Vụ kiện được đệ trình lên Tòa án Liên bang tại San Francisco ngày 20/3. Trong đó, một nhà đầu tư đã cáo buộc Facebook đưa ra tuyên bố sai lệch và gây hiểu lầm. Công ty đã không tiết lộ thông tin về các vi phạm quyền riêng tư và cho phép công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica truy cập mà không được sự cho phép của người dùng.
Hệ quả là các nhà đầu tư phải chịu thiệt hại về tài chính do giá cổ phiếu của Facebook đã giảm xuống mức báo động. Đây là lần sụt giảm giá trị mạnh nhất trong vòng 4 năm qua, kéo theo sự lao dốc giá cổ phiếu của các công ty công nghệ khác.
Ngày 17/3, tờ New York Times đưa tin về vụ bê bối rò rỉ dữ liệu của 50 triệu tài khoản Facebook, công ty Cambridge Analytic đã khai thác và sử dụng nó để chi phối kết quả của các cuộc bầu cử trong năm 2016. Liên tiếp 2 ngày giao dịch sau đó, giá cổ phiếu của Facebook đã giảm hơn 10 phần trăm.
Facebook cho biết đã đóng tài khoản của Cambridge Analytica và Giáo sư trường Đại học Cambridge, Aleksandr Kogan (người tạo ra ứng dụng độc hại “thisisyourdigitallife” dưới danh nghĩa “ứng dụng nghiên cứu tâm lý học”).
Mặc dù, hành vi thu thập dữ liệu của Cambridge Analytica và ông Kogan nằm trong quy định bảo mật của Facebook. Nhưng tờ New York Times vẫn tìm thấy dữ liệu lưu trữ trái phép sau khi Cambridge Analytica cam kết xóa bỏ toàn bộ với Facebook.
Hành động của nhà đầu tư nói trên được cho là đại diện cho các nhà đầu tư đã mua cổ phần của Facebook từ ngày 3/2/2017. Công ty đã tuyên bố trong bản cáo cáo hàng rằng “chỉ cung cấp dữ liệu (nằm ngoài phạm vi bảo mật) cho một bên duy nhất”.
Trả lời về vấn đề này, luật sư của Facebook, ông Paul Grewal cho biết: "Chúng tôi cam kết luôn thực hiện đúng chính sách về bảo mật thông tin cá nhân của Facebook. Công ty sẽ đưa ra bước đi cần thiết để chứng minh Facebook đang tích cực khắc phục sự cố".