Nguy cơ mất tiền: Ngân hàng VIB mới tố doanh nghiệp lừa đảo?

Những vụ thế chấp “ảo”, vay tiền thật đã liên tiếp xảy ra tại Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB). Chỉ đến khi phát sinh nợ xấu không thể ngân hàng mới tố cáo con nợ “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Đó cũng là lúc “khoảng tối” trong cho vay dần lộ diện.
Nguy cơ mất tiền: Ngân hàng VIB mới tố doanh nghiệp lừa đảo?

“Chế biến” hồ sơ vay vốn…

Mới đây, ngày 13/3, Cơ quan CSĐT (C46) Bộ Công an đã khởi tố vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng VIB - Chi nhánh Nguyễn Huệ (Hà Nội). Theo đó, VIB bị chiếm đoạt số tiền 85 tỷ đồng. Ngoài 2 giám đốc, chủ doanh nghiệp bị bắt vì tội lừa đảo, bà Nguyễn Thanh Hiếu - nguyên Giám đốc Chi nhánh VIB Nguyễn Huệ - cũng bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi “Vi phạm quy định cho vay của các tổ chức tín dụng”.

Điều tra ban đầu cho thấy, từ tháng 10/2011 đến tháng 4/2012, Công ty TNHH Đức Hiếu và đối tác bán hàng đã được ngân hàng VIB cho vay 110 tỷ đồng. Tài sản thế chấp gồm bất động sản trị giá 21 tỷ đồng và hàng hóa tồn kho luân chuyển trị giá 154 tỷ đồng.

Để vay được số vốn lớn, Đỗ Xuân Hai - Giám đốc công ty - đã chỉ đạo kế toán lập khống chứng từ mua bán hàng hóa, biên bản… với nhiều cá nhân và doanh nghiệp, đem thế chấp ngân hàng. Trong số 27.000 tấn ngô tồn kho (là tài sản thế chấp), Đỗ Xuân Hai đã khai “khống” tới 25.000 tấn. Tiền vay sau đó được dùng trả nợ, chi tiêu cá nhân, dẫn tới chiếm đoạt 74 tỷ đồng của VIB.

Cũng bằng chiêu “chế biến” hồ sơ này, tháng 10/2011, ông Nguyễn Trọng Năm - chủ Doanh nghiệp tư nhân Năm Hường đã chỉ đạo lập “khống” hồ sơ mua bán hàng hóa, thế chấp vay được 19 tỷ đồng của VIB. Qua đó, chiếm đoạt số tiền 11 tỷ đồng.

Vấn đề là những bộ hồ sơ “khống” của 2 doanh nghiệp đã được Giám đốc VIB Nguyễn Huệ khi đó ký duyệt cho vay và giải ngân. Hơn thế, bà Hiếu còn ký “khống” các chứng từ hàng hóa thế chấp để làm căn cứ giải ngân.

Bị “lừa đảo, chiếm đạo tài sản” không phải là vụ việc “hiếm gặp” trong hoạt động của VIB nói riêng và các ngân hàng nói chung. Năm 2012, Ngân hàng VIB đã tố cáo một khách hàng lớn là ông Phạm Văn Thụ - Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty TNHH công nghiệp Thương mại Thái Sơn (Công ty Thái Sơn) về hành vi “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, sau khi ông này không trả nợ.

Hành vi sai phạm của ông Thụ và Phạm Hải Thanh (con trai) là đã chỉ đạo lập hồ sơ không có thật, sử dụng hàng hóa “khống” để thế chấp tại VIB và nhiều ngân hàng khác, chiếm đoạt tài  sản. Tổng số nợ quá hạn của công ty trên đã hơn 1.111 tỷ đồng tại nhiều ngân hàng.

Riêng Ngân hàng VIB – Sở giao dịch đã nhiều lần giải ngân cho Công ty Thái Sơn vay vốn kinh doanh sắt thép. Nhưng đến tháng 11/2011, toàn bộ số nợ  vay 47,9 tỷ đồng, thế chấp bằng hàng hóa (4.936 tấn thép, trị giá hơn 71 tỷ đồng) đã bị ông Thụ chiếm đoạt.

Chỉ qua 2 vụ án trên, VIB đã bị chiếm đoạt tới gần 133 tỷ đồng, chưa kể nợ lãi phát sinh. Xử lý nợ xấu của các công ty này cùng số nợ xấu (cuối năm 2014) như thế nào, sẽ là một trong những nội dung được cổ đông VIB quan tâm tại kỳ Đại hội cổ đông năm 2015 tới đây.

Công thức vay “khống” và “xù nợ”

Hiện nay, vụ án lừa đảo tại Chi nhánh VIB Nguyễn Huệ đang được điều tra, làm rõ trách nhiệm của các đối tượng liên quan đến sai phạm. Còn vụ án của đại gia Thép Thái Sơn – Phạm Văn Thụ đã hé lộ một số chiêu thức tinh vi hơn để “vặt” tiền từ ngân hàng.

Từ năm 2008, Công ty Thái Sơn đã có quan hệ tín dụng với Ngân hàng VIB - Sở giao dịch. Tháng 12/2010, công ty này đã được VIB duyệt cấp hạn mức tín dụng 80 tỷ đồng (thời hạn 12 tháng) do ông Hàn Ngọc Vũ – Chủ tịch Hội đồng tín dụng ký phê duyệt. Sau đó, Sở giao dịch VIB đã ký hợp đồng hạn mức 72 tỷ đồng.

Căn cứ theo nhu cầu vay vốn, hợp đồng thế chấp tài sản, VIB đã giải ngân cho công ty Thái Sơn vay, xác nhận bằng 7 khế ước nhận nợ. Nhưng đến tháng 11/2011, công ty không trả nợ gốc và lãi với dư nợ gốc tới 47,9 tỷ đồng. Từ đây, ngân hàng tiến hành siết nợ và tố cáo hành vi lừa đảo, thế chấp tài sản “ảo” để cơ quan chức năng hỗ trợ thu hồi nợ.

Theo cơ quan điều tra, bằng cách sử dụng pháp nhân của nhóm “công ty gia đình” và mượn pháp nhân… ông Thụ đã ký các hợp đồng mua bán sắt thép lòng vòng, tạo tài sản “ảo” để thế chấp ngân hàng. Thậm chí, lô hàng đã được thế chấp cho 5-9 ngân hàng cùng lúc, trong đó có tài sản của VIB. Do đó, ngân hàng không thể thu hồi, phát mại tài sản vì vướng tranh chấp pháp lý.

Đến khi phát hiện, đại gia Thép Thái Sơn đã ngập trong cảnh nợ nần với số nợ lên tới cả nghìn tỷ đồng tại nhiều ngân hàng, mà không có cách nào trả được.

Các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền vay của Ngân hàng VIB đã bị “sa lưới”. Nhưng vì sao những bộ hồ sơ, chứng từ mua bán “khống” lại có thể “lọt” qua hệ thống kiểm soát rủi ro dày đặc của ngân hàng ngay từ khâu tiếp nhận, thẩm định cho vay, đến tận khâu kiểm tra, giám sát sau cho vay, kiểm soát nội bộ ngân hàng…?

Vẫn còn nhiều điều chưa được làm sáng tỏ trong các vụ lừa đảo, thế chấp hàng hóa “ảo” để rút cả trăm tỷ đồng như vậy.

Theo Thương hiệu và công luận