Theo đó, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) là đơn vị hạch toán độc lập, có vốn điều lệ là hơn 21.000 tỷ đồng, nhưng trực thuộc PVN. Doanh nghiệp này được PVN giao làm chủ đầu tư dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Theo cáo trạng, đơn vị này đã ký hợp đồng 33 thuê PVC làm tổng thầu khi chưa đủ điều kiện. Sau đó, PVC đã được tạm ứng 1.115 tỷ đồng triển khai dự án theo hợp đồng này, nhưng lại sử dụng sai mục đích khiến PVN thiệt hại 119 tỷ đồng.
Tại tòa, ông Quang khai PVN đã có tới 3 văn bản do Phó Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Khánh ký, với nội dung thúc PVPower phải ký hợp đồng 33 với PVC trước ngày 28/1/2011. Và do thế PVPower phải ký.
Ông Quang đã khai như vậy khi trả lời thẩm vấn của luật sư Nguyễn Thị Hoài Linh – luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó Tổng giám đốc PVN.
Theo ông Quang, PVPower "rất vui" vì được giao và tự thân doanh nghiệp đủ điều kiện để thực hiện hợp đồng. Khi bị PVN thúc ép ký hợp đồng 33 với PVC (các văn bản của bị cáo Nguyễn Quốc Khánh), bản thân ông đã nhiều lần khẳng định chưa đủ điều kiện để ký.
Các lý do cụ thể được ông Quang nêu, là hợp đồng 33 chỉ có mục tiêu duy nhất là khởi công đúng tiến độ mà không có mục đích nào khác. Tức là, hợp đồng 33 chưa có hiệu lực pháp luật – ông Quang nhấn mạnh, đồng thời chứng minh bằng cách đề nghị hội đồng xét xử và các luật sư “xem thêm về ngày thực hiện và hiệu lực hợp đồng. Nghĩa là hợp đồng này hoàn toàn chưa có hiệu lực".
Đồng thời, theo ông Quang, không chỉ có ý kiến cá nhân, mà PVPower cũng có văn bản phản hồi rõ là chưa đủ điều kiện ký hợp đồng. Tuy nhiên, trả lời các văn bản này, PVN đều có văn bản chỉ đạo trở lại là phải hoàn tất các công việc để ký hợp đồng theo đúng tiến độ.
Trả lời thẩm vấn của luật sư, ông Quang xác nhận bị cáo Khánh không có chỉ đạo ký hợp đồng thiếu căn cứ pháp lý. Nhưng trong các văn bản trả lời PVN thì PVPower đều nêu khó khăn và thời gian hoàn thành thủ tục để có thể ký hợp đồng vào trung tuần tháng 6/2011, tức là nửa năm sau thời gian ấn định của PVN.
Đồng thời, theo ông Quang, có rất nhiều lời khai, báo cáo cũng như nhân chứng tại phiên tòa nói không biết về thiếu sót của hợp đồng 33 cho đến ngày 30/5/2011. Thậm chí, kể cả khi họp ra mắt ban quản lý mới – với thành phần có cả PVC và PVPower - ông Đinh La Thăng vẫn tiếp tục yêu cầu các đơn vị báo cáo các vướng mắc khó khăn trong quá trình chuyển giao dự án.
Tại cuộc họp này, ông Quang khẳng định có nêu ý kiến “hợp đồng này còn thiếu sót. Vì có báo cáo này của tôi mà ông Thăng đưa vào kết luận rằng ban quản lý mới cần thiết phải xem xét và bổ sung".
Trước đó, tại phiên xử ngày 9/1, nguyên Chủ tịch PVN Đinh La Thăng đã nhận trách nhiệm – theo lời ông Thăng là trách nhiệm về các “thiếu sót” – xảy ra trong triển khai dự án nhiệt điện Thái Bình 2, dẫn tới liên lụy trách nhiệm cho các cán bộ dưới quyền thời gian đó.