Bức xúc khi bờ cõi bị đe dọa xâm lấn…
Một trong những bức ảnh chân dung của mình mà ông Vũ Văn Ngôn yêu thích.
|
Gặp ông Vũ Văn Ngôn - Cựu chiến binh ở xã Tân Dân, huyện An Lão thành phố Hải Phòng trong những ngày cả nước đang tưng bừng chuẩn bị kỷ niệm Quốc Khánh 2/9 và 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, ông bảo, tôi cũng như mọi người, lúc nào cũng tìm ra phương cách tốt nhất để làm theo lời Bác.
Mấy ngày nay vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta đang bị đe dọa xâm lấn, hỏi ông, khi nghe đài xem bào ti vi về chuyện đó ông nghĩ gì? Ông bảo, người Việt mình yêu quý hòa bình nhưng không chỉ tôi, mà là tất cả mọi người đều chẳng “ngồi im” khi bị ngoại bang xâm lần bờ cõi biển cả. Là người đã từng cầm súng bảo vệ Tổ quốc, tôi rất hiểu giá trị của hòa bình nên vô cùng bức xúc vì sự ngang ngược của những kẻ cậy mình là nước lớn.
Chiêu một ngụm nước, ông bảo: "Chắc cậu cũng biết thời biên cương bị xâm lấn, Lệnh tổng động viên dân mình hưởng ứng thế nào! Dân mình là thế! Vậy nên ai được làm lãnh đạo, hay dù làm bất cứ việc nhỏ to gì, việc đầu tiên cũng phải nghĩ mình làm thế tốt - xấu, đúng – sai thế nào, người khác có bị ảnh hưởng gì không? Để dân luôn tin tưởng lúc “khó nghĩ” thì nhìn vào đó mà cư xử, làm việc".
“Giáo dục đâu chỉ có thước với bảng”
Còn những người dân ở quê ông khi trò chuyện với chúng tôi thì bảo, giáo dục nước nhà mà ngay ở Hà Nội, thủ đô của cả nước mà lại có những chuyện cháu bé bị bỏ quên chết trên xe, cô nhốt học sinh vào tủ, trường đại học thì đào tạo chui bán bằng… như thế thì học sinh, cha mẹ nào yên tâm. Giáo dục mà thế thì sao cho “ra lò” những người tốt, người giỏi sống có ích cho bản thân gia đình và xã hội được? Giáo dục đâu chỉ có thước với bảng. Thầy cô phải sống tốt đẹp để học sinh nhìn vào mà noi theo chứ.
Ông bạn đi cùng tôi ghé tai tôi kêu: Trời ơi! Đến những người nông dân chân lấm, tay bùn quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà còn thấy nhân phẩm và cách sống của thấy cô, giáo dục phải như thế nào! Rồi cậu bảo, ngày nay các trường sư phạm cũng “đắt giá” không còn cái thời “chuột chạy cùng sào thì vào sư phạm” như xưa nữa.
Giọt nước nhỏ…
Ngày 20/5 năm 1970 ông Ngôn nhập ngũ vào chiến trường miến Nam chiến đấu… Năm 1997 ông nghỉ hưu về làng làm ông Bí thư chi bộ thôn Đại Hoàng 1, xã Tân Dân, huyện An Lão, Hải Phòng, được người dân tín nhiệm rồi từng bước… đến nay ông là Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến Binh huyện An Lão. Người dân ở đây bảo, ở bất cứ cương vị nào ông Ngôn cũng là người gương mẫu. Không chỉ ông mà cả gia đình ông sống bình dị, vui vẻ, hòa thuận với làng xóm. Có việc gì chỉ cần “ới” một tiếng là đến giúp nên chúng tôi hay bảo, sống bên gia đình ông là rất đúng với câu “bán họ hàng xa, mua láng giếng gần”.
Trong cuộc sống, nhất là ở các vùng quê vai trò của cựu chiến binh là rất quan trọng.
|
Một anh cán bộ ở Nhà văn hóa huyện An Lão bảo, nhà ông Ngôn hai vợ chồng ông và 6 người con cả dâu, rể đều là Đảng viên. "Đúng là Đảng viên cộng sản! Dân họ quý mến lắm anh ạ. Thế mới là Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", anh nói.
Rồi anh cho chúng tôi xem tập Giấy khen, Bằng khen của ông Ngôn mà anh chụp ảnh được. Chúng tôi đặc biệt chú ý đến những “lý do” mà ông Ngôn được khen như: "đã cùng ban chấp hành hội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao" "Hoàn thành vượt chỉ tiêu các chương trình do UBMTTQ và các cấp phát động về cả số lượng, chất lượng và thời gian", "Ủng hộ đồng bào bị lũ lụt", "Quỹ khuyến học khuyến tài", "Quỹ tình đồng đội", "Những tấm xi măng xây dựng nông thôn mới","Ủng hộ vì Trường Sa thân yêu", "Vì màu xanh trên đảo tiền tiêu"…
Mấy gia đình chính sách ở An Lão bảo, ông Ngôn quan tâm đến cuộc sống của họ đâu chỉ những ngày lễ hội, những cậu thanh niên lên đường nhập ngũ đều được ông đến gặp trò chuyện …
Rồi họ chỉ lên tấm ảnh Bác Hồ treo trang trọng trên ban thờ, bảo, ông ấy là người sống đúng theo lời bác Hồ dạy Đảng viên.
Chia tay họ, cậu bạn đi cùng và tôi đều bảo: Mong rằng có càng nhiều giọt nước như ông Ngôn để bờ cõi non sông ta thêm bền vững tươi đẹp. Để nước nhà sánh vai với cường quốc năm châu như mong ước của Bác.