Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, văn hóa đóng vai trò rất quan trọng, là nền tảng, là động lực phát triển kinh tế xã hội của một đất nước, một dân tộc. Báo chí chính là một bộ phận của văn hóa. Báo chí góp phần sáng tạo, phổ biến và lưu truyền văn hóa. Mỗi tác phẩm báo chí là một sản phẩm văn hóa và mỗi nhà báo là một chiến sỹ văn hóa trên mặt trận tư tưởng.
Văn hóa ứng xử là những hành vi,việc làm, thái độ, lời nói giao tiếp của từng người với mọi người, nói rộng ra là của cả cộng đồng, cả dân tộc được hình thành trong quá trình rèn luyện, trưởng thành của mọi người, mọi dân tộc.
Dân tộc Việt Nam có nền văn hiến, bề dày văn hóa hàng nghìn năm với nhiều phẩm chất tốt đẹp. Phó Thủ tướng trích dẫn câu nói của Bác Hồ “Người Việt có những phẩm chất tốt đẹp như: anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù, lương thiện, tự trọng”.
Nói về những hành vi văn hóa chưa chuẩn mực trong đời sống hiện nay, Phó Thủ tướng nhận định, vẫn còn nhiều biểu hiện, hành vi thiếu văn hóa, cụ thể như: chen lấn không xếp hàng, không có ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, trễ giờ, lãng phí… Những biểu hiện này không phải là bản chất của dân tộc Việt mà nó là căn bệnh chung của những nước đang phát triển, do quá chú ý đến tăng trưởng kinh tế mà thiếu sự quan tâm đúng mức đến bảo vệ môi trường, đến các vấn đề văn hóa xã hội.
Để góp phần khắc phục những hành vi nói trên và tiếp tục khẳng định vai trò của báo chí trong truyền thông chuẩn mực ứng xử văn hóa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh. Các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương cần phải tăng lượng tin bài, hình thành thêm các chuyên mục nêu các gương tốt, phê phán các hành vi xấu, từ đó tạo ra sự chuyển biến hành vi của mọi người dân trong xã hội. Báo Nhân Dân có mục Người tốt Việc tốt, Đài VTV có chuyên mục Việc tử tế, báo Tuổi trẻ có Ngày hội hoa hướng dương. Nhưng cần có thêm nhiều hơn nữa các chuyên mục như vậy để tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ hơn. Đồng thời cần khuyến khích các nhà văn hóa, các nhà khoa học cùng hợp tác với các nhà báo để viết nên những tác phẩm báo chí giàu sức thuyết phục, dễ hiểu, sử dụng các phương thức truyền thông mới nhằm thay đổi, làm chuyển biến hành vi ứng xử của người dân.