Nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp “mách nước” cách cải thiện giao thông Hà Nội

VietTimes -- Dù mưa bão như trút nhưng phố cổ vẫn không ngập, chứng minh cha ông ta tuyệt vời; phố cũ không ngập chứng tỏ kiến thức của người Pháp rất đáng học tập trong khi đó, hầu hết các khu phố mới đều ngập và ngập dài ngày...
Tắc đường là nỗi ám ảnh của nhiều người dân thủ đô.
Tắc đường là nỗi ám ảnh của nhiều người dân thủ đô.

TS. Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT đã đưa ra một thực tế đáng suy ngẫm. VietTimes xin trân trọng giới thiệu tới quý vị độc giả những suy ngẫm của ông về quy hoạch và giao thông Hà Nội:

Thực trạng:

1. Trận lụt lịch sử năm 2008 tại Hà Nội, chúng ta nên rút ra 3 bài học:

Một là phố cổ không ngập, chứng minh cha ông mình tuyệt vời. Hai là phố cũ không ngập chứng tỏ kiến thức của người Pháp cũng đáng học tập. Ba là hầu hết các khu phố mới đều ngập và ngập dài ngày, khi các cơ quan chuyên môn của chúng ta hiện nay đông hơn, bằng cấp cao hơn so với cha ông. Đó là một thực tế đáng suy ngẫm.

2. Hà Nội tiếp tục xây dựng các nhà cao tầng ở phố cổ và phố cũ là một chủ trương với 3 băn khoăn:

Một là: Băm nhỏ phố cổ và phố cũ là điều thế giới không ai làm.

Hai là: Dựng thêm nhiều tòa nhà hiện đại, chọc trời trên một khuôn viên quá chật hẹp, không đồng bộ, chẳng khác gì mặt quần áo comple mà đi chân đất.

Ba là: Đưa một lượng người và phương tiện tăng thêm rất cao trong điều kiện hạ tầng cố định nhỏ hẹp không thể cải tạo, mở rộng và khắc phục được dẫn đến ùn tắc giao thông nhiều hơn là điều dễ hiểu.

3. Nếu được lên vũ trụ nhìn xuống mặt đất thì Việt Nam “tự hào” là quốc gia dễ nhận diện nhất nhờ nhiều xe máy. Có lẽ xe máy ở nước ta số lượng và bình quân đầu người cao nhất thế giới.

II.   Giải pháp:

Giải pháp nào cũng cần nhưng phải hạn chế 3 điều không nên, ấy là kìm hãm sự phát triển, tăng thu lệ phí khi đời sống dân cư đang khó khăn và ban hành nhiều mệnh lệnh hành chính, tạo thêm ức chế cho người tham gia giao thông.

1. Các giải pháp tình thế, tức thời:

- Khai thông ngay các tuyến giao thông thắt nghẽn gắn với mở thêm các cầu vượt hợp lý để giảm ùn tắc giao thông từ nội thành ra ngoại thành.

- Tăng thêm các tuyến đường ô bàn cờ thay cho chỉ có đường xương cá ở các đô thị đã mở, mới mở và sắp mở.

- Giảm nhanh các phương tiện xe máy cá nhân bằng xe bus với chất lượng tốt hơn, thời gian chạy ổn định và dày hơn. Các tuyến đi phù hợp với dân cư, đi đúng lộ trình, không bỏ bến, thay tuyến, với giá cả phù hợp, thậm chí nhà nước nên bù lỗ, để tạo điều kiện tốt và thuận lợi nhất cho mọi người tham gia giao thông công cộng.

- Mở thêm các khu chung cư bán và cho thuê với giá cả hợp lý ở các cửa ô để công dân chọn nơi ở phù hợp với nơi công tác, để có thể đi bộ được, hạn chế đi lại bằng phương tiện cá nhân ngược chiều nhau, tăng thêm chi phí và thời gian lưu thông trên đường.

Theo Nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, để giải quyết sức ép giao thông đang tăng nhanh ở Hà Nội, cần mở thêm các tuyến đường ô bàn cờ thay cho chỉ có đường xương cá ở các đô thị.

2. Các giải pháp cơ bản, lâu dài:

- Thắt chặt kỷ cương trong xây dựng đô thị, cả quy hoạch, kiến trúc, cấp thoát nước, cây xanh và quản lý quy hoạch đồng bộ và nghiêm túc hơn.

Ta nên học cha ông và học hỏi những bài học kinh nghiệm xây dựng và quản lý đô thị của thế giới.

Ví dụ thời Nga Hoàng, chỉ có 4 sắc lệnh khi xây dựng thành phố Saint-Peterburg như: Đường rộng bao nhiêu mét được xây nhà cao bấy nhiêu mét, nhưng cao nhất không quá 5 tầng so với tòa nhà Hoàng đế là 7 tầng; Vỉa hè phải rộng tối thiểu 1/2 độ rộng của mặt đường; Tất cả các tòa nhà nằm ở mặt tiền đều phải được nhà vua phê duyệt quy hoạch, kiến trúc đảm bảo mỹ quan và văn minh đô thị; và đảm bảo tỷ lệ cây xanh đô thị trên bình quân một thị dân, từ 10m2 trở lên. Chính nhờ 4 sắc lệnh đó mà nước Nga có được một thành phố cổ đẹp, khoa học, lâu bền đến hôm nay và mai sau.

- Bố trí quy hoạch giao thông đủ 3 tầng, 4 hướng, 8 phương.

Tất cả các đô thị trên thế giới với quy mô dân số trên 5 triệu người đều phải đảm bảo đủ 3 tầng giao thông: Một là: Tàu điện ngầm từ trung tâm tỏa ra 4 phương, 8 hướng của thành phố. Hai là: Tàu điện nổi nối trung tâm với các khu du lịch, vui chơi giải trí, các chung cư lớn, các khu thương mại, văn hóa, thể thao và các đô thị vệ tinh…

- Các tuyến đường cao tốc chạy dọc, ngang và bao quanh nhiều vòng của thành phố giúp các phương tiện giao thông từ nội thành tỏa ra ngoại thành nhanh và hợp lý nhất.

- Trên tuyến giao thông mặt đất được bố trí hợp lý, khoa học với hệ thống đèn báo và hướng dẫn giao thông chi tiết, chu tất và xử lý mọi sai phạm giao thông nghiêm túc, kịp thời, giúp con người tôn trọng luật lệ khi tham gia giao thông.

- Đưa nhanh các bệnh viện tuyến trung ương và các trường Đại học, Cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp quốc gia ra ngoại thành và bố trí các tuyến giao thông tiếp cận tốt nhất để giãn dân một cách tự nguyện.

- Về lâu dài nên nghiên cứu xây dựng Thủ đô hành chính ra vùng ngoại thành, cũng là một cách xây dựng Đô thị mới hiện đại phù hợp với công tác quản lý thời đại công nghệ thông tin và truyền thông, đảm bảo công vụ tốt hơn và giãn dân cư hợp lý nhất. Đây cũng là cách tôn vinh các đô thị cổ phục vụ cho du lịch và giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.

Trên đây là một số ý kiến nhỏ góp ý với công tác quy hoạch và quản lý giao thông Hà Nội. Kính mong các nhà chuyên môn, các cấp có thẩm quyền xem xét, chọn lọc và quyết định.

(*) TS. Lê Doãn Hợp là Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT.