Đó là khẳng định của ông Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
“Đứa con sinh ba” trên lộ trình đổi mới thể chế
Lâu nay chúng ta nói nhiều đến đổi mới chính trị. Tuy nhiên, xét về cả khía cạnh khoa học lẫn thực tiễn thì phải hiểu đổi mới chính trị, cụ thể là đổi mới cái gì, thưa ông?
- Đổi mới chính trị: Nhìn từ thể chế chính trị, hệ thống chính trị tới định chế quyết sách chính trị mang tầm chiến lược - những nhân tố căn bản quyết định sự thành bại của đổi mới chính trị. Toàn bộ những vấn đề nêu trên: từ tầm nhìn chính trị, định vị chính trị quốc gia dân tộc, đột phá chính trị chiến lược..., rõ ràng trọng tâm của đổi mới chính trị không thể không giải quyết các vấn đề cơ bản: thể chế chính trị, tổ chức hệ thống chính trị, định chế các quyết sách chính trị chính và các vấn đề khác là những nhân tố đặc biệt phải được nắm lấy và xử lý một cách khoa học.
Nói cách khác, đó là sự lựa chọn tất yếu mang ý nghĩa chính trị cao nhất. Vì toàn bộ công việc đổi mới chính trị, suy tới cùng, là hội tụ ở các vấn đề cơ bản đó, nơi biểu hiện sức mạnh và uy tín của nền chính trị. Nếu không như thế, tất cả những gì thuộc về chính trị trong việc đổi mới chính trị có nguy cơ trở nên trống rỗng.
Như vậy, có thể hiểu rằng đổi mới chính trị thì điều căn bản nhất, trước tiên nhất là đổi mới thể chế chính trị? Ông quan niệm bản chất của công việc đổi mới thể chế chính trị là gì?
- Bản chất của công việc đổi mới thể chế chính trị là, xác lập một thể chế chính trị bảo đảm và bảo vệ toàn bộ quyền lực và lợi ích của chế độ CHXHCN Việt Nam thuộc về nhân dân, của nhân dân, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, bằng Nhà nước pháp quyền XHCN là người đại diện của nhân dân, do nhân dân bầu ra, bằng các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội của nhân dân một cách dân chủ, được bảo đảm bởi luật pháp thượng tôn, vì độc lập dân tộc và CNXH, phù hợp với xu thế phát triển chính trị của thời đại.
Từ quan niệm như vậy, ở đây, một cách tất yếu, bản chất của thể chế chính trị Việt Nam hàm chứa bốn trụ cột căn bản và bất biến sau đây: Một là Nhà nước pháp quyền XHCN thượng tôn pháp luật. Hai là dân chủ XHCN là mục tiêu và động lực. Ba là Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo. Bốn là xây dựng xã hội công dân làm nền tảng xã hội - chính trị phát triển trên nền móng truyền thống chính trị dân tộc và tiếp thu tinh hoa phát triển chính trị của các quốc gia, dân tộc trên thế giới.
Nói cách khác, đó là thể chế chính trị CHXHCN Việt Nam nhất nguyên không ngừng đổi mới bảo đảm quyền lực chính trị tối cao thuộc về nhân dân.
Như có lần ông từng phát biểu: Pháp quyền - Dân chủ - Đạo đức phải là những “đứa con sinh ba” trên lộ trình đổi mới thể chế. Không thể nói tới đổi mới thể chế XHCN Việt Nam, nếu thiếu dân chủ, càng không thể nói tới dân chủ nếu coi nhẹ hoặc buông lỏng pháp quyền và thiếu đạo đức. Phải hiểu “đứa con sinh ba” mà ông nói tới ở đây như thế nào?
- Không có một thể chế chính trị nào vận hành tốt được nếu thiếu nền tảng đạo đức xã hội. Sự băng hoại về về đạo đức nhất định sẽ dẫn tới sự diệt vong về chính trị. Ông cha ta luôn nhắc: rằng, có năm nguy cơ sẽ làm mất nước: “Trẻ không trọng già, trò không kính thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan và sĩ phu ngoảnh mặt”; và rằng, “Tôn tộc đại quy/Tôn lộc đại nguy/ Tôn tài đại thịnh/ Tôn nịnh đại suy” (“Tôn trọng nòi giống ắt đại hòa hợp/ Tôn trọng bổng lộc ắt đại nguy nan/ Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh/ Tôn trọng xiểm nịnh, ắt đại suy vong”- LTB).
Đối với chúng ta, hiện nay càng phải lấy đó làm răn. Khi trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, không ít người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thì không thể xem thường về uy tín chính trị, rộng hơn là vị thế chính trị của Đảng. Vì, Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”. Và nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, “chính trị là đức”. Có thể nói một cách hình tượng, đó là ba đỉnh của tam giác thể chế chính trị Việt Nam đổi mới. Công việc đổi mới thể chế và tham gia dưới mọi hình thức vận hành, giám sát thể chế chính trị là công việc của toàn xã hội, dưới ngọn cờ của Đảng. Thiếu nhân tố này, cầm chắc sự thất bại trong công cuộc đổi mới thể chế chính trị hiện nay.
Những đặc trưng đó bảo đảm và tự nó cho thấy, thể chế chính trị Việt Nam hiện nay trong cuộc đổi mới là một thể chế dân chủ - pháp quyền - đạo đức được hiến định một cách minh bạch, không cần tranh thảo, không thể phủ nhận, cả trên lý thuyết và thực tiễn, chứ đâu phải là thứ “thể chế toàn trị” nào đó, như có ý kiến đang tưởng tượng hay đang cố công bài xích và bôi nhọ đủ mức độ và giọng điệu hiện nay.
Tái cấu trúc hệ thống chính trị như thế nào?
Khi nói đến đổi mới thể chế chính trị tức là nói đến cấu trúc lại hệ thống chính trị. Theo ông, để “chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân” như Đảng ta nói, thì hệ thống chính trị của chúng ta nên được tái cấu trúc như thế nào?
- Chúng ta tiếp tục đổi mới cấu trúc phải tạo nên sự thống nhất chỉnh thể và đồng bộ của hệ thống chính trị - xã hội tương hợp với yêu cầu phát triển của đất nước, phù hợp với thời đại. Do đó, định hướng, định tính, định lượng và định chế về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy... đối với từng thành viên của hệ thống chính trị nói riêng, một cách đúng hướng, phù hợp và cụ thể, theo phương châm rõ, gọn, tinh thông, liên thông, không chồng lấn, minh bạch hóa, hiệu lực và hiệu quả, dễ kiểm tra, kiểm soát và xử lý, nhưng có khả năng tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, là công việc cốt tử của tiến trình cấu trúc lại hệ thống chính trị.
Tất cả việc đó sao cho toàn dân chủ động tham gia công việc xây dựng, kiểm tra, giám sát và thực thi quyền và trách nhiệm của mình theo luật định đối với công việc này, một cách dân chủ. Đó là thước đo của sự phát triển thể chế chính trị dân chủ và pháp quyền của chúng ta trong cuộc hội nhập quốc tế. Chỉ có như thế mới hy vọng kiềm tỏa và chủ động đẩy lùi một cách hiệu quả nạn hành chính hóa, tệ quan liêu, nhũng nhiễu... từng làm suy yếu hoặc làm tê liệt ở không ít khâu, bộ phận của các bộ máy thành viên hệ thống chính trị, vô hình trung xâm hại thiết chế chính trị dân chủ và pháp quyền, hạ thấp vai trò chủ thể quyền lực của nhân dân mà hơn 70 năm qua chúng ta kiên trì khắc phục; đồng thời, mới có thể thiết thực nâng cao vị trí, vai trò và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, bảo đảm bản chất của thể chế chính trị nước ta.
Lâu nay chúng ta nói tới đổi mới hệ thống chính trị là thường nói tới Đảng tự đổi mới, các tổ chức chính trị- xã hội khác như MTTQ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội CCB, Hội NDVN; ở mức độ thấp hơn là các tổ chức xã hội nghề nghiệp, mà ít coi trọng các tổ chức xã hội dân sự- một hình thức liên kết đang ngày càng có vai trò lớn hơn trong một xã hội văn minh. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Đây là vấn đề rất mới và quan trọng, đặt ra yêu cầu bức thiết đối với việc cấu trúc lại hệ thống chính trị - xã hội song trùng với cấu trúc lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đang diễn ra ở nước ta. Hiện nay sự tham gia của các lực lượng xã hội đã làm thay đổi rộng và sâu tính thuần nhất của hệ thống chính trị truyền thống, tạo nên sự tương tác xã hội vô cùng đa dạng, đa chiều và mạnh mẽ. Sự thống nhất của lợi ích quốc gia đã hàm chứa và thể hiện tính phong phú, đa dạng về lợi ích của các nhóm xã hội theo tốc độ phát triển của đất nước.
Nói gọn lại, kế thừa hệ thống chính trị truyền thống, trong điều kiện phát triển mới, hệ thống chính trị - xã hội Việt Nam hiện nay đó là sự thống nhất giữa hai hệ thống thiết chế xã hội là hệ thống chính trị (hệ thống thiết chế trực tiếp thực thi quyền lực chính trị) và hệ thống thiết chế xã hội hợp thành hệ thống xã hội. Đó là lô-gíc tái cấu trúc tất yếu sau 30 năm đổi mới. Trong xây dựng cơ chế thực hiện và bảo đảm quyền lực tối cao thuộc về nhân dân, sự thống nhất của các hệ thống ấy mang ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc.
Nhưng, điều kỳ vọng thành công trong việc đổi mới cấu trúc hệ thống chính trị là ở chỗ, với phương thức Đảng hóa thân trong hệ thống chính trị, phải kiến tạo mô hình hệ thống theo phương châm mười bốn chữ: “Gọn nhẹ, liên thông, tinh hoa, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, vững chắc”. Đối với hệ thống xã hội, với phương châm xã hội hóa, các thiết chế xã hội càng đa dạng, càng phong phú, càng rộng lớn càng mạnh mẽ và vững chắc.
Từ nhất thể hóa chức danh tới nhất nguyên chế về tổ chức bộ máy
Ông có thể nói rõ hơn về mô hình hệ thống chính trị sẽ được tổ chức cụ thể như thế nào không?
- Có thể hình dung mô hình hệ thống chính trị- xã hội được tổ chức theo “mô hình đàn chim bay” hoặc “mô hình tháp”. Ở đây, cần thấu triệt các nguyên tắc: Một là hệ thống chính trị càng nhỏ, gọn tối thiểu càng tối ưu, không được phép song trùng giữa các bộ phận trong một bộ máy, giữa các bộ máy với nhau, dù của Đảng hay của Nhà nước. Hai là, hệ thống xã hội càng rộng lớn càng tối ưu. Ba là, bảo đảm sự thống nhất hữu cơ toàn hệ thống chính trị- xã hội Việt Nam ngọn nguồn của sức mạnh tổng thể của toàn hệ thống, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trước mắt, đối với hệ thống chính trị, tiến hành 6 nhóm công việc cốt tử sau: Một là, Nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo và quản lý theo hướng một chức danh làm nhiều việc, chứ không phải một việc nhiều người làm.
Hai là giải thể các bộ máy chồng chéo, sáp nhập các bộ máy dù của Đảng hay của Nhà nước làm chung một việc theo hướng thống nhất và đa năng, giảm mạnh số các đầu mối bộ máy và tổ chức, bảo đảm sự chuyên nghiệp và liên thông- nhất nguyên chế. Nói cách khác, từ nhất thể hóa chức danh tới nhất nguyên chế về tổ chức bộ máy là bước đi tất yếu. Chẳng hạn, một vài cơ quan có nhiều chức năng, nhiệm vụ giống nhau, nên chăng tính toán nhất nguyên hóa tối thiểu ở 3 cấp: Trung ương; tỉnh, thành phố; quận, huyện, thị, theo phương châm: đa năng hóa bộ máy hay bộ máy đa năng.
Các thành viên của hệ thống chính trị thuộc Mặt trận Tổ quốc làm công tác dân vận (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh...) có thể thuộc khối đa năng này. Chẳng hạn, văn phòng cấp ủy trùng lắp rất nhiều loại công việc với văn phòng chính quyền, hội đồng nhân dân, trước mắt có thể sáp nhập các văn phòng làm một, theo phương châm: một văn phòng phục vụ hai (ba) bộ máy. Nhìn bộ máy tổ chức từ Trung ương tới cơ sở và bộ máy nội vụ các cấp, nên chăng rất cần chỉ thành lập một trung tâm kiến tạo nhiều bộ máy, khi Đảng cầm quyền, chứ không cần các trung tâm của các bộ máy như hiện nay.
Ba là sàng lọc, kiến tạo, đào tạo, sử dụng đội ngũ công chức, viên chức theo hướng chuyên nghiệp hóa; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tinh gọn, hiệu quả. Bốn là, xây dựng cơ chế tập trung quyền năng, trách nhiệm của người đứng đầu bộ máy đồng thời đổi mới cơ chế kiểm tra, kiểm soát quyền năng, quyền lực và quyền uy chặt chẽ, dân chủ và minh bạch. Năm là, xác lập chế tài thưởng- phạt công minh, kịp thời. Sáu là, thể chế hóa, tiến tới luật hóa các nhóm công việc chủ yếu trên.
Còn đối với các tổ chức xã hội dân sự thì sao?
- Đối với hệ thống xã hội, với phương châm xã hội hóa xây dựng cơ sở xã hội càng rộng lớn càng thống nhất trong đa dạng thì càng vững chắc. Để làm tốt điều này cần làm 5 nhóm công việc cơ bản sau: Một là thúc đẩy và bảo đảm các điều kiện nâng cao sự tự nguyện của các giai tầng, nhóm xã hội trên mọi phương diện của đời sống xã hội trong việc xây dựng các tổ chức của mình một cách phù hợp, đúng pháp luật. Hai là tôn trọng tính độc lập xã hội tương đối đối với các tổ chức xã hội theo nghề nghiệp, lứa tuổi, sở nguyện... đúng pháp luật. Ba là, tôn trọng và phát huy truyền thống các tổ chức tự quản cộng đồng, các tổ chức quản lý cộng đồng theo luật tục không trái pháp luật. Bốn là Nhà nước hỗ trợ khi cần thiết về các điều kiện cần và đủ cho các tổ chức xã hội hoạt động với thiết chế riêng, đa dạng một cách phù hợp. Và, cuối cùng là luật hóa các nhóm công việc trên.
Xin cám ơn ông!