Người lính Nhật chiến đấu suốt 30 năm sau khi chiến tranh kết thúc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một người lính Nhật Bản vẫn tiếp tục chiến đấu trong rừng sâu của Philippines ngay cả khi Chiến tranh Thế giới Thứ 2 kết thúc 29 năm.
Chiến tranh kết thúc 30 năm, người lính Nhật vẫn chiến đấu trong rừng rậm (Ảnh: Getty)
Chiến tranh kết thúc 30 năm, người lính Nhật vẫn chiến đấu trong rừng rậm (Ảnh: Getty)

Người lính quân báo ở Lubang

Hiroo Onoda sinh ngày 19/3/1922 tại làng Kamekawa, tỉnh Wakayama, Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp trung học, vào tháng 4/1939, anh nhận được một công việc tại Văn phòng đại diện Công ty thương mại Tajima của Nhật đóng tại thành phố Hán Khẩu của Trung Quốc. Ở đó, chàng trai trẻ chăm chỉ học ngoại ngữ nên chẳng bao lâu đã thông thạo không chỉ tiếng Trung mà còn cả tiếng Anh. Nhưng tháng 12/1942, anh phải trở về Nhật Bản để thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Tháng 8/1944, Onoda nhập học Trường Lục quân Nakano, nơi đào tạo các sĩ quan quân báo. Nhưng anh chưa kịp tốt nghiệp thì bị khẩn cấp đưa ra mặt trận.

Vào tháng 1/1945, Hiroo Onoda, với cấp bậc thiếu úy, được chuyển đến đảo Lubang của Philippines và được lệnh phải giữ lấy hòn đảo này cho đến người cuối cùng.

Đến Lubang, Onoda bàn với ban chỉ huy quân sự địa phương nên bắt đầu chuẩn bị cho việc phòng thủ lâu dài để bảo vệ hòn đảo. Nhưng lời kêu gọi của anh ta đã bị phớt lờ. Quân Mỹ dễ dàng đánh bại quân Nhật, và phân đội trinh sát do Onoda chỉ huy buộc phải tháo chạy lên núi. Trong rừng rậm, họ đã thiết lập một căn cứ và bắt đầu cuộc chiến tranh du kích ở đằng sau chiến tuyến của kẻ thù. Đội chỉ gồm bốn người: Hiroo Onoda, binh nhất Yuichi Akatsu, binh nhì Kinsichi Kozuki, và hạ sĩ Shoichi Shimada.

Onoda kiên quyết từ chối về Nhật, nói rằng một khi chưa nhận được lệnh như vậy từ cấp trên trực tiếp của mình thì không thể rời bỏ vị trí chiến đấu.

Onoda kiên quyết từ chối về Nhật, nói rằng một khi chưa nhận được lệnh như vậy từ cấp trên trực tiếp của mình thì không thể rời bỏ vị trí chiến đấu.

Tháng 9/1945, ngay sau khi Nhật ký Văn kiện đầu hàng, lệnh giao nộp vũ khí và đầu hàng của tư lệnh quân đoàn 14 được máy bay thả vào rừng rậm. Tuy nhiên, Onoda coi đây là một hành động khiêu khích của người Mỹ. Phân đội của ông tiếp tục chiến đấu, hy vọng rằng hòn đảo sắp trở lại dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản. Vì nhóm du kích này không có bất cứ phương tiện nào để liên hệ với bộ chỉ huy Nhật Bản nên chính quyền Nhật Bản đã sớm tuyên bố họ đã chết.

Năm 1950, Yuichi Akatsu đầu hàng cảnh sát Philippines. Năm 1951, ông trở về quê hương, nhờ đó người ta mới biết rằng các thành viên của biệt đội Onoda vẫn còn sống.

Họ vẫn "chiến đấu"

Ngày 7/5/1954, nhóm của Onoda đụng độ với cảnh sát Philippines tại vùng núi Lubang và thành viên Shoichi Shimada đã bị trúng đạn tử vong. Tại Nhật Bản, vào thời điểm đó, một ủy ban đặc biệt đã được thành lập để tìm kiếm những người lính Nhật Bản còn lưu lạc ở nước ngoài. Trong vài năm, các thành viên của ủy ban đã tìm kiếm Onoda và Kozuki, nhưng vô vọng. Vào ngày 31/5/1969, lần thứ hai, chính phủ Nhật Bản tuyên bố Onoda và Kozuki đã chết và truy tặng họ Huân chương Mặt trời mọc hạng 6.

Vào ngày 19/9/1972, tại Philippines, cảnh sát đã bắn chết một người lính Nhật đang cố gắng trưng dụng gạo của nông dân. Người lính này chính là Kinsichi Kozuki. Onoda còn lại một mình, không có đồng đội, nhưng vẫn quyết không đầu hàng. Các "chiến dịch" mà anh ta thực hiện, ban đầu là với cấp dưới, và sau đó một mình, đã khiến 30 người thiệt mạng, khoảng 100 quân nhân và dân thường bị thương nặng.

Đích thân tổng thống Philippines Marcos tiếp nhận thanh kiếm Samurai do Hiroo Onoda giao nộp.
Đích thân tổng thống Philippines Marcos tiếp nhận thanh kiếm Samurai do Hiroo Onoda giao nộp.

Vào ngày 20/2/1974, sinh viên Nhật Bản Norio Suzuki trong khi đi du lịch Philippines đã tình cờ gặp Onoda trong rừng rậm. Anh ta nói với viên sĩ quan về việc chiến tranh kết thúc, về tình hình hiện tại ở Nhật Bản và cố gắng thuyết phục anh ta trở về quê hương, nhưng Onoda kiên quyết từ chối, nói rằng một khi chưa nhận được lệnh như vậy từ cấp trên trực tiếp của mình thì không thể rời bỏ vị trí chiến đấu.

Suzuki trở lại Nhật Bản với những bức ảnh của Onoda và những câu chuyện về anh ta. Chính phủ Nhật Bản đã có thể liên lạc với một trong những chỉ huy cũ của Onoda, thiếu tá Yoshimi Taniguchi, người hiện đã nghỉ hưu và làm việc trong một hiệu sách. Vào ngày 9/3/1974, Taniguchi trong bộ quân phục bay đến Lubang, liên lạc với cấp dưới ngày trước và ra lệnh cho anh ta dừng mọi hoạt động quân sự trên đảo.

Ngày 10/3/1974, Onoda đầu hàng quân đội Philippines. Onoda phải đối mặt với án tử hình vì những "hoạt động quân sự" của anh ta được chính quyền địa phương coi là cướp bóc và giết người. Tuy nhiên, nhờ sự can thiệp của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Onoda được ân xá và ngày 12/3/1974 được lên máy bay trở về quê hương.

Vào tháng 4/1975, Hiroo Onoda chuyển đến Brazil, kết hôn với một người phụ nữ sở tại và lập trang trại chăn nuôi gia súc. Nhưng vào năm 1984, ông trở lại Nhật Bản. Vị cựu quân nhân này tích cực tham gia công tác xã hội, đặc biệt là với giới trẻ. Vào ngày 3/11/2005, chính phủ Nhật Bản đã trao tặng ông Huân chương Danh dự với dải băng màu xanh lam "Vì công lao phụng sự xã hội". Về già, ông đã viết một cuốn hồi ký có tựa đề "Cuộc chiến tranh 30 năm của tôi ở Lubang". Hiroo Onoda qua đời ngày 16/1/2014 tại Tokyo, thọ 92 tuổi.