Chuyên đề Việt Nam trong CMCN 4.0

Bài 4: Pháp lý về FinTech - Càng chậm càng lỡ

Khác với nhiều lĩnh vực kinh doanh khác “được làm những gì pháp luật không cấm”, ngành tài chính với đặc thù là mạch máu của nền kinh tế thường phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn và chỉ “được làm những gì pháp luật cho phép”.
Thanh toán quyét mã QR bằng smartphone là một trong những ứng dụng phổ biến hiện nay của Việt Nam. Ảnh: Internet
Thanh toán quyét mã QR bằng smartphone là một trong những ứng dụng phổ biến hiện nay của Việt Nam. Ảnh: Internet

Việc tồn tại những khoảng trống pháp lý hiện nay được xem là lý do quan trọng nhất khiến các doanh nghiệp về Công nghệ Tài chính (FinTech) của Việt Nam chưa thể phát triển đúng tiềm năng.

Khuôn khổ pháp lý còn sơ khai

 FinTech được sử dụng chung cho tất cả các công ty công nghệ (sử dụng internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở) nhằm mục đích cung cấp dịch vụ tài chính hoặc nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư.

Mặc dù xuất hiện muộn từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, nhưng lĩnh vực FinTech đang phát triển mạnh trên toàn cầu và góp phần phá vỡ nhiều rào cản lớn của thị trường tài chính. Báo cáo nghiên cứu của Công ty Kiểm toán toàn cầu PwC công bố tháng 2/2016 dự báo rằng trong 5 năm tiếp theo, ngân hàng có thể mất 28% thị phần chuyển tiền và thanh toán của mình vào tay các FinTech, tỷ lệ này là 22% trong lĩnh vực quản lý tài sản và 21% trong lĩnh vực bảo hiểm.

Đến thời điểm hiện tại, loại hình kinh doanh FinTech vẫn đồng thời được xem là mối đe dọa nhưng cũng trở thành cơ hội hợp tác để cải thiện quy trình, công nghệ của các định chế tài chính lớn.

Tại Việt Nam, các công ty FinTech xuất hiện từ khoảng năm 2015 và dần dần nhận được sự quan tâm của người dùng cùng một số tập đoàn, ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước. Theo nghiên cứu công bố tháng 5/2018 của Công ty Tư vấn Solidiance, thị trường FinTech Việt Nam có thể tăng giá trị giao dịch từ 4,4 tỷ USD năm 2017 lên 7,8 tỷ USD vào năm 2020.

Mặc dù Việt Nam đang có gần 100 doanh nghiệp FinTech nhưng chỉ khoảng 24 trong đó được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép ở lĩnh vực thanh toán và chủ yếu hoạt động theo phương thức phối hợp với ngân hàng để cùng cung cấp dịch vụ. Những FinTech ở mảng khác như gọi vốn, quản lý tài sản, cho vay, xếp hạng tín dụng, bảo hiểm, blockchain, … đang hoạt động chủ yếu dựa trên những quy định căn bản từ Luật doanh nghiệp và Luật dân sự, đồng thời phải đối mặt với rất nhiều hoạt động chưa được pháp luật quy định.

“Khuôn khổ pháp lý Fintech ở Việt Nam vẫn còn sơ khai, đang dừng ở việc xác lập định hướng chung và đưa ra nguyên tắc”, TS. Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định.

Theo đó, Việt Nam hiện mới chỉ có một số đề án mang tính vĩ mô cho khởi nghiệp nói chung như Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025 (Đề án 844); hoặc các đề án rộng như Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 – 2020, Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo…

Trong khi đó, các quy định pháp luật cụ thể cho loại hình kinh doanh “vô tiền khoáng hậu” này như định nghĩa mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động, bản chất sản phẩm, dịch vụ; tiêu chuẩn của sản phẩm/dịch vụ, hay các quy định về bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm tài chính, bảo vệ thông tin cá nhân… vẫn chưa được thiết lập chính thức.

Chi phí của sự chậm trễ

Pháp luật chưa rõ ràng khiến các doanh nghiệp trong ngành vô cùng thận trọng. Anh Trần Việt Vĩnh, Giám đốc điều hành Ứng dụng cho vay ngân hàng Fiin chia sẻ quan điểm chung của các công ty Fintech: “Doanh nghiệp vừa làm vừa phải nghe ngóng về định hướng của cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian tới. Họ lo lắng về việc đầu tư, phát triển lĩnh vực này thì trong tương lai có bị ảnh hưởng gì từ quyết định của pháp lý hay không?”.

Anh Nguyễn Bá Diệp, Phó tổng Giám đốc Công ty MoMo, một trong những ứng dụng thanh toán ví điện tử đầu tiên của Việt Nam, cho biết những quy định hiện hành buộc người dùng phải có tài khoản ngân hàng – điều này gây trở ngại không nhỏ cho việc phát triển FinTech bởi lĩnh vực mới này được tạo ra nhằm đảm bảo tất cả những người bị ngân hàng “bỏ quên” cũng có quyền tiếp cận tài chính.

Các đồng tiền mã hóa như Bitcoin là một ví dụ khác. Chúng không được coi là một phương tiện thanh toán hợp pháp ở Việt Nam, và cũng chưa được thừa nhận như một loại tài sản trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Bộ Công thương hiện tại chưa công nhận Bitcoin là hàng hóa hay dịch vụ, đồng thời phủ nhận thẩm quyền của mình đối với Bitcoin, việc này cũng đồng thời bãi bỏ cơ sở để thu thuế. Việc trao đổi Bitcoin vẫn được diễn ra nhưng “không được pháp luật bảo vệ”, các hợp đồng mua bán Bitcoin lại không phải là một giao dịch dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật dân sự, nếu xảy ra tranh chấp hợp đồng sẽ không được tòa án giải quyết.

Một lĩnh vực khá quan trọng trong ngành tài chính là hoạt động tín dụng (cho vay). Đây là địa hạt của các ngân hàng và họ phải chịu sự điều phối của Luật các tổ chức tín dụng (2010, 2017) cũng như các quy chuẩn quốc tế như Basel II, III. Hiện nay có không ít Fintech tham gia vào việc cho vay ngang hàng (P2P lending) kết nối trực tiếp giữa người có vốn và người cần vốn thông qua nền tảng trực tuyến mà không qua trung gian như ngân hàng.

Cho vay ngang hàng cơ bản mới chỉ được điều chỉnh theo Bộ luật Dân sự (2005, 2015) như một khoản vay thông thường, nhưng luật này chỉ nêu những nguyên tắc chung trong giao dịch giữa cá nhân với nhau và được xem là “không đủ” để điều phối mối quan hệ P2P.

Nếu công ty Fintech chỉ có nhiệm vụ liên kết trung gian thì trách nhiệm sẽ do hai bên vay nợ giải quyết, nhưng các chuyên gia cho rằng cũng không loại trừ khả năng sẽ có thể nảy sinh những công ty Fintech huy động vốn bằng nhiều cách để cho vay lại khi hành lang pháp lý còn sơ sài. Điều này cũng tiềm ẩn các nguy cơ xâm phạm quyền người tiêu dùng và rủi ro rửa tiền.

Tất cả các ví dụ về khoảng trống pháp lý như trên sẽ phải mất khá nhiều thời gian để lấp đầy. Việt Nam vẫn đang sử dụng những quy định cũ để điều chỉnh cho những loại hình kinh doanh mới giống như mặc một chiếc áo không vừa.

Điều này chắc chắn cản trở sự phát triển của không chỉ ngành tài chính nói riêng mà còn kìm nén những lợi ích tiềm năng của cả xã hội trong việc hưởng kết quả từ cách mạng công nghệ lần thứ 4. Khá nhiều nhà sáng lập doanh nghiệp về blockchain hay tiền mã hóa của Việt Nam nhắm đến việc thành lập công ty ở những nước đã có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển hơn như Singapore, Malaysia, Thái Lan.

Trong khi các doanh nghiệp Fintech đăng ký tại Việt Nam phải chịu sự ràng buộc của quy định trong nước thì những công ty nước ngoài vào Việt Nam khó bị kiểm soát hơn và có thể “muốn làm gì thì làm” – Anh Diệp (MoMo) bức xúc nói.

Gần đây, Facebook đã đưa ra một bản kế hoạch tham vọng về đồng tiền điện tử Libra (dự kiến xuất hiện vào giữa năm 2020) có quy mô toàn cầu làm chấn động ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia.

Việc các chính sách pháp lý của Việt Nam chậm trễ ra đời khiến các công ty nội địa khó phát triển quy mô, vô hình trung dọn đường cho các công ty nước ngoài vào chiếm lĩnh thị trường, hoặc khiến doanh nghiệp Việt khó có thể tích lũy đủ kinh nghiệm nội địa để hoàn thiện sản phẩm, vươn ra thị trường nước ngoài.

Thách thức đối với các nhà làm chính sách

 FinTech gắn liền với khá nhiều rủi ro như bảo mật cá nhân, bảo vệ khách hàng, tín dụng, an toàn mạng, phụ thuộc công nghệ, rửa tiền,…. Do vậy các quy định pháp lý một mặt phải tách bạch để tạo không gian cho doanh nghiệp Fintech phát triển, mặt khác phải hạn chế được những rủi ro đi kèm.

Mặc dù chậm hơn một số nước trong khu vực nhưng Việt Nam cũng có những động thái nhất định liên quan đến chính sách Fintech. Vào tháng 3/2017, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Ban Chỉ đạo lĩnh vực Công nghệ tài chính với mục tiêu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hệ sinh thái Fintech ở Việt Nam.

Vụ Thanh toán (NHNN) được giao làm Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo. Được biết, NHNN đang tập trung nghiên cứu 5 vấn đề trọng tâm như công nghệ chuỗi khối (blockchain), cho vay ngang hàng (P2P Lending), định danh khách hàng điện tử (e-KYC), giao diện chương trình ứng dụng mở (Open API), thanh toán điện tử (e-payments). NHNN và một số bộ ngành như Bộ KH&CN, Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp… đã có khá nhiều buổi hội thảo quốc tế diễn ra để trao đổi kinh nghiệm FinTech với các nước cũng như tham vấn ý kiến của doanh nghiệp.

Việc thiết lập khung pháp lý cho Fintech của Việt Nam được xem là “thận trọng từng bước”. Kinh nghiệm từ những nước đi trước như Thái Lan, Hàn Quốc cho thấy họ cũng mất khoảng hơn 2 năm đi từ nghiên cứu đến ban hành chính sách nhưng đã cơ bản đầy đủ chính sách và giành lợi thế đi trước từ vài ba năm nay.

Khuôn khổ pháp lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) là một mô hình hứa hẹn đang được NHNN ưu tiên xây dựng. Đây cũng là áp lực đòi liên tục hơn 1 năm qua từ phía các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Các chỉ số đánh giá của tổ chức quốc tế cho thấy những thay đổi của Việt Nam về mặt chính sách còn chậm và nhiều lĩnh vực liên quan đến công nghệ được xem là “đi sau đời sống”.

Một trong những rào cản khiến khuôn khổ pháp lý về FinTech chưa được hoàn thiện sớm là bởi sự hạn chế về kiến thức quản lý. Bên cạnh việc nắm rõ về lĩnh vực tài chính, sự mới mẻ và phức tạp về kỹ thuật áp dụng trong Fintech đòi hỏi những người xây dựng pháp lý phải hiểu cả công nghệ để nhìn ra được bản chất của quan hệ xã hội bất kể “lớp vỏ” mới ra sao.

Ngoại ngữ cũng là một đòi hỏi do các tư liệu đầy đủ nhất về Fintech thường là ở các báo cáo, nghiên cứu quốc tế bằng tiếng Anh. Việc hiểu biết về hệ thống luật là điều căn bản. Thêm vào đó, quản lý Fintech (và nhiều lĩnh vực mới trong CMCN4) đòi hỏi tư duy chấp nhận rủi ro – điều mà mới chỉ một bộ phận trong khu vực công của Việt Nam bắt đầu thay đổi.

Trên thực tế, có rất ít nhân lực có khả năng đáp ứng được tất cả đòi hỏi trên. Trong khi đó, việc xây dựng một khung chính sách không chỉ liên quan đến bản thân NHNN mà còn cần sự đồng thuận của tất cả các bộ ngành và tham vấn từ phía doanh nghiệp, ngân hàng…

Với quy trình lập pháp của Việt Nam, việc giải thích, vận động hành lang và thuyết phục tất cả các bên quản lý nhà nước cùng thống nhất trong thời gian ngắn là điều không dễ dàng. Bên cạnh đó, được biết số lượng nhân sự trực tiếp làm chính sách ở các cơ quan chủ quản là không quá nhiều.

“Ngay chính các cơ quan xây dựng pháp lý cho FinTech hiện nay cũng không am hiểu nhiều về nó, vì vậy dù muốn họ cũng rất khó thay đổi để bắt kịp với những mô hình sáng tạo mới”, Ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng nhận xét tại Hội thảo quốc tế Công nghệ tài chính trong nền kinh tế thông minh ngày 20/6 tại ĐHQGHN vừa qua. Ông Hòe cũng cho rằng tư duy “sợ trách nhiệm” là một lý do khiến nhiều khoảng trống pháp lý vẫn tồn tại để trì hoãn việc ban hành ra mà không quản lý được.

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng. Ảnh: Banking Vietnam 2018
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng. Ảnh: Banking Vietnam 2018

Nhưng không thể phủ nhận việc hệ thống pháp luật Việt Nam đang từng bước thay đổi để phù hợp với những đòi hỏi của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu hướng hội nhập quốc tế. NHNN ủng hộ sự phát triển của Fintech và cho biết định hướng quản lý trong thời gian tới với ngành này sẽ chuyển từ cách thức quản lý dựa trên tuân thủ các nguyên tắc chung (principles based) sang quản lý trên cơ sở đánh giá rủi ro (risk-based) để giải quyết từng hoạt động, tình huống cụ thể.

Cùng với đó, một loạt các văn bản pháp luật nền tảng của đất nước đang được sửa đổi, bổ sung. Để đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện các cơ chế chính sách cho hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN, vận động các doanh nghiệp kiên trì lên tiếng mạnh mẽ hơn về những vấn đề vướng mắc nhằm góp phần đẩy mạnh sự liên ngành của các cơ quan nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, trong tháng 8/2018, NHNN phải đệ trình Thủ tướng Chính phủ các dự thảo văn bản quy phạm về tiền điện tử và cho vay ngang hàng. Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo, hoàn thành vào tháng 6/2019.

Bộ Công an đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự về gian lận, rửa tiền, tài trợ khủng bố và các tội phạm khác liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo vào tháng 9/2019.

Theo Khoa học và Phát triển