Theo điểm a, khoản 6, điều 6, nghị định số 171/2013/NĐ-CP, hành vi “sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy” sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng.
Nhiều người cho rằng quy định trên là quá vô lý, bởi trường hợp người sử dụng xe máy cố tình không gạt chống chân là rất ít mà hầu hết là do quên.
Phạt lỗi quên hay lỗi cố tình?
Theo luật sư (LS) Huỳnh Phước Hiệp - Đoàn luật sư TP.HCM, văn bản luật dùng cụm từ “sử dụng” có thể là để ám chỉ hành vi cố ý không gạt chống chân, thường thấy ở những đối tượng đua xe cố tình để chân chống cà xuống mặt đường cho quẹt lửa.
Theo LS Hiệp, có thể đó mới là hành vi mà điều luật này muốn quy định.
Nếu muốn xử phạt hành vi quên gạt chân chống thì văn bản luật phải ghi rõ là “để chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy” chứ không phải là “sử dụng”.
Tiến sĩ, LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn luật sư TP.HCM, cũng cho rằng nội dung này chủ yếu điều chỉnh những hành vi cố ý quệt xuống đường gây ra âm thanh, hoặc tia lửa, gây mất trật tự xã hội và có thể gây ra tai nạn giao thông.
Theo điều luật này quy định, yếu tố về mặt chủ quan của hành vi vi phạm phải là đối tượng phải cố ý và phải có hành vi quệt xuống đường.
“Tuy nhiên, việc quy định dễ hiểu lầm như vậy sẽ khiến người dân hoang mang. Không những vậy, nếu cả những cán bộ thi hành luật pháp như CSGT cũng hiểu lầm sẽ gây thiệt hại rất lớn. Đến mức phạt rồi mà phải trả tiền lại cho người bị phạt thì quả thực rắc rối. Cho nên rất cần một văn bản giải thích rõ điều khoản này để người dân an tâm và thực thi đúng pháp luật” - LS Huỳnh Phước Hiệp nhận định.
LS Hiệp cho rằng các cơ quan làm luật phải có một văn bản giải thích rõ rằng hành vi nào mới là hành vi điều luật này muốn hướng đến để cả người dân và cán bộ thi hành luật pháp có cách hiểu thống nhất.
“Phạt hành vi cố ý là đúng. Nhưng nếu để phạt hành vi lơ đễnh, quên thì quá nặng. Cơ quan làm luật cần phải có văn bản giải thích rõ điều này” - LS Hiệp nói.
Nhiều ý kiến người dân cũng cho rằng việc từ ngữ văn bản pháp luật dễ gây hiểu nhầm như vậy sẽ tạo điều kiện cho một bộ phận CSGT “phạt vạ” người dân.
Nên tuyên truyền hành vi ứng xử đẹp
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - phó trưởng khoa vận tải - kinh tế ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, nói: “Việc không gạt chống chân hầu hết là do quên chứ không phải cố tình vì không đem lại lợi ích gì cho họ cả, thậm chí còn gây bất lợi. Nếu cố tình vi phạm thì phải xử lý rất nặng. Nhưng khi quên mà bị phạt thì tính giáo dục của việc xử phạt nằm ở đâu? Bị phạt như thế chỉ làm người đi đường nổi giận, ức chế”.
Có một hình ảnh mà PGS.TS Nguyễn Hồng Thái cho là rất đẹp, đó là việc người đi đường nhắc nhở nhau gạt chống chân. Ông đặt ra câu hỏi, tại sao không khuyến khích những việc làm như thế, vừa mang tính giáo dục cao, vừa cổ vũ một văn hóa đẹp.
Ngoài ra, có nhiều đề xuất cho rằng thay vì phạt người dân, cơ quan làm luật nên đặt ra quy định này cho các nhà máy sản xuất xe máy để họ phải thiết kế các loại xe nếu người dân quên không gạt chống chân, còi sẽ tự động báo.
Nếu có hiện tượng CSGT lợi dụng phạt “làm tiền” thìsao?
Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng những văn bản pháp luật được ban hành đều mang tính thống nhất về câu từ, ý nghĩa.
Người có thẩm quyền không có quyền tự hiểu theo cách riêng và tiến hành xử phạt trái với quy định của pháp luật.
Trong trường hợp CSGT cố tình “làm luật”, người dân có thể tiến hành tố cáo theo quy định của Luật tố cáo năm 2011; Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2007, năm 2012.
“Người có thẩm quyền khi tiến hành áp dụng pháp luật cần có sự am hiểu sâu hơn về quy định pháp luật, xem xét nhiều mặt của vấn đề, về các tình tiết giảm nhẹ cũng như tăng nặng để có thể đưa ra hướng xử lý phù hợp hơn, nhưng vẫn phải đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật” - LS Nguyễn Hữu Thế Trạch nói.
Theo Tuổi trẻ |