+ Trước hết, xin chúc mừng anh nhân thành công của tác phẩm “Nói lời dân” vừa ra mắt bạn đọc. Tại sao anh lại lấy tên tác phẩm của mình là “Nói lời dân”?
- Tôi xin phép “đính chính” ngay, tên tác phẩm không phải do tôi mà do Nhà xuất bản, cụ thể ở đây Ths. Nguyễn Thị Thúy, một trong những người biên tập cuốn sách này đặt cho và tôi rất hài lòng với cái tên sách.
+ Lý do mà anh hài lòng…?
- Đó là bởi cái tên tác phẩm đã tóm lược rất chính xác mục đích của tôi khi thực hiện mục này trên Báo Dân trí. Cách đây hơn 8 năm (2011) khi được TBT Phạm Huy Hoàn giao, tôi đã quyết tâm phải biến BLOG 2/6 thành nhật ký ghi chép lại những biến động của lịch sử đất nước từng ngày, đồng thời cũng là thái độ của Dân trí trước những vấn đề nhức nhối của đời sống xã hội.
Tác giả "Nói lời dân"
|
Đặc biệt là phải phản ánh chân thực tâm tư và đấu tranh cho nguyện vọng chính đáng của người dân. Rất may là trong quá trình làm sách, biên tập viên Nguyễn Thị Thúy đã nắm bắt được tư tưởng này và lấy làm tên cuốn sách.
+ Được biết anh thường không né tránh những đề tài gai góc, nhạy cảm nhưng lại rất “an toàn”, nói như ngôn ngữ của anh là “Dân yêu, quan… không ghét”. Tại sao vậy?
- Tôi lại phải một lần nữa “đính chính”, đó là “an toàn ít nhất là cho đến nay” bởi nghề báo là “nghề nghiệt ngã” nên “tai nạn nghề nghiệp” có thể đến với bất cứ ai, bất cứ lúc nào. Còn tại sao có được sự “an toàn” này, theo tôi thì có mấy lý do.
Thứ nhất, tôi luôn đặt cho mình một nguyên tắc là không được nói sai sự thật. Mọi thông tin, số liệu đều phải có từ nguồn tin cậy và để tăng thêm độ chính xác, tôi thường tìm thêm những nguồn thông tin khác nhau.
Nguyên tắc thứ hai, đó là nói trên tinh thần xây dựng. Có một bạn trẻ bảo tôi, đại để em viết chỉ bằng một phần của anh mà “lên bờ, xuống ruộng”, còn anh thì ngược lại. Tôi nói với bạn đó rằng tôi nói để xã hội tốt lên còn bạn ấy nói để tan đi. Giống như người thợ rèn, tôi đánh dao, búa để lao động sản xuất còn bạn ấy rèn dao búa là để… chém nhau. Khi động cơ khác nhau thì sẽ đón nhận những thái độ khác nhau.
Nguyên tắc thứ ba, đó là tính không vụ lợi. Bạn đọc bây giờ rất nhiều thông tin nên không thể “lừa” được độc giả. Anh thật – giả, trung thực, khách quan hay không, họ biết ngay.
Tất nhiên còn là cách nói nữa. Hãy nói với nhau bằng sự cảm thông, chia sẻ nhưng cũng phải rất rạch ròi sai đúng…
Song, nói gì thì nói, cũng ơn giời, cho đến bây giờ tôi chưa (hi vọng là không) bị dính vụ tai nạn nghiêm trọng nào. Có lẽ ngoài những nguyên tắc tôi nói ở trên thì còn nhờ may mắn rồi anh em bè bạn, các nhà quản lý “thương” và bạn đọc tin quý.
+ Anh có bao giờ nghĩ mình là nhà báo lớn không?
- Hahaha. Câu hỏi của bạn thật thú vị và cũng đã nhiều người hỏi như vậy và tôi khẳng định luôn, tôi là nhà báo lớn… tuổi! Những người bằng tuổi tôi hầu hết đã về hưu và không ít người trong số đó đang vui thú điền viên. Còn tôi thì về lĩnh sổ từ 1.12.2018, song vẫn làm như cũ và lĩnh lương hơn cũ bởi mỗi tháng có thêm mấy triệu đồng tiền lương hưu theo chế độ.
+ Công việc cụ thể hiện nay của anh là gì và anh có “chức tước” gì không?
- Về chức tước thì không, à có. Tôi được bác Hoàn bổ nhiệm làm “trưởng BLOG”, một cái chức không có trong từ điển và cũng không có phó, chẳng có quân, mỗi mình lủi thủi.
Công việc cơ quan của tôi là phụ trách cái góc nhỏ mag tên BLOG như tôi đã nói ở trên với điều kiện mỗi ngày một bài đăng trên TOP 3 trang 1 của Báo Dân trí trước 8 giờ sáng, đồng thời duyệt những comment bạn đọc gửi về.
Tác phẩm là tập hợp những bài viết của Bùi Hoàng Tám đăng trên mục BLOG từ 2011- 2016
|
+ Còn công việc ở nhà?
- Tôi thường dậy vào lúc 2h sáng để làm các việc như biên tập bài, duyệt comment bạn đọc gửi về từ tối hôm trước, đưa bài mới lên, đọc báo để lấy thông tin… đến khoảng 5h sáng thì ngủ 1 tiếng. 6 giờ dậy xem tivi, 7h vào duyệt comment rồi đưa con trai đi học và ăn sáng, đi chợ. Đến 8h thì lại duyệt comment, đọc báo đến khoảng gần 11h đi nấu cơm chờ các con đi học về ăn. Khoảng 12giờ, vào duyệt commetn tiếp, sau đó ngù khoảng 14giờ dậy làm việc đến 17 giờ thì lo cơm nước…
+ Anh không đến làm việc ở cơ quan?
- Hơn 8 năm nay bác Hoàn (TBT Phạm Huy Hoàn) cho tôi làm việc qua mạng tại nhà. Mỗi tuần chỉ phải lên cơ quan 2 lần, thứ hai họp lãnh đạo và thứ 3 họp toàn cơ quan nhưng tôi thường… trốn.
+ Tò mò một chút, mỗi bài của anh thường có bao nhiêu view (lươt truy cập) và comment (ý kiến)?
- Tôi tự đặt cho mình chỉ tiêu, nếu chỉ có dưới 50.000 view và 100 comment thì chưa phải là một bài thành công.
+ Được biết là nhà báo, anh còn là nhà thơ. Điều này có tác động đến nhau như thế nào giữa một bên là mơ màng, tưởng tượng và một bên là tỉnh táo và chính xác?
- Đây là nhận xét rất chính xác về đặc trưng của hai nghề. Ở đây cần sự “phân thân” rất rạch ròi bởi nếu chỉ môt phút giây lẫn lộn, sẽ là điều không hay. Đặc biệt là khi cái trí tưởng tượng của ông nhà thơ lại “gieo” nhầm vào lúc ông nhà báo tác nghiệp thì rất nguy hiểm bởi với báo chí không có khái niệm “sáng tạo”, “tưởng tượng” bới đó chính là sự bịa đặt.
Tuy nhiên nếu nhà thơ làm báo thì cũng có rất nhiều lợi thế bởi vốn từ, kỹ năng sử dụng ngôn từ hay truyền tải cảm xúc, đặc biệt là khả năng linh cảm của nhà thơ rất quan trọng đối với nghề báo, nhiều khi nhờ linh cảm trực giác mà tránh khỏi sai lầm.
Nhà thơ, nhà báo Bùi Hoàng Tám
|
+ Trở lại với Nói lời dân, có tập 1 chăc phải có tập 2 và anh dự định bao giờ thì tập 2 ra mắt bạn đọc?
- Tất nhiên có tập 1 thì chắc chắn phải có tập 2 và như nói ở trên, tập 1 dừng ở thời điểm tháng 3. 2016 nên tập 2 sẽ là những bài viết từ thời điểm đó trở đi.
Con về thời điểm ra sách, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhất là thời gian. Hãy thử tính mỗi năm, tôi viết ít nhất là 200 bài báo thì hơn 8 năm, sẽ là khoảng 1.700 bài. Trong khi một tập như tập 1 mới đây đăng tải khoảng 240 bài. Như vậy nếu sử dụng tất cả, có lẽ phải in tới 7 tập, mỗi tập khoảng 800 trang.
Tất nhiên là không thể in tất cả nên phải tuyển chọn và bạn hãy tưởng tượng nếu phải ngồi đọc khoảng 3.000 trang sách rồi chọn ra gần 1.000 trang để in nó vất vả và mất thời gian đến mức nào.
Tuy nhiên, với sự thành công của Nói lời dân tập 1, để không phụ lòng mong muốn của bạn bè và độc giả, có thể Nói lời dân II sẽ ra mắt trong một ngày không xa.
+ Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi thú vị này và chúc anh tiếp tục thành công trong một cái nghề mà như lời anh đó là “nghề nghiệt ngã” nhưng cũng rất vinh quang này!