Chênh lệch giàu nghèo là điều bình thường
Chia sẻ với Đất Việt, ngày 20/3, trước báo cáo của Knight Frank dự đoán trong 10 năm tới, VN là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới với 159%, từ 116 lên 300 người, ông Đạt cho biết: "Tôi không có gì lấy làm bất ngờ khi nghe đến chuyện này, vì người giàu có ở Việt Nam cũng có gì lạ đâu?".
Hơn nữa, ông Đạt cho biết thêm: "Đây cũng mới chỉ là cách đánh giá, thống kê của nước ngoài trên một phương diện nào đó, chúng ta cũng không nên bị phân tâm quá bởi sự xếp hạng này, bởi vì còn nhiều người giàu có gấp nhiều lần nhưng có tên trong danh sách tỷ phú đâu".
Mặt khác, theo ông Đạt, tất cả những sự đánh giá này là do nhận thức, chỉ số, thực ra mà nói những dư luận này nghe thì nhiều, nhưng thực tế ở Việt Nam ra sao thì có ai nắm rõ.
Cục trưởng Cục chống tham nhũng cho rằng: "Nếu như nhiều người giàu giàu hơn mà có lợi cho đất nước, dân giàu nước mạnh, thì rất đáng mừng".
Cũng bày tỏ lo ngại trước sự phân hóa giàu - nghèo hiện nay ngày càng rõ rệt, theo quan điểm của ông Đạt, tất nhiên trong quá trình hòa nhập kinh tế thị trường, trong quá trình xây dựng phát triển, xuất hiện chênh lệch giàu - nghèo là hoàn toàn bình thường.
Chỉ là, mục tiêu của chúng ta luôn là phấn đầu làm sao người giàu người nghèo xích lại gần nhau, giữ mức trung bình là tốt, cần phấn đấu làm được điều đó. Chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn, cho nên, việc người giàu tăng nhanh, phân tầng xã hội rõ rệt, cái đó là vừa đáng mừng, vừa đáng suy nghĩ, phải làm sao cho khoảng cách chênh lệch đừng có xa quá.
Giàu lên bất hợp pháp phải xử nghiêm
Trước bài toán, số người siêu giàu tăng nhanh, nhưng thu nhập GDP hàng năm của VN cũng mới dừng ở mức 1900 USD/người/năm, ông Đạt nhận định: "Việc có các hiện tượng như vậy, đó là tất yếu, bởi vì số lượng người giàu của nước ta chưa nhiều, chưa quyết định và không thể thay đổi GDP của cả nước, bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố nội lực và nhiều nguồn khác".
Đặc biệt, theo ông Đạt, giàu có, sung túc là tốt nhưng giàu quá nhanh và không minh bạch hợp pháp là điều rất đáng ngại.
Vì vậy: "Nếu giàu không hợp pháp thì phải tìm nguyên nhân tại sao giàu, rồi xử lý theo pháp luật, còn làm giàu bằng chất xám, bằng năng lực thì cần phải khuyến khích, còn nếu bất chấp pháp luật thì phải xử thẳng tay".
Việc phát hiện và xử lý, theo ông Đạt, đó là vai trò của những cơ quan có trách nhiệm, tránh việc làm giàu bằng mọi giá, bất chấp pháp luật, còn làm giàu chân chính, tuân thủ pháp luật, làm giàu bằng chất xám thì hoàn toàn ủng hộ.
Trước đó, GS.TS Đặng Đình Đào - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội cũng bày tỏ quan điểm: "Nếu thực sự số lượng người siêu giàu của VN hiện nay đang tăng “quá nhanh”, đó là điều vừa đáng mừng nhưng vừa đáng để suy nghĩ! Hơn nữa, phải xem lại những người siêu giàu này là những đối tượng nào, đi lên từ lĩnh vực kinh doanh nào, BĐS hay do thừa kế?.
Ở nước ta tất cả đều không có thông tin rõ ràng. Nếu như đi lên hoàn toàn từ lĩnh vực kinh doanh, thực sự từ tài năng phát triển, tích lũy tài sản trở thành tỷ phú, thì là điều đáng mừng và nể phục. Nhưng ở Việt Nam thì lại có nhiều điểm không rõ ràng, giàu lên “quá nhanh” trong điều kiện hiện nay, có thể là vừa mừng, vừa băn khoăn cho sự “phân hóa” giàu nghèo, phân tầng xã hội".
GS Đào cũng đưa ra cảnh báo, nếu làm ăn không theo đúng quy tắc của thị trường mà chỉ bằng cách “chụp giựt”, gian lận thương mại … thì rõ ràng không lâu dài, bền vững và khi nền kinh tế vận hành theo đúng quy luật khách quan của nó thì không có sân chơi cho những người này.
Theo Đất Việt