Người dân thủ đô mỗi lần bước chân ra đường luôn kèm nỗi lo tai họa chừng như lơ lửng trên đầu.Tại TP.HCM, người dân ra đường cũng chung nỗi lo khi nhiều công trường giăng mắc những chiếc cần cẩu dài ngang dọc.
Cần cẩu treo bên trường mầm non
Sáng sớm 13-5, một ngày sau hàng loạt sự cố tai nạn tại các công trường của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông, công trường thi công dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đoạn nằm trên phố Hoàng Cầu, cạnh hồ Đống Đa (Q.Đống Đa) máy móc vẫn hoạt động rầm rập, từng tốp công nhân hàng chục người vắt vẻo trên các cọc bêtông chót vót để thi công.
Ngoài những tấm dầm đang được bó thép để chuẩn bị đổ bêtông nằm ngay cạnh mặt đường, hàng loạt dầm thép, cọc bêtông lớn cùng nhiều cần cẩu đang được lắp đặt và hoạt động rầm rộ tại đây. Những cần cẩu này vươn cao hướng ra mặt đường, có đoạn tiếp giáp với mặt hồ Đống Đa còn vắt hẳn qua lòng đường.
Trong khi đó, phía dưới hàng ngàn phương tiện cùng người vẫn lưu thông do đây là nút giao thông huyết mạch nối từ nút giao Thái Hà ra nút giao Xã Đàn mới. Bà Nguyễn Thị Nhung, chủ quán phở đối diện ngay công trường, cho hay mỗi lần cần cẩu di chuyển vật liệu thì người đi bên dưới lại một phen thót tim. “Mỗi khi nhìn qua công trường tôi lại chắp tay cầu khấn mọi chuyện bình an vô sự. Đọc báo, xem tivi thấy nhiều vụ tai nạn công trường chết người mà rùng mình” - bà Nhung nói.
Khung cảnh đáng sợ hơn phải kể đến hàng loạt công trường xây dựng cao ốc, tổ hợp chung cư trên đường Lê Văn Lương, đoạn từ ngã tư Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy đến ngã tư Lê Văn Lương - Nguyễn Tuân (Q.Thanh Xuân). Nằm ngay dưới chân công trường tổ hợp chung cư HCC1 Complex Building trên phố này là bến xe buýt hoạt động tấp nập.
Hằng ngày, cả trăm lượt xe với hàng nghìn lượt người tập trung tại bến và lên xuống xe khu vực này. Lơ lửng trên đầu họ là hai cần cẩu đồ sộ vươn ra tận mặt đường với cả chục khối bêtông đối trọng nặng nhiều tấn khiến nhiều người đi qua đây có cảm giác bất an. Ngoài công trường này, có thêm ba công trường cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện với những cần cẩu khổng lồ nằm vắt trên tầm cao vài chục tầng vươn sừng sững ra lòng đường.
Tại một dự án chung cư cao tầng khác đang thi công dang dở trong khuôn viên dự án Golden Silk (P.Đại Kim, Q.Hoàng Mai) luôn có hai tháp cẩu hoạt động ngày và đêm. Cần cẩu thép cùng các khối bêtông đối trọng khổng lồ nằm lơ lửng vắt qua tuyến đường nội bộ trong khu đô thị, hằng ngày có cả hàng chục ngàn lượt người qua lại.
Đáng ngại hơn, đây cũng là tuyến đường chính mà người dân đưa đón trẻ nhỏ tại một trường mầm non công lập quy mô lớn của quận Hoàng Mai cùng vài trường mầm non tư thục nằm trong khuôn viên khu đô thị. “Nếu có tai nạn thì không thể tưởng tượng được hậu quả khủng khiếp như thế nào, tôi chả dám nghĩ đến nữa” - một phụ huynh nói trong khi đưa con đi học qua đoạn đường này.
Trời kêu ai nấy dạ!
Khoảng 11g15 ngày 13-5 tại số 200 Lý Chính Thắng, TP.HCM, một chiếc cần cẩu dài thò ra từ công trình xây dựng khu liên cơ quan Bộ Tài nguyên và môi trường khiến nhiều người đi đường phải ngẩng nhìn và dè dặt băng qua. Đây là một trong hàng loạt cần cẩu tại các công trình nhà cao tầng ở nhiều nơi trên TP.HCM.
Do dưới vị trí cần cẩu là chốt đèn giao thông nên khoảng 20 giây dòng xe phải dừng một lần với vài trăm chiếc. Một người buôn bán gần khu vực cần cẩu này góp ý: nên quy định giờ giấc hoạt động cho những cần cẩu trong đô thị đông dân, chứ cứ làm việc liền tù tì như thế này rất đáng ngại.
Tại một công trình xây dựng cao ốc trên đường Hồng Hà (Q.Phú Nhuận), chiếc cần cẩu vòi vọi nhấc những tấm thép rồi xoay lơ lửng trên không trung để đặt xuống vị trí mới. Ngay phía dưới, công nhân vẫn làm việc, xe tải vẫn ra vào. Ông Hùng - ngồi ở chốt bảo vệ khu phố 9, P.2, Q.Tân Bình (kế công trình) - cho biết: “Nhiều khi cũng sợ nó câu mấy đồ nặng, quơ qua quơ lại như thế không biết văng đi đâu”. Ông Hùng nhún vai nói thêm: “Có sợ thì cũng chịu...”, tỏ vẻ cam chịu.
Một người có vẻ hiểu biết về công trường này góp vô: “Đây mới chỉ ép cọc bêtông làm móng, nên cần cẩu chỉ đưa lên hạ xuống câu vật liệu chứ chưa câu ngang. Mai mốt xây 16 tầng dùng cần cẩu dài hơn nữa mới nguy hiểm”.
Bên đường Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh), công trình xây dựng mới trụ sở Tòa án nhân dân Q.Bình Thạnh sắp sửa hoàn thành. Phía giáp đường Bạch Đằng, một cần cẩu được lắp sát vào tòa nhà đang xây dựng. Một người dân sống gần công trình này cho hay tuy từ lúc xây dựng đến nay công trình này chưa xảy ra sự cố gì nhưng vẫn cảm thấy lo lo.
Cần cẩu sập do lỗi chủ quan
Theo giảng viên Trần Quang Hiền - bộ môn thi công và quản lý xây dựng, khoa kỹ thuật xây dựng Trường đại học Bách khoa TP.HCM, các vụ sập cần cẩu ở Đồng Tháp hay ở công trình đường sắt Nhổn - ga Hà Nội cho thấy nguyên nhân do không kiểm định theo đúng quy định và quá trình bảo quản không đúng kỹ thuật, dẫn đến chất lượng không bảo đảm an toàn.
Cũng theo ông Hiền, thời gian kiểm định cần cẩu trung bình 6-12 tháng/lần. Các loại cần cẩu này đều có lý lịch, có chứng nhận qua nhiều lần được kiểm định. Mỗi lần kiểm định sẽ được thử lực, thử tải nghiêm ngặt. Nếu việc kiểm định như quy trình thì khó có khả năng xảy ra sự cố như vừa qua, vì thực tế người điều khiển cần cẩu ít khi dám cẩu quá tải trọng cho phép.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Tấn Dũng, chánh thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, cho biết định kỳ thanh tra vẫn đi kiểm tra an toàn lao động, đặc biệt cần cẩu tại các công trình nhà cao tầng. Trước đây, thanh tra sở đã đề nghị khởi tố hình sự một số sự cố nghiêm trọng liên quan đến cầu cẩu. Ông Dũng cho biết trong tháng 5 thanh tra sở sẽ tăng cường kiểm tra các công trình nhà cao tầng.
Ông Trần Trọng Tuấn - giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - cho biết đang dự thảo văn bản để nhắc nhở UBND các quận, huyện kiểm tra độ an toàn của cần cẩu trên những công trình xây dựng. Đối với những cần cẩu trên công trình đang thi công, cơ quan chức năng phải kiểm tra thời hạn kiểm định và độ an toàn của cần cẩu. Đối với những công trình ngưng thi công thì buộc đơn vị thi công phải tháo dỡ cần cẩu để bảo đảm an toàn.
Theo Sở Xây dựng TP, việc kiểm tra và nhắc nhở này được thực hiện định kỳ, thường xuyên hằng năm và trước mùa mưa bão. Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM đã có quy định về sử dụng cần trục tháp (cần cẩu) tại các công trường xây dựng. Quy định này nêu rõ từ việc thiết kế mặt bằng công trường, quy cách niêm yết sơ đồ tổng mặt bằng, điều kiện sử dụng cần trục, bảo đảm an toàn cho phạm vi bên ngoài... Qua kiểm tra thực tế, những vi phạm về việc sử dụng cầu cẩu tại các công trình xây dựng thường xảy ra là hết thời hạn kiểm định, hoạt động quá năng lực (ví dụ như cần cẩu chỉ hoạt động đến độ cao 50m nhưng đơn vị thi công sử dụng cho độ cao 70m), người vận hành thiếu chứng chỉ chuyên môn...
Những điều không được bỏ qua Theo kỹ sư Nguyễn Lý Trọng - ủy viên thường vụ Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM, việc sử dụng cần cẩu phải theo quy trình an toàn bắt buộc ở ba khâu: biện pháp sử dụng, thiết bị được kiểm nghiệm và người vận hành an toàn. Thực tế tại các công trường, ba khâu trên đều có vi phạm nên cần phải cảnh báo về an toàn xây dựng. Ông Trọng nhắc nhở: để tránh những tai nạn đáng tiếc, công nhân vận hành phải ý thức công việc của mình có nguy cơ gây nguy hiểm cho cộng đồng và cả chính mình nếu để xảy ra sai sót. Đơn vị thi công phải chọn người có trình độ phù hợp, có chuyên môn, được đào tạo về an toàn công trình. Đơn vị thi công, trưởng công trình phải tuân thủ những tiêu chuẩn kỹ thuật, giới hạn an toàn. Riêng cần cẩu phải tuân thủ những quy định về bảo dưỡng định kỳ, quy định về tải trọng, công năng. |
Theo: Tuổi Trẻ
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu