Trao đổi với PVDân trí, đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương vẫn đang tổ chức thi hành một số vụ việc liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vinashin, trong đó có việc tổ chức thi hành Bản án hình sự số 454/2012 của TAND Tối cao. Đến nay số tiền trên 1,9 tỷ đồng tiền án phí của 9 đương sự đã thi hành xong.
Tuy nhiên phần thi hành án theo đơn yêu cầu mới là câu chuyện “đau đầu”. Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết đến hết tháng 6/2015, các công ty thuộc Tập đoàn Vinashin đã làm đơn yêu cầu thi hành án số tiền trên 1.049 tỷ đồng, trong đó riêng Phạm Thanh Bình - nguyên Chủ tịch Vinashin - phải thi hành án số tiền khoảng 500 tỷ đồng. Tuy nhiên qua xác minh tài sản chỉ phát hiện ông Phạm Thanh Bình có 2 tài sản, gồm: căn nhà tại địa chỉ số 10 Ngô Văn Sở, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và căn hộ số 1601, nhà 17T6 khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Tuy nhiên năm 2007, vợ chồng ông Bình đã bán nhà số 10 Ngô Văn Sở. Đối với căn hộ số 1601 nhà 17T6 khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, cơ quan thi hành án đã kê biên 1/2 căn hộ trị giá trên 2,35 tỷ đồng để thi hành khoản án phí gần 597 triệu đồng (!).
Đáng chú ý, Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết sau khi xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, xác nhận người phải thi hành án không còn điều kiện thi hành án, nên ngày 28/5/2015 vừa qua, cơ quan thi hành án đã ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật đối với Công ty Vinashinlines số tiền trên 989,2 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cái Lân số tiền 16,77 tỷ đồng và Công ty TNHH MTV Điện Cái Lân số tiền 16,4 tỷ đồng.
“Như vậy có thể cả nghìn tỷ đồng trong vụ án Vinashin sẽ không thu hồi được và Phạm Thanh Bình sẽ “thoát” bồi thường khoản tiền lên tới 500 tỷ đồng ?”. Trả lời câu hỏi của PVDân trí, đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự nói: “Xác minh đến thời điểm tháng 5/2015 thì những người đó (lãnh đạo Vinashin và đơn vị thành viên - PV) không có tài sản để thi hành án nên theo quy định của pháp luật phải trả đơn thôi. Nếu sau này họ chết đi không để lại tài sản gì thì mới đình chỉ thi hành án. Còn nếu một lúc nào đó phát hiện họ có tài sản hoặc di chúc để lại tài sản gì thì cơ quan thi hành án phải xúc tiến thu hồi”.
Đối với trường hợp của Trần Quang Vũ - nguyên Tổng giám đốc Vinashin, Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết đến hết tháng 6/2015 đã thi hành được 124,662 triệu đồng; còn phải thi hành trên 24,3 tỷ đồng và lãi chậm thi hành án. Hiện nay cơ quan thi hành án đang làm các thủ tục kê biên tài sản của Trần Quang Vũ tại Hải Phòng (nhà A1 - 8 khu đô thị ngã 5 - Sân bay Cát Bi) và tại căn hộ 706 nhà 17T6 khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội để đảm bảo thi hành án.
“Mặc dù các cơ quan thi hành án tích cực trong tổ chức thi hành án, tuy nhiên, quá trình tố tụng các cơ quan chức năng đã không phong tỏa và kê biên bất cứ tài sản nào của các đương sự để đảm bảo thi hành án, nên việc xác minh, xác định tài sản của đương sự để thi hành án gặp rất nhiều khó khăn; các đương sự không hợp tác; có trường hợp có tài sản nhưng không đủ đảm bảo nghĩa vụ thi hành án theo quyết định của bản án”- đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự cho PVDân tríbiết.
Chưa lần nào kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ở nước ngoài
Trả lời PVDân trí, đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết việc kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của cá nhân ở nước ngoài để thi hành án dân sự phụ thuộc vào việc Việt Nam và nước đó có ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp hay không, và Hiệp định có nội dung về kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của cá nhân ở nước ngoài để thi hành án dân sự hay không ?. Trường hợp có ký kết thì sẽ thực hiện theo đúng nội dung của Hiệp định.
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, trong đó tại Điều 51 Công ước quy định: “Hoàn trả tài sản theo quy định tại Chương này là nguyên tắc căn bản của Công ước này, và theo đó, các quốc gia thành viên cung cấp cho nhau các biện pháp hợp tác và trợ giúp rộng rãi nhất”; điểm a khoản 1 Điều 54 về các cơ chế thu hồi tài sản thông qua hợp tác quốc tế trong việc tịch thu có quy định mỗi quốc gia thành viên sẽ “tiến hành các biên pháp cần thiết để cho phép các cơ quan có thẩm quyền công nhận hiệu lực thi hành đối với lệnh tịch thu đưa ra bởi quốc gia thành viên khác”. Quá trình tổ chức thi hành án các vụ việc liên quan, các cơ quan thi hành án sẽ thực hiện các thủ tục ủy thác tư pháp về thi hành án dân sự theo quy định (nếu có).
Tuy nhiên đến nay các cơ quan thi hành án dân sự chưa thực hiện vụ việc nào liên quan đến kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án ở nước ngoài (chủ yếu mới thực hiện nội dung liên quan đến thủ tục tống đạt giấy tờ), nên chưa phát sinh khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này.
Giang KimĐạt (Ảnh cơ quanđiều tra cung cấp).
Liên quan đến việc thu hồi tài sản ở Singapore của Giang Kim Đạt - nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Công ty Vinashinlines thuộc Tập đoàn Vinashin - đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự cho rằng vụ việc đang do Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an giải) quyết theo thẩm quyền. Theo quy định của pháp luật, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm thụ lý, tổ chức thi hành án khi nhận được bản án, quyết định có hiệu lực thi hành của tòa án.
“Thoát” bồi thường 34,8 tỷ đồng
Đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết trong vụ án tại Vinashin, Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh đã làm đơn không thi hành án với lý do: Hội đồng quản trị và Hội đồng cổ đông công ty cho biết Công ty không bị thiệt hại và không yêu cầu ông Phạm Thanh Bình, ông Nguyễn Văn Tuyên (nguyên Giám đốc Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh), ông Đỗ Đình Côn (nguyên kế toán trưởng Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh) phải bồi thường trên 34,8 tỷ đồng theo quyết định của bản án. Tài sản đầu tư của Công ty vẫn còn tính đến thời điểm hiện tại, giá trị tài sản lớn hơn nghĩa vụ phải bồi thường nên Công ty không làm đơn yêu cầu thi hành án (theo biên bản làm việc ngày 23/8/2013).
Theo Dân trí