Cụ thể, bà Lê Thu Hằng nêu rõ: “Tôi xin khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng củng cố và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Đức, vì lợi ích của nhân dân hai nước. Thời gian qua hai bên đã có những trao đổi và tiếp xúc để thúc đẩy quan hệ hai nước. Liên quan đến Trịnh Xuân Thanh, Trịnh Xuân Thanh vi phạm pháp luật Việt Nam, đã bị xét xử công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật Việt Nam và hiện đang trong quá trình thi hành án theo phán quyết của Tòa án”.
Ông Trịnh Xuân Thanh sinh năm 1966, nguyên là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo kết luận có sai phạm, làm thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng trong thời gian lãnh đạo PVN (từ năm 2007-2013), ông Trịnh Xuân Thanh đã bị Bộ Công an khởi tố ngày 15/9/2016, nhưng bỏ trốn và bị truy nã quốc tế.
Ngày 31/7/2017, Bộ Công an cho biết bị can Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú tại Việt Nam.
Sau thời gian điều tra, truy tố, ông Trịnh Xuân Thanh hiện bị tuyên chịu án chung thân và tiếp tục ra tòa trong tư cách bị cáo tại nhiều vụ án khác.
Cũng tại cuộc họp báo chiều 8/11, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết bình luận về kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, bà Lê Thu Hằng khẳng định “Chúng tôi mong rằng quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục được phát triển thực chất và hiệu quả hơn nữa, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới”. Về phản ứng của Việt Nam trước việc vừa qua Trung Quốc đưa vào sử dụng các trạm quan trắc trên một số cấu trúc ở quần đảo Trường Sa, bà Lê Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc đưa vào sử dụng các trạm quan trắc trên các cấu trúc xây dựng, cải tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Đồng thời, theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, "Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động nói trên, tuân thủ nghiêm “Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông và khu vực cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông”./. |
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu