Black Friday ra đời từ năm 1932, tại Mỹ, được quy định là ngày sau ngày Lễ tạ ơn của Mỹ (thứ năm thứ tư của tháng 11). Đây là ngày mà các nhãn hàng, các nhà phân phối đồng loạt giảm giá sản phẩm với mục tiêu kích cầu tiêu dùng.
Tới nay, Black Friday đã trở thành một ngày hội mua sắm toàn cầu với sự tham gia của rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Thống kê của Black-Friday.Global cho thấy, trong năm 2018, người tiêu dùng thế giới đã mua sắm nhiều hơn 624% trong dịp Black Friday. Tại Pakistan, người tiêu dùng đã mua sắm nhiều hơn đến 11.525% so với các ngày bình thường trong năm, con số này ở Mỹ là 2.103%, Anh 1.500%. Tại Việt Nam Black Friday đã thúc đẩy tiêu dùng lên đến 145%, trong khi đó ở Thái Lan chỉ có 46%.
145% là một con số không quá tệ đối với thị trường Việt Nam, vốn mới chỉ thu hút người dùng từ năm 2013, và cũng chưa có sự tham gia quá rầm rộ của thị trường.
Nhìn chung trong năm 2018, trung bình người tiêu dùng Việt Nam chi 1,9 triệu trong ngày mua sắm Black Friday. Và hết 3 triệu cho toàn bộ dịp Black Friday (những ngày được giảm giá cận kề). Thống kê cũng cho biết, mức giảm giá trung bình của các sản phẩm trong nước là 50%. Như vậy mỗi người tiêu dùng có thể tiết kiệm được 1,9 triệu trong ngày “Thứ Sáu Đen”.
Những quốc gia mà người dân mạnh tay nhất trong ngày Black Friday là Mỹ 485 USD, Canada 430 USD, Anh 397 USD. Trong khi đó ở Pakistan, trong ngày Black Friday, người tiêu dùng tuy mua sắm nhiều hơn đến 11.525% so với ngày thường, nhưng chỉ chi trung bình 35 USD.
Tốc độ lan tỏa nhanh – thị trường còn khá “hiền”
Người tiêu dùng Việt Nam cũng chỉ mới quen với Black Friday từ năm 2013, tuy nhiên tốc độ lan tỏa khá lớn. Một khảo sát của Black-Friday.Gobal cho thấy, đến năm 2018, 88% người tiêu dùng trong nước đều có nhận thức về ngày hội giảm giá đặc biệt này.
Tuy nhiên, diễn biến ngày “Thứ Sáu Đen” các năm trước ở Việt Nam cũng khá “hiền”. Không giống như ở Mỹ, người mua hàng chen chúc nhau để có được món đồ giá cả phải chăng nhất.
Lý giải cho tình trạng này có thể là bởi sự phát triển của thương mại điện tử, dẫn đến việc người tiêu dùng chuộng việc ở nhà tự đặt hàng hơn là phải ra tận các cửa hàng. Khảo sát của Black-Friday.Gobal cũng nói lên điều tương tự, theo đó 27% người tiêu dùng cho biết sẽ chỉ tìm đến khuyện mại tại các cửa hàng trực tuyến. Xu hướng mua đồ online cũng tăng dần theo mỗi năm. Đây cũng là thực trạng chung trên nhiều quốc gia bao gồm Mỹ chứ không riêng gì Việt Nam.
Một lý do khác là bởi những mặt hàng giảm giá của chủ cừa hàng tại trong nước không quá hấp dẫn. Black Friday được một số đơn vị xem như là dịp giải phóng hàng tồn, trong khi đó, lý thuyết Black Friday là vừa giảm giá mạnh, vừa duy trì chất lượng. “Mình không còn ra ngoài cửa hàng lựa đồ trong ngày Black Friday nữa, vì thực sự không lựa được các món đồ phù hợp. Vì quan tâm tới thời trang nhiều nhất nên trước đó mình có tìm đến những thương hiệu yêu thích để mua, tuy nhiên đồ giảm giá là những món có size quá lớn hoặc quá bé.” – Trần Ngọc Thảo Phương (người tiêu dùng) chia sẻ.
Bên cạnh đó, tình trạng đôn giá thành gốc để tăng tỷ lệ giảm giá cũng xảy ra khá nhiều. "Mình quan tâm tới mặt hàng mĩ phẩm, tuy nhiên mức giảm giá theo mình không thực sự cao như các cửa hàng đề ra. Một chai kem dưỡng da bình thường bán giá gốc 800.000 đồng, thì trong ngày Black Friday mình thấy cửa hàng đã đôn giá gốc lên 850.000 đồng rồi giảm xuống một mức giá tựa giá cũ." Cẩm Loan (người tiêu dùng) chia sẻ.
Ngoài một số những điểm hạn chế trên, xét trên mặt bằng chung Black Friday vẫn đang là sự kiện mua sắm được người tiêu dùng Việt trông chờ. Số liệu thống kê từ Black-Friday.Gobal cho thấy tại Việt Nam, doanh số ngày Black Friday năm 2018 tăng 832% so với ngày bình thường. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật tình hình mua sắm tại Việt Nam trong ngày "Thứ Sáu Đen" năm nay trong các tin sau./.