyển hồ sơ các vụ, việc tham nhũng có dấu hiệu hình sự sang cơ quan điều tra còn chậm, có những vụ sau hơn một năm kể từ khi phát hiện mới chuyển sang, gây nhiều khó khăn trong quá trình điều tra, đặc biệt là việc thu thập chứng cứ, thu hồi tài sản tham nhũng…” Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết thêm.
Nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng trên được đánh giá là do tham nhũng có nội hàm rộng, đa dạng và phức tạp, liên quan đến nhiều chính sách, pháp luật và hầu hết các lĩnh vực hoạt động của bộ máy nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó các giải pháp phòng ngừa tham nhũng thời gian qua mới tập trung thực hiện ở khu vực công và đối với người có chức vụ, quyền hạn. Trong khi đó, các mối quan hệ kinh tế - xã hội làm nảy sinh tham nhũng lại rất phức tạp, không chỉ bó hẹp trong khu vực này.
Tuy nhiên, theo Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Theo đó, một số nơi có biểu hiện coi nhẹ, chậm chỉ đạo thực hiện, không thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; đã phát hiện nhiều vụ án tham nhũng lớn người đứng đầu là chủ mưu, đồng phạm, lợi ích nhóm, bao che cho tham nhũng.
Công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều quy định qua quá trình thực hiện, sơ kết, tổng kết đã bộc lộ hạn chế, bất cập nhưng việc sửa đổi, bổ sung, khắc phục còn chậm. Cùng với đó là cơ chế, biện pháp, trách nhiệm theo dõi, đánh giá tình hình tham nhũng và công tác PCTN thiếu tính khả thi.
Liên quan đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, ông Nguyễn Mai Bộ - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đề nghị Bộ Công an, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao, đặc biệt là Bộ Công an ngay sau khi khởi tố bị can phải áp dụng điều khoản trong Bộ luật Tố tụng hình sự để kê biên tài sản đối với đối tượng tham nhũng.
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, qua tổng kết và tiếp thu những kiến nghị từ cơ sở, Chính phủ cũng đã chỉ đạo cụ thể nội dung định hướng triển khai xây dựng dự án Luật PCTN sửa đổi để trình Quốc hội xem xét; chỉ đạo tăng cường hợp tác quốc tế về PCTN, nhất là việc thực thi, nội luật hóa Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng và hợp tác quốc tế trong việc thu hồi tài sản tham nhũng.