Ngày 21/9, Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, ngoài nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ, trong 10 năm qua, Thành phố đã vận động hàng nghìn tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, hộ gia đình chung sức xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí 14.741 tỷ đồng, chiếm 19,3% tổng kinh phí. Điển hình như: huyện Chương Mỹ 1.791 tỷ đồng, huyện Hoài Đức 1.291 tỷ đồng, huyện Sóc Sơn 1.223 tỷ đồng,… Đặc biệt là người dân đã tự nguyện đóng góp bằng các hình thức quy ra tiền với tổng kinh phí là 7.204 tỷ đồng.
Nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người/năm (tăng 33,5 triệu đồng so với năm 2010 là 13 triệu đồng/người/năm), các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 58 triệu đồng, Gia Lâm 48,9 triệu đồng, Đông Anh 47 triệu đồng,...
Hệ thống y tế cơ sở ngày càng được củng cố về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và tổ chức bộ máy. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn toàn Thành phố đạt 87,2%, trong đó, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tại các huyện, thị xã đạt 83,53%. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 1,81%...
Tuy đạt nhiều kết quả, nhưng chương trình xây dựng nông thôn mới của Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế, chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn còn ít, tăng trưởng nông nghiệp còn thấp. Việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là mối lo của người tiêu dùng
Kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các huyện còn chưa đồng đều, trong khi một số huyện đã có 100% số xã đạt chuẩn thì vẫn còn một số huyện còn nhiều xã chưa đạt.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả Hà Nội đạt được trong 10 năm về xây dựng nông thôn mới và là một trong 3 địa phương của cả nước (cùng Nghệ An và Thanh Hóa) có số xã xây dựng nông thôn mới lớn nhất. Đồng thời, Hà Nội đã coi đây là Chương trình trọng tâm để thống nhất chỉ đạo trong 2 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố (2010-2015 và 2015-2020).
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị.
|
Tính đến nay, Hà Nội đã tập trung phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, hoàn thành dồn điền đổi thửa, tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa; nâng cao đời sống người dân, thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn Hà Nội cao hơn bình quân chung của cả nước.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hà Nội đã đóng góp kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới. Từ góc nhìn của Hà Nội sẽ đóng góp kinh nghiệm để tổng kết cả nước trong tháng 10 tới.
Nhiều cách làm rất phong phú, kinh nghiệm hay trong xây dựng nông thôn mới Hà Nội. Đây cũng là nơi thực hiện chương trình nông thôn mới với quy mô lớn nhất cả nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, giá trị sản xuất nông nghiệp/ha ở Hà Nội đã cao nhưng chưa xứng với tiềm năng. Bên cạnh đó, môi trường nông thôn chưa được cải thiện tích cực, nhiều nơi môi trường còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân; an ninh chính trị, trật tự xã hội đã tốt nhưng cần được củng cố, tăng cường.
Với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hà Nội cần phát huy vai trò đầu tầu, là hạt nhân đi đầu của cả nước trong phát triển và phát huy những tiềm năng, lợi thế vốn có.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hà Nội cần xây dựng nông nghiệp đặc trưng, nông nghiệp đô thị. Phải trở thành nền nông nghiệp hiện đại của khu vực và thế giới.