Trước “án” giải thể:

Người lao động Thời báo Kinh tế Việt Nam gửi đơn cứu xét khẩn cấp

VietTimes – Tập thể người lao động của Thời báo Kinh tế Việt Nam làm đơn cứu xét khẩn cấp, mong các cơ quan chức năng xem xét và có hướng chỉ đạo theo dõi, giám sát việc thực hiện việc chuyển đổi sang Tạp chí đúng chủ trương thực hiện sắp xếp, quy hoạch báo chí của Đảng và Nhà nước.
Các phóng viên, biên tập viên của Thời báo Kinh tế Việt Nam vẫn bám trụ tại tòa soạn, bất chấp lệnh giải thể - Ảnh chụp chiều ngày 16/7.
Các phóng viên, biên tập viên của Thời báo Kinh tế Việt Nam vẫn bám trụ tại tòa soạn, bất chấp lệnh giải thể - Ảnh chụp chiều ngày 16/7.

Theo nguồn tin riêng của VietTimes, chiều nay (20/7), các cán bộ phóng viên, biên tập viên, nhân viên Thời báo Kinh tế Việt Nam đã đồng lòng gửi đơn xin cứu xét tới Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, về nội dung liên quan đến việc thực hiện quy hoạch cơ quan Thời báo Kinh tế Việt Nam.

Theo nội dung đơn, các cán bộ phóng viên, biên tập viên, nhân viên của Thời báo Kinh tế Việt Nam cho biết, Thời báo đã phải dừng xuất bản từ ngày 17/1/2020 theo Công văn số 180/BTTT-CBC ngày 16/01/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông, để thực hiện quy hoạch báo chí. Đến nay, dù đã hơn 7 tháng, hàng trăm người lao động của Thời báo Kinh tế Việt Nam mất việc làm nhưng vẫn luôn đồng lòng, tự trau dồi kiến thức, mong mỏi chờ đợi đến ngày Báo hoàn thành việc chuyển đổi, để tiếp tục được làm việc, được cống hiến vì sự phát triển của báo chí nước nhà.

“Ước nguyện chính đáng và niềm vui mừng khôn xiết khi tập thể người lao động chúng tôi nhận được Quyết định số 272/GP-BTTTT về việc cấp phép hoạt động báo chí cho Tạp chí Kinh tế Việt Nam, được ký cùng ngày 26/06/2020 Quyết định số 1072/QĐ-BTTTT thu hồi giấy phép hoạt động báo chí Thời báo Kinh tế Việt Nam”, đơn của người lao động Thời báo nêu rõ.

Đơn xin cứu xét khẩn cấp của người lao động Thời báo Kinh tế Việt Nam vừa được hoàn thành hôm nay (20/7).
Đơn xin cứu xét khẩn cấp của người lao động Thời báo Kinh tế Việt Nam vừa được hoàn thành hôm nay (20/7).

Tuy nhiên, ngày 7/7/2020, tập thể người lao động đột ngột nhận được Quyết định số 41 (Quyết định 109) do ông Trần Phương, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam (KHKTVN) ký ngày 1/7/2020, về việc chấm dứt hoạt động báo chí đồng thời giải thể Thời báo Kinh tế Việt Nam. Quyết định này cũng đề cập rõ “Thời báo Kinh tế Việt Nam bàn giao tài sản công hữu và tập thể cho Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam”.

"Người lao động chúng tôi thực sự sửng sốt, khi toàn bộ nội dung trong Quyết định (được căn cứ theo Quyết định thu hồi giấy phép cũ và cấp giấy phép mới của Bộ TT&TT), chỉ đề cập đến vấn đề tài sản và giải thể, thu hồi tài sản mà không có dòng thông tin nào đến kế hoạch xuất bản và tổ chức sản xuất nội dung Tạp chí.

Thêm vào đó, những động thái tiến hành thủ tục thanh lý hợp đồng lao động đối với toàn bộ người lao động, trong khi không rõ những ai và bao nhiêu người sẽ được tái ký hợp đồng lao động để tiếp tục làm việc tại cơ quan cũ tạp chí mới, đã khiến sự hoảng loạn bao trùm lên hàng trăm người lao động và cả gia đình của chúng tôi.

Qua toàn bộ quá trình thực hiện quy hoạch, bằng việc thể hiện quan điểm và hành động, chúng tôi nhận thấy Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đã không thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin & Truyền thông về việc chuyển đổi Thời báo Kinh tế Việt Nam sang Tạp chí Kinh tế Việt Nam.

Hơn thế nữa, việc quyết định giải thể và thu hồi tài sản do tập thể cán bộ lãnh đạo và người lao động Thời báo Kinh tế Việt Nam tự chủ, tự quản tạo dựng và tích lũy trong suốt 30 năm qua, có nhiều dấu hiệu không đúng pháp luật” – Tập thể người lao động của Thời báo Kinh tế Việt Nam bày tỏ.

Trước đó, như VietTimes thông tin, việc giải thể Thời báo Kinh tế Việt Nam đã được thông tin rộng rãi trên báo chí, làm dấy lên sự băn khoăn của báo giới, của công chúng về một tờ báo đã có gần 30 năm hoạt động, từng là một trong số những tờ báo tên tuổi, đang là nơi làm việc, gắn bó của 180 cán bộ, phóng viên, công nhân viên.

Một số phóng viên, biên tập viên đã gắn bó lâu năm với Thời báo Kinh tế Việt Nam chia sẻ: “Mong muốn tột độ của cán bộ nhân viên là Tạp chí Kinh tế Việt Nam đi vào hoạt động (đúng ngày được cấp phép 15/7/2020. Vì tất cả đều mong ngóng và chờ đợi 7 tháng nay rồi. Tất cả lý do của Hội đưa ra để chưa hoạt động Tạp chí đều không thuyết phục. Giờ đây gần hai trăm con người đang quá buồn bã và mệt mỏi”.

Trước những phỏng đoán về nguyên nhân giải thể, PV VietTimes đã cố gắng liên lạc với nhiều người là cán bộ lãnh đạo Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, lãnh đạo Thời báo Kinh tế Việt Nam để thông tin hai chiều tới bạn đọc. Tuy nhiên, các cán bộ lãnh đạo này đều từ chối thông tin hoặc yêu cầu không đăng tải ý kiến trao đổi liên quan sự việc này.