Chuyện gì đang xảy ra tại Thời báo Kinh tế Việt Nam?

VietTimes – Hai ngày nay, việc giải thể Thời báo Kinh tế Việt Nam đã được thông tin rộng rãi trên báo chí, làm dấy lên sự băn khoăn của báo giới, của công chúng về một tờ báo đã có gần 30 năm hoạt động, từng là một trong số những tờ báo tên tuổi, đang là nơi làm việc, gắn bó của 180 cán bộ, phóng viên, công nhân viên.
Khu vực lễ tân tại Thời báo Kinh tế Việt Nam, một ngày sau khi quyết định chấm dứt hoạt động có hiệu lực (16/7).
Khu vực lễ tân tại Thời báo Kinh tế Việt Nam, một ngày sau khi quyết định chấm dứt hoạt động có hiệu lực (16/7). 

Hoang mang, lo lắng

Trao đổi riêng với VietTimes, nhiều phóng viên của Thời báo Kinh tế Việt Nam cho biết, họ có chung cảm giác buồn. Gần 180 người lao động cảm thấy hoang mang, lo lắng cho số phận của mình.

Một số phóng viên, biên tập viên đã gắn bó lâu năm với Thời báo Kinh tế Việt Nam chia sẻ: “Mong muốn tột độ của cán bộ nhân viên là Tạp chí Kinh tế Việt Nam đi vào hoạt động (đúng ngày được cấp phép 15/7/2020. Vì tất cả đều mong ngóng và chờ đợi 7 tháng nay rồi. Tất cả lý do của Hội đưa ra để chưa hoạt động Tạp chí đều không thuyết phục. Giờ đây gần hai trăm con người đang quá buồn bã và mệt mỏi”.

Tuy nhiên, Quyết định giải thể Thời báo Kinh tế Việt Nam đối với các cán bộ, phóng viên, công nhân viên của báo không phải quá đột ngột khi bản chụp, nội dung quyết định đã được người lao động tại báo truyền tay nhau từ nhiều ngày nay.

“Chúng tôi cảm thấy rất khó hiểu. Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam không chính thức công bố quyết định giải thể Thời báo Kinh tế Việt Nam. Mặc dù Quyết định thể hiện là được phê duyệt vào ngày 1/7 nhưng không có một công bố chính thức nào. Điều trớ trêu là nhiều người lao động chỉ được biết mình mất việc vào đúng thời điểm quyết định có hiệu lực” – một phóng viên đã có 10 năm cống hiến tại báo cho biết.

Một góc tòa soạn Thời báo Kinh tế Việt Nam - Ảnh chụp chiều ngày 16/7.
Một góc tòa soạn Thời báo Kinh tế Việt Nam - Ảnh chụp chiều ngày 16/7.

Trước những phỏng đoán về nguyên nhân giải thể, phóng viên VietTimes đã cố gắng liên lạc với nhiều người là cán bộ lãnh đạo Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, lãnh đạo Thời báo Kinh tế Việt Nam để thông tin hai chiều tới bạn đọc. Tuy nhiên, các cán bộ lãnh đạo này đều từ chối thông tin hoặc yêu cầu không đăng tải ý kiến trao đổi liên quan sự việc này.

Liên quan việc quy hoạch báo chí đối với cơ quan ngôn luận của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 1072 về việc thu hồi giấy phép của Thời báo Kinh tế Việt Nam và Quyết định số 272 cấp phép hoạt động cho cho tờ Tạp chí Kinh tế Việt Nam.

Cả 2 quyết định này cùng được phê duyệt vào ngày 26/6/2020.

Theo nguồn tin của VietTimes, từ vài tháng trước, Ban chấp hành Công đoàn Thời Báo Kinh tế Việt Nam đã sớm có đơn thỉnh cầu về việc thực hiện quy hoạch báo chí, chuyển đổi Thời báo Kinh tế Việt Nam thành Tạp chí gửi Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông và Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam.

“Chúng tôi mong muốn Đề án quy hoạch báo chí Thời báo Kinh tế Việt Nam được thực hiện theo đúng tinh thần của Quy hoạch báo chí. Đó là: chuyển đổi Thời báo Kinh tế Việt Nam thành Tạp chí Kinh tế Việt Nam, chứ không phải là xóa bỏ Thời báo Kinh tế Việt Nam để thành lập một cơ quan báo chí mới, thanh lý hợp đồng lao động với 180 người lao động và tuyển dụng nhân sự mới” - Ban chấp hành Công đoàn Thời Báo Kinh tế Việt Nam nêu rõ trong đơn.

Theo ghi nhận của PV VietTimes, trong chiều nay (16/7) – một ngày sau khi quyết định Thời báo Kinh tế Việt Nam chấm dứt hoạt động chính thức có hiệu lực, Tòa soạn vẫn hoạt động bình thường.

Bàn giao toàn bộ tài sản công hữu và tập thể cho Hội

Trước đó, như các báo đồng loạt đưa tin, theo quyết định số 41 ngày 1/7 của Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Thời báo Kinh tế Việt Nam chấm dứt hoạt động kể từ ngày 15/7/2020.

Trụ sở của Thời báo Kinh tế Việt Nam tại số 96 Hoàng Quốc Việt.
Trụ sở của Thời báo Kinh tế Việt Nam tại số 96 Hoàng Quốc Việt (Hà Nội)

Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam yêu cầu Ban lãnh đạo của Thời báo Kinh tế Việt Nam có trách nhiệm lập kế hoạch giải thể đơn vị theo đúng quy định của pháp luật, các văn bản quy định của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và Điều lệ của Thời báo Kinh tế Việt Nam, trình Ban Thường vụ Hội thẩm định trước ngày 31/7.

Đồng thời, Thời báo Kinh tế Việt Nam thực hiện các chính sách đối với người lao động theo đúng pháp luật, hợp đồng, thỏa thuận lao động; hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước với tư cách Thời báo Kinh tế Việt Nam là đơn vị trực thuộc Hội. Thời báo Kinh tế Việt Nam cũng chịu trách nhiệm thanh toán hết công nợ đối với đối tác, lập báo cáo quyết toán tài chính gửi Ban Thường vụ Hội. Kiểm kê tài sản, lập phương án chuyển giao, thanh lý, xử lý.… theo đúng quy định.

Quyết định 41 cũng nêu rõ, đối với tài sản thuộc sở hữu Nhà nước (đất đai) và tập thể (thương hiệu, máy móc trang thiết bị,…) được tạo lập bằng quyền, uy tín, công sức và vốn tích lũy của Hội và của báo trong quá trình hoạt động phải lập hồ sơ với đầy đủ chứng từ, đề xuất phương án xử lý trình Ban Thường vụ Hội thẩm định.

Đối với các dự án góp vốn cổ phần, quỹ, cam kết hay ký hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh giữa báo với các đối tác trong và ngoài, báo cáo kết quả hoạt động và kiểm toán cho tập thể những người góp vốn; xác định rõ cổ phần hiện có của các bên; giải trình về phương án chuyển đổi nhằm tiếp tục hoạt động hay giải thể; thảo luận và lấy ý kiến biểu quyết tập thể.

Sau khi hoàn thành kế hoạch giải thể, tiến hành các công tác xử lý, hoàn thành chậm nhất vào ngày 30/8. Thời báo Kinh tế Việt Nam bàn giao tài sản công hữu và tập thể cho Hội; nộp báo cáo và hồ sơ giải thể cho Văn phòng Hội.