Trở về nhà khi trời vừa tối, anh Ngô Văn Khanh (26 tuổi, khu 5, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, Phú Thọ) thở phào sau khi tham gia cứu nạn trong vụ sập cầu Phong Châu.
Khanh cùng bố đã cứu, đưa được ông Phan Trường Sơn, người bị rơi xuống sông Hồng giữa dòng nước lũ chảy siết, vào bờ.
Nhớ lại giây phút cầu Phong Châu bị sập, anh Khanh kể lúc đó anh đang ở trong nhà thì thấy mọi người hô to "cầu sập rồi". Ngay lập tức, chàng trai này chạy ra ngoài, nhìn về phía thượng nguồn. Lúc này, cây cầu có tuổi đời 29 năm đã bị sập toàn bộ 2 nhịp giữa.
Nhìn ra dòng nước đục ngầu đang cuồn cuộn chảy, anh Khanh thấy nhiều cây gỗ lớn bị cuốn đi. Vài phút sau, anh thấy một người đàn ông đang chới với giữa dòng nước, cố gắng bám chặt thân cây chuối.
"Ông ấy liên tục kêu cứu. Tôi không nghĩ được nhiều, chỉ biết chạy ra con đò của gia đình rồi điều khiển nhanh nhất để cố gắng tiếp cận nạn nhân", anh Khanh kể.
Do lũ lớn, nước chảy siết, anh lái đò rất khó khăn mới tiếp cận được gần nạn nhân.
Khoảng cách từ bờ ra đến vị trí cứu hộ khoảng 500 m. Nước lũ mạnh nên việc cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Sau ít phút, nạn nhân đã được đưa lên thuyền trong trạng thái vô cùng hoảng loạn, trên người có nhiều vết thương nghiêm trọng.
"Khi vào đến bờ, nạn nhân rất hoảng sợ, run không nói hay nhớ được gì. Khoảng 10 phút sau, khi trấn tĩnh lại, nạn nhân mới đọc được số điện thoại của người thân để tôi gọi thông báo", anh Khanh nói và chia sẻ khi lao ra giữa dòng nước lũ, chàng trai này chỉ nghĩ đến việc cứu người đàn ông gặp nạn. Giữa dòng nước chảy xiết, anh Khanh chỉ có mong muốn duy nhất là đưa được nạn nhân lên bờ an toàn.
Cấm cầu Trung Hà, người dân di chuyển như nào?
Ở diễn biến khác, sau vụ sập cầu Phong Châu, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ đã ra văn bản cấm toàn bộ các phương tiện xe cơ giới lưu thông qua cầu Tứ Mỹ (huyện Tam Nông) và cầu Trung Hà (nối huyện Tam Nông với huyện Ba Vì, Hà Nội).
Theo Sở GTVT Phú Thọ, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh gặp nhiều thiệt hại, nhất là huyện Tam Nông.
Ngoài cầu Phong Châu đã sập 2 nhịp và gãy một trụ, cầu Tứ Mỹ và Trung Hà cũng xuất hiện dấu hiệu xói lở trụ cầu.
Sở GTVT Phú Thọ vừa ra phương án phân luồng giao thông như sau (thời gian bắt đầu phân luồng từ 16h30 ngày 9/9 cho đến khi khắc phục, sửa chữa xong hư hỏng của các cầu):
Xe từ huyện Tam Nông đi huyện Lâm Thao, thành phố Việt Trì (và ngược lại) di chuyển theo các phương án:
Hướng thứ nhất: Từ Tam Nông đi theo hướng quốc lộ 32 - đường Hồ Chí Minh (qua cầu Ngọc Tháp) - đi theo quốc lộ 2D đi huyện Lâm Thao, thành phố Việt Trì và ngược lại.
Xe từ các huyện Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn đi Hà Nội (và ngược lại) di chuyển theo phương án:
Hướng thứ nhất: Đi đến Km69+00 quốc lộ 32 (xã Dân Quyền, huyện Tam Nông) - rẽ phải vào ĐT.317G - tiếp tục đi đến Km17+400 đường tỉnh 317G (xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy) - rẽ trái vào đường tỉnh 317E - đi qua cầu Đồng Quang đến huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội và ngược lại.
Hướng thứ hai: Ngoài ra, các xe đi từ thành phố Hà Nội về tỉnh Phú Thọ và ngược lại có thể đi theo tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoặc quốc lộ 32.
Xe lưu thông từ Hà Nội đi các huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa và đi tỉnh Yên Bái (và ngược lại) di chuyển theo các phương án:
Hướng thứ nhất: Từ Tam Nông đi vào đường tỉnh 315 - đường tỉnh 315D (đường Liên Vùng) - qua đường tỉnh 313C - đi theo quốc lộ 32C đi Cẩm Khê, Hạ Hòa - tỉnh Yên Bái và ngược lại.
Hướng thứ hai: Theo hướng quốc lộ 32 - theo đường Hồ Chí Minh (qua cầu Ngọc Tháp) - đi theo hướng quốc lộ 2D - qua cầu Hạ Hòa - tiếp tục theo hướng quốc lộ 32C đi huyện Hạ Hòa, Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ và thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.
Hướng thứ ba: Theo quốc lộ 32 - theo đường Hồ Chí Minh (qua cầu Ngọc Tháp) đến thành phố Việt Trì, huyện Phù Ninh, thị xã Phú Thọ lên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua nút giao IC7, IC8, IC9 đến nút giao IC10, IC12 đi huyện Cẩm Khê, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ và thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.
Hướng thứ hai: Từ Tam Nông đi theo hướng quốc lộ 32- đường Hồ Chí Minh (qua cầu Ngọc Tháp) - vào nút giao IC9/cao tốc Nội Bài - Lào Cai (thị xã Phú Thọ) - đi theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thành phố Việt Trì và ngược lại.
Xe đi qua địa bàn huyện Tam Nông đi Vĩnh Phúc, Hà Nội (và ngược lại) di chuyển theo các phương án:
Hướng thứ nhất: Theo đường Hồ Chí Minh (qua cầu Ngọc Tháp) - vào nút giao IC9/cao tốc Nội Bài - Lào Cai (thị xã Phú Thọ) - đi theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Vĩnh Phúc, Hà Nội và ngược lại.
Hướng thứ hai: Từ Tam Nông đi theo hướng quốc lộ 32 - đường Hồ Chí Minh (qua cầu Ngọc Tháp) - đi theo quốc lộ 2D đi Việt Trì. Từ Việt Trì đi theo quốc lộ 2 đi Vĩnh Phúc, Hà Nội hoặc đi qua cầu Văn Lang - qua Ba Vì - đi theo quốc lộ 32 đi Vĩnh Phúc, Hà Nội và ngược lại.
Cầu Phong Châu nối các huyện Phong Châu và Tam Nông, bị sập lúc hơn 10 giờ ngày 9/9.
Sơ bộ xác định tại thời điểm xảy ra sự cố có 10 phương tiện đang di chuyển trên cầu (1 xe tải, 2 ô tô đầu kéo, 6 mô tô, 1 xe máy điện). Hiện có 8 người mất tích, 3 người bị thương đang cấp cứu.