Nhiều đại biểu vẫn băn khoăn Luật ANM có thể can thiệp tới các quyền riêng tư của người dân

VietTimes – Có ba vị tướng, đại diện cho ba cơ quan khác nhau ngồi tiếp thu các ý kiến thảo luận về dự án Luật An ninh mạng tại Quốc hội ngày 29/5. Tuy nhiên nhiều ý kiến đại biểu vẫn băn khoăn vì quy định tại dự thảo có thể chồng lấn, can thiệp tới các quyền dân sự của người dân, doanh nghiệp.
Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội. Ảnh: Vneconomy
Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội. Ảnh: Vneconomy

Đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biện) - Ủy viên thường trực Ủy ban pháp luật  là người đầu tiên đăng đàn tham luận về dự thảo Luật An ninh mạng.

Dự thảo luật đã cố gắng phân định hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia với hệ thống thông tin quan trọng quốc gia theo Luật An toàn thông tin mạng – bà Dung nhận xét.

Nhưng, theo đại biểu này, sự phân định này là “chưa rạch ròi”, và nguy cơ sẽ là có khả năng có 2 danh mục thông tin quan trọng đều do Thủ tướng ban hành, chịu sự điều chỉnh bởi 2 luật, do 2 bộ (Công an và Thông tin Truyền thông) quản lý.

Như vậy, "khi hệ thống này xảy ra sự cố sẽ khó xác định trách nhiệm" – đại biểu bà Dung đánh giá, và đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát vấn đề này.

Điểm nữa được đại biểu Dung nêu là cần “cân nhắc vấn đề” về trình tự, thủ tục kiểm tra đối với hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức là kiểm tra đột xuất và áp dụng trình tự, thủ tục theo kiểm tra đối với hệ thống thông tin quan trọng.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) đặt câu hỏi liên quan tới quy định doanh nghiệp công nghệ mạng nước ngoài phải đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Theo đó, ông Thưởng nêu: “khi đã đưa ra quy định này mà phía các doanh nghiệp nước ngoài Google hoặc Facebook họ không thực hiện thì giải pháp của chúng ta ở đây là gì, liệu có cho ngừng cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam hay không?”

Từ đây, ông Thưởng đề nghị dự thảo cần quy định phù hợp với thực tiễn Việt Nam và mối quan hệ hiện nay cũng như những cam kết của Việt Nam với nước ngoài và pháp luật quốc tế.

Đồng quan điểm này, đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (đoàn Thanh Hóa) đề nghị cần cân nhắc một số điều khoản để tránh sự chồng chéo, không cần thiết về quản lý nhà nước, tránh đặt ra quá nhiều rào cản dẫn đến gánh nặng tuân thủ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ làm cản trở sự sáng tạo, hạn chế lợi ích được thụ hưởng dịch vụ tốt, chính đáng của người dân Việt Nam.

Cụ thể, bà Thủy cho rằng việc yêu cầu các cơ quan, tổ chức ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt trụ sở hoặc Văn phòng đại diện được quy định tại Việt Nam là “khó khả thi, không phù hợp với tình hình thực tiễn”.

“Nếu các doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ quy định này thì có thể sẽ không được phép cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn đối với việc truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ của người dân, nhất là trong bối cảnh nước ta chưa có được bất kỳ thương hiệu nào đáp ứng nhu cầu truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ của người dân” – bà Thủy nêu lo ngại.

Theo Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội – tiếp tục đề nghị Quốc hội "cho giữ như dự thảo Luật".

Lý do, Thượng tướng Võ Trọng Việt cho biết, dự thảo Luật An ninh mạng là quy định cả về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; quy định về nguyên tắc cơ bản của danh mục của thông tin quan trọng an ninh quốc gia.

Mặt khác, hiện “18 nước đã quy định địa phương hóa dữ liệu, tức là lưu giữ dữ liệu trong phạm vi trong nước. Tôi đi tiếp xúc với các đại sứ nước ngoài, cả Châu Âu và Hoa Kỳ, thực chất nước Mỹ cũng quy định địa phương hóa giữ liệu” – tướng Việt phát biểu.

Đồng thời, qua khảo sát, giám sát thì khả năng lưu giữ là được. “Nhưng có điều người ta có thiện chí cung cấp cho ta hay không, lâu nay không có quy định trong luật, cho nên việc cung cấp cho chúng ta là tùy thích, ưng thì cung cấp, không ưng thì không cung cấp, nếu người ta cung cấp sẽ rất tốt cho cơ quan chức năng để xử lý, đấu tranh trên phạm vi cả nước, nếu họ không thiện chí mình rất khó khăn, thậm chí là bó tay” – tướng Việt dẫn chứng.

Từ đây, tướng Việt cho rằng qua đi giám sát thấy rất vất vả cho cơ quan chức năng về việc này, nhiều chuyên án, vụ án bế tắc cũng từ việc này. “Tại sao mình không quy định để có cơ sở pháp lý buộc anh phải chấp hành tốt. Nhưng nếu mình quy định bản thân các nhà doanh nghiệp, các nhà làm dịch vụ này cũng có ý thức, người công dân tham gia cũng có ý thức, đó là điều tốt” – ông Việt phân tích

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang), dự thảo cần làm rõ nội hàm quy định về phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế… quy định tại Dự thảo.

"Ai là người quy định, đánh giá nội dung thông tin được coi là vi phạm? Một cá nhân, một phòng ban hay một cục, vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông hay Bộ Công an?" – đại biểu Hiếu đặt vấn đề. Theo đại biểu Hiếu, kinh nghiệm của Indonesia thì "người đưa ra phán xét thông tin xấu là tòa án".

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) – người đồng thời là Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An – bấm nút tranh luận với ý kiến của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu. Ông Cầu cho biết, ý kiến của đại biểu Hiếu là " rất có lý". Tuy nhiên, trong thực tiễn đã có cơ chế trưng cầu giám định để xử lý lo ngại này và thông tin thuộc ngành nào thì ngành đó giám định.