Nguy cơ tiếp diễn luật ống

Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp đang được đưa ra lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ ban hành vào tháng 6 tới.
Một môi trường kinh doanh thông thoáng để doanh nghiệp yên tâm hoạt động dường như vẫn khá xa vời.
Một môi trường kinh doanh thông thoáng để doanh nghiệp yên tâm hoạt động dường như vẫn khá xa vời.

Đây là văn bản rất quan trọng để hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư (sửa đổi) - hai bộ luật được đánh giá là thông thoáng cho người dân khởi nghiệp - sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 7-2015. Song, đáng tiếc là nhiều điểm trong bản dự thảo nghị định này đang đi ngược với tinh thần thông thoáng của luật.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nơi được giao soạn thảo dự thảo này, vẫn bắt doanh nghiệp/người thành lập doanh nghiệp phải kê khai đầy đủ ngành nghề kinh doanh, và phải tự mình dò và áp đầy đủ mã ngành cấp 4 (ngành nghề với mã đến bốn chữ số) trong hồ sơ, theo điều 7 của dự thảo. Quy định này là điểm gây tranh cãi nhất hiện nay bởi doanh nghiệp khó mà biết được ngành, nghề mình định kinh doanh thuộc phân ngành gì, áp mã có đúng hay không; và hệ quả là có thể khai báo sai, rồi phải “nhờ” cán bộ đăng ký kinh doanh.

Lý do cơ quan soạn thảo bảo lưu quy định này, đáng tiếc, rất mơ hồ. Cơ quan này giải thích ngay trong điều 7 nói trên, rằng yêu cầu doanh nghiệp mã hóa ngành, nghề đăng ký kinh doanh “chỉ có ý nghĩa trong công tác thống kê”. Bên cạnh đó, họ giải thích tiếp, nguyên tắc cơ bản của đăng ký kinh doanh quy định tại Luật Doanh nghiệp là doanh nghiệp có trách nhiệm tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về nội dung đăng ký doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ ghi nhận những gì doanh nghiệp đăng ký; quy định này là phù hợp với thông lệ quốc tế và nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp…

Thực tế thì không như vậy. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổ chức lớn nhất đại diện cho doanh nghiệp, khẳng định hoàn toàn khác. Trong báo cáo gửi cục này, VCCI khẳng định: “Quy định này là chưa hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp, đi ngược lại tinh thần cũng như mâu thuẫn với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014”.

Trên thực tế, vướng mắc trong việc ghi và mã hóa ngành, nghề theo hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam được xem là một trong những vướng mắc lớn nhất của thủ tục gia nhập thị trường theo Luật Doanh nghiệp năm 2005. Bên cạnh đó, hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam vẫn chưa bao quát hết các ngành kinh tế trên thực tế, dẫn tới hiện tượng doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước không biết xác định ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp thuộc mã nào.

Chính vướng mắc trong thủ tục gia nhập thị trường này là một trong những lý do khiến cả cơ quan soạn thảo và các doanh nghiệp nhất quán tinh thần sửa đổi và xây dựng Luật Doanh nghiệp năm 2014 theo hướng: việc ghi ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp chỉ có ý nghĩa thống kê, doanh nghiệp chỉ đăng ký những ngành nghề dự kiến kinh doanh và trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không thể hiện ngành, nghề kinh doanh.

Việc yêu cầu doanh nghiệp phải ghi và mã hóa ngành, nghề kinh doanh trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp tại dự thảo nghị định này đã không thể hiện được tính cải cách, đột phá theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp năm 2014, quay trở lại quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2005 và do đó chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm những vướng mắc đề cập ở trên.

Điều đáng ngạc nhiên là Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cơ quan chủ trì soạn thảo hai luật Doanh nghiệp và Đầu tư lại không có vai trò trong việc soạn thảo nghị định hướng dẫn thi hành chúng.

Trong một góp ý với cơ quan soạn thảo, CIEM đề nghị bỏ các yêu cầu này vì các lý do sau đây. Thứ nhất, yêu cầu doanh nghiệp ghi và mã hóa ngành nghề kinh doanh theo phân ngành kinh tế cấp 4 của hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam đang gây ra nhiều khó khăn cho cả doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh trong giải quyết thủ tục, làm tăng chi phí, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục. Thứ hai, theo Luật doanh nghiệp năm 2014 thì thông tin về ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp chỉ có ý nghĩa thống kê; do đó, yêu cầu doanh nghiệp ghi và mã hóa ngành nghề kinh doanh theo phân ngành kinh tế cấp 4 là không phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Được biết, Bộ Tư pháp đã họp thẩm định dự thảo nghị định này. Liệu những ý kiến từ giới doanh nghiệp và từ ngay cơ quan soạn thảo luật là CIEM có được tôn trọng để bản dự thảo cuối cùng được sửa đổi? Liệu tinh thần thông thoáng của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư có bị đánh gục? Liệu hai luật được cho là “thông thoáng” này có rơi vào tình trạng luật khung, luật ống?

Vướng mắc trong việc ghi và mã hóa ngành, nghề theo hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam được xem là một trong những vướng mắc lớn nhất của thủ tục gia nhập thị trường.

Theo TBKTSG