Nhân dân tệ sẽ "làm khổ" tỷ giá trong 2016?

VietTimes -- Áp lực chủ yếu tạo nên rủi ro tỷ giá trong năm 2016, theo VCBS nhận định, sẽ đến từ các yếu tố ngoài biên giới.
Nhân dân tệ là “giặc ngoài” khó lường nhất của VND trong 2016
Nhân dân tệ là “giặc ngoài” khó lường nhất của VND trong 2016

Báo cáo Triển vọng kinh tế 2016, mới được Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) công bố cho thấy, xét riêng các yếu tố trong nước, không thấy yếu tố rõ ràng nào có thể gây áp lực lớn cho tỷ giá trong niên độ 2016.

“Tâm lý đầu cơ ngoại tệ thông qua nhiều biện pháp và can thiệp hợp lý của NHNN được kỳ vọng sẽ bị hạn chế đáng kể.

Trong khi đó, vốn FDI giải ngân và kiều hối được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng tích cực (FDI giải ngân năm 2015 đạt 14,5 tỷ USD (+17,4%); kiều hối năm 2015 dự báo sẽ đạt khoảng 13 - 14 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với 2014).

Ngoài ra, thâm hụt thương mại 2016 cũng được kỳ vọng sẽ không quá đột biến và ở mức vừa phải (2 - 3 tỷ USD)”, VCBS phân tích.

Và khi đó, áp lực chủ yếu tạo nên rủi ro tỷ giá trong năm 2016, theo VCBS nhận định, sẽ đến từ các yếu tố ngoài biên giới.

Đáng kể nhất là: (1) việc đồng USD mạnh lên cùng lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - FED (2) khả năng đồng Nhân dân tệ - CNY tiếp tục lao dốc.

Với cách tiếp cận tương đối thận trọng đi cùng lộ trình tăng lãi suất theo hướng chậm và từ từ của FED, nhóm chuyên gia VCBS đánh giá, yếu tố (1) có thể đã được thị trường chuẩn bị và phòng ngừa.

Trong khi đó, yếu tố (2) được nhìn nhận là yếu tố khó lường và đem lại nhiều rủi ro hơn, đặc biệt khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và hiện giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 30% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu trong năm 2015.

Trong một kịch bản tương đối tích cực và không có biến động lớn trên thế giới vượt ngoài tầm dự báo, VCBS kỳ vọng VND sẽ giảm giá khoảng 4% - 5% so với USD trong năm 2016.

NHNN đã thực sự "nhức đầu" với bài toán tỷ giá 2015.

Nhìn lại 2015, công tác điều hành tỷ giá và bình ổn thị trường ngoại hối đã thực sự trở thành một bài toán hóc búa đối với nhà điều hành.

Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình, Thống đốc Bình phải “phá giá” cam kết quota tỷ giá (+/-2%)  đã ấn định tại thông điệp đầu năm.

Theo đó, trong 2015, tỷ giá bình quân liên ngân hàng ghi nhận 3 lần điều chỉnh tăng, mỗi lần +1%, lần lượt vào tháng 1, tháng 5 và tháng 8, lên mức 21.890 VND/USD, biên độ giao dịch cũng tăng từ ±1% lên ±3%. Tương ứng, VND đã mất giá khoảng 5% so với USD trong niên độ.

“Mặc dù cũng có chịu tác động phần nào từ các yếu tố trong nước như tâm lý đầu cơ và việc Việt Nam nhập siêu trở lại trong năm 2015 nhưng chúng tôi cho rằng, diễn biến cũng như áp lực tỷ giá trong thời gian qua chủ yếu do tác động của yếu tố bên ngoài, đặc biệt là (1) đồng USD mạnh lên cùng với quyết định tăng lãi suất của FED đã được đưa ra vào tháng 12 và (2) đồng Nhân dân tệ (CNY) lao dốc cùng với những diễn biến xấu của nền kinh tế Trung Quốc”, VCBS bóc tách các nguyên nhân khiến tỷ giá 2015 “nổi loạn”.

Trước những áp lực như vậy, bên cạnh việc điều chỉnh tỷ giá, NHNN đã liên tiếp đưa ra những tuyên bố và động thái kịp thời và linh hoạt để bình ổn thị trường như:(1) bán một phần dự trữ ngoại hối; (2) hạ lãi suất huy động USD về 0% (giúp cải thiện tính hấp dẫn của VND so với USD) và (3) ban hành Thông tư số 15/2015/TT-NHNN.

Thông tư 15 quy định khá chặt chẽ việc mua - bán ngoại tệ giao ngay chỉ được thực hiện khi khách hàng có nhu cầu và chứng minh được nhu cầu thanh toán trong phạm vi 2 ngày làm việc.

Trong trường hợp từ 3 ngày trở lên, giao dịch phải thông qua phương thức kỳ hạn nhưng tỷ giá kỳ hạn không được vượt quá mức tỷ giá được xác định dựa trên (i) tỷ giá giao ngay vào ngày giao dịch; (ii) chênh lệch giữa lãi suất tái cấp vốn do NHNN công bố và lãi suất mục tiêu USD của FED và (iii) kỳ hạn giao dịch.

“Việc siết chặt hơn quy định về giao dịch ngoại tệ giúp hạn chế hiện tượng đầu cơ hoặc mua và găm giữ USD trước khi nhu cầu thanh toán phát sinh, từ đó giảm bớt áp lực cầu ngoại tệ”, VCBS nhận xét.

“NHNN đang nhìn thấy những áp lực không nhỏ lên tỷ giá”

Bước sang năm 2016, NHNN đã chính thức áp dụng cơ chế điều hành mới với tỷ giá trung tâm hàng ngày được xác định dựa trên cơ sở tham chiếu (i) diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền thị trường liên ngân hàng; (ii) diến biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam và (iii) các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ, mục tiêu chính sách tiền tệ.

Như vậy, thay vì đưa ra cam kết rõ ràng về việc giữ ổn định tỷ giá như các năm trước, cơ chế điều hành tỷ giá mới theo hướng linh hoạt đã được áp dụng.

NHNN đang nhìn thấy những áp lực không nhỏ lên tỷ giá”, VCBS nêu quan điểm, đồng thời đánh giá, “Động thái này, theo chúng tôi, là đúng đắn, hợp lý và cần thiết nhằm ứng phó với những diễn biến bất ngờ trên thị trường thế giới.

VCBS cho rằng chính sách tỷ giá linh hoạt sẽ góp phần tạo dư địa để nhà điều hành duy trì mức lãi suất ổn định nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng.

N.G (Theo VCBS)