Trách nhiệm phát ngôn trên MXH

Nhà báo Phạm Hồng Phước: "Không nên dùng 'truyền thông bẩn' để tư lợi"

VietTimes – Trao đổi với VietTimes, nhà báo Phạm Hồng Phước, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí CNTT-TT eChip nhấn mạnh: “Nhà báo khi lên mạng xã hội hãy xác định mình vẫn là nhà báo. Đừng dùng "truyền thông bẩn” làm hoen ố nghề nghiệp.
Nhà báo Phạm Hồng Phước
Nhà báo Phạm Hồng Phước

LTS: Khép lại chuyên đề về trách nhiệm phát ngôn của nhà báo trên mạng xã hội, VietTimes xin đăng ý kiến của nhà báo Phạm Hồng Phước, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí CNTT-TT eChip.  

PV: Thưa ông, gần đây sự “lên ngôi” của mạng xã hội đã thay đổi cách thức tương tác giữa nhà báo và công chúng đọc. Là người quản lý tờ eChip từ những năm đầu phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam, ông nhận định gì về sự thay đổi này?

Nhà báo Phạm Hồng Phước: - Tôi nghĩ nên rạch ròi thế này. Nhà báo lên mạng xã hội (MXH) rất khác với người bình thường vì họ là nhà báo.

Nếu nhà báo lên mạng xã hội với tư cách cá nhân không liên quan gì tới nghề nghiệp thì mình không bàn vì đó là quyền tự do cá nhân. Nhưng dù muốn dù không nhà báo lên mạng xã hội thì vẫn là nhà báo.

Nhà báo lên mạng xã hội buộc phải ý thức rằng vai trò của mình là người đưa thông tin, người dẫn dắt công chúng đọc. Nên lời ăn tiếng nói của nhà báo trên mạng xã hội cần hết sức thận trọng, không được phép buông tuồng.

Hiện nay, nhiều nhà báo sử dụng MXH như một kênh tương tác mở rộng với công chúng đọc. Với MXH nhà báo có thể nói được những điều mà họ không thể nói trên báo chính thống.

Nhưng sự ràng buộc khi nhà báo vẫn là nhà báo, nên họ vẫn buộc phải tuân thủ những nguyên tắc của cơ quan chủ quản về vấn đề phát ngôn trên MXH, chứ MXH không phải chỗ tự do “vô chính phủ” muốn nói gì thì nói làm gì thì làm. Chẳng hạn như một số tòa soạn có quy định nhà báo khi lên MXH không được đăng những bài chưa biên tập, chưa đăng tải trên báo chính thống.

PV: Nhiều người vẫn có cảm giác rằng MXH là chỗ tự do không biên giới, nên các luồng thông tin được các nhà báo (có thể là do không đăng được trên báo chính thống) cứ đẩy lên ào ạt và theo chiều hướng nào cũng được?

Nhà báo Phạm Hồng Phước: - Tôi lại đánh giá MXH không phải chỗ tự do đến mức đó. Công dân khi lên MXH thường có cảm giác là muốn “vung vít” cái gì ra cũng được. Nhưng thực tế, bất cứ quốc gia nào cũng có luật lệ. Ở ta đã có Luật An ninh mạng, Luật Dân sự, Luật Hình sự… Công dân lên MXH vi phạm luật nào sẽ bị chiếu theo đó mà xử lý.

Công dân đã vậy, nhà báo còn bị đối chiếu với Luật báo chí, Quy định của Hội Nhà báo, Quy định của cơ quan quản lý báo chí…

Tôi nghĩ, MXH là “phép thử” để nhà báo lột tả toàn bộ bản chất rất thật của họ. Khi được rơi vào môi trường có vẻ bớt kiểm soát hơn, tự do hơn, họ sẽ thể hiện bản chất thật. Ngoài đời thế nào, họ lên MXH sẽ y như thế.

Nhưng hãy ý thức rằng MXH thật ra chính là hình ảnh phản chiếu của cuộc sống thật ngoài đời, không thể dùng “ảo ảnh” để che mắt công chúng đọc được đâu.

Nhà báo Phạm Hồng Phước cho rằng MXH là “phép thử” để nhà báo lột tả bản chất thật (Ảnh: NVCC)
Nhà báo Phạm Hồng Phước cho rằng MXH là “phép thử” để nhà báo lột tả bản chất thật (Ảnh: NVCC)

PV: Thậm chí cá biệt có một số nhà báo đã lợi dụng MXH để tư lợi cá nhân, nổi cộm đến mức có người đã phải nhắc cụm từ “lưu manh báo chí” thưa ông?

Nhà báo Phạm Hồng Phước: - Sử dụng cụm từ “lưu manh báo chí” để nói về mặt tác động xấu của MXH đến báo chí thì nặng nề quá. Tôi muốn nhắc cụm từ “truyền thông bẩn” hơn.

Việc sử dụng MXH để mưu cầu lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm rất dễ nhận ra, cho nên các “phe phái” muốn dùng “truyền thông bẩn” như một công cụ “đánh đấm”, thu lời thì công chúng cũng không phải là không có “thuốc” chữa cho tệ nạn này. Hãy nâng cao cảnh giác, sử dụng “bộ lọc” tri thức để tìm ra điều gì ẩn giấu đằng sau các luồng thông tin trên MXH.

Đừng dùng “truyền thông bẩn” làm hoen ố nghề nghiệp của mình. MXH xấu hay tốt là do chính con người chúng ta quyết định điều đó.

Cái gì cũng có hai mặt của nó. MXH là công cụ sắc bén, chẳng khác gì con dao. Nếu bạn sử dụng cây dao đúng chỗ, ở trong bếp thì nó có thể giúp bạn tạo ra nhiều món ngon cho thực đơn mỗi ngày. Còn nếu ai đó sử dụng con dao với những mục đích xấu, thì có thể có án mạng xảy ra.

PV: Có mặt tốt nào của MXH hỗ trợ được cho nhà báo không, thưa ông?

Nhà báo Phạm Hồng Phước: - MXH có nhiều ưu điểm như thông tin nhanh, lượng bạn đọc lớn. Nếu nhà báo đã có kỹ năng về tin tức, kỹ năng dẫn dắt công chúng đọc thì sẽ rất thuận lợi khi truyền đi các thông điệp trên MXH.

Những nhà báo chính trực hoàn toàn có thể làm cho MXH nâng cao chất lượng và tốt lành hơn. Nhà báo chính trực coi MXH như một cánh tay nối dài cho nhà báo thực hiện vai trò của mình, đưa thông tin chính xác, chống lại tin tức giả (fake news) và các thông tin độc hại, truyền thông điệp nhân văn đến công chúng đọc với mục đích làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

-  Xin cảm ơn ông!