Là người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, đại biểu Huỳnh Văn Tính (tỉnh Tiền Giang) đặt ra 3 vấn đề. Thứ nhất, tình hình suy giảm của hoạt động xuất khẩu trong những tháng đầu năm đáng quan ngại. Các mặt hàng nông nghiệp như: gạo, thanh long, vải thiều, dưa hấu, hành tím… ứ đọng không tiêu thụ, xuất khẩu được. Thậm chí, có mặt hàng phải đổ bỏ làm cho sản xuất, đời sống của người nông dân gặp nhiều khó khăn, bức xúc, vượt qua mức chịu đựng.
Thứ 2, hiện nay hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng đang tràn lan, nhất là vật tư nông nghiệp như là phân bón, thuốc trừ sâu, là mặt hàng nông nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống người nông dân nhưng vấn đề chậm được giải quyết.
Thứ 3, giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, giá điện, giá xăng dầu tăng cao làm đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp giảm, trong khi đầu ra của sản xuất nông nghiệp lại bị thương lái ém giá. Đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp có hiệu quả về tình hình trên.
Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (tỉnh Ninh Thuận) đặt câu hỏi: Ở nước ta, điện là mặt hàng rất kỳ lạ. Chỉ có tăng giá, tăng giá và tăng giá, tăng rồi tăng tiếp và tăng nữa. Đó là điệp khúc mà có lẽ có từ khi khai sinh ra ngành điện nước nhà (?).
“Việc tăng giá điện không phải là không có lý và lẽ ra, việc tăng giá điện khiến người dân được lợi vì về lý thuyết, giá bán lẻ là một trong những điều khoản thu hút vốn của các nhà đầu tư và một khi có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất và bán thì chi phí sẽ hạ. Khi đó, người dân sẽ được hưởng mức giá cạnh tranh nhất. Nói vậy quả đúng, đúng với tất cả các ngành nhưng không đúng với ngành điện. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, bao giờ lý thuyết ấy đúng với ngành điện”, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương bức xúc.
Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ; Vấn đề điều hành giá xăng dầu không theo cơ chế thị trường mà nhà nước vẫn quản lý giá là không đúng với vận hành của thị trường? Bộ Công thương có giải pháp gì để chuyển việc điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường như các nước xung quanh?...
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Trong 5 tháng đầu năm 2015, tình hình xuất khẩu sản phẩm hàng hóa, trong đó đặc biệt là hàng nông sản, nhất là gạo, một số nông sản khác có sự suy giảm so với cùng kỳ của nhiều năm trước. Nguyên nhân dẫn đến tốc độ tăng trưởng chưa đạt, một là do 1 số sản phẩm nông sản như là gạo, thủy sản kim ngạch xuất không bằng cùng kỳ năm trước do giá thấp hơn. Đặc biệt, giá dầu thô chỉ bằng 50% so với trung bình nhiều năm. Một số thị trường xuất khẩu truyền thống như EU, Nhật Bản, tỷ giá đồng nội tệ các nước này so với đồng USD tụt xuống rất thấp nên khi chúng ta tính theo tỷ giá hàng xuất khẩu theo đồng USD bị thấp hơn so với cùng kỳ.
“Trách nhiệm của Bộ Công thương về vấn đề này, trước hết, chúng tôi trong quá trình tham mưu cho Chính phủ trong vấn đề xuất nhập khẩu, đầu tiên là công tác thị trường. Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại và hệ thống các cơ quan thương vụ trực thuộc các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên thực hiện việc xúc tiến thương mại dưới nhiều hình thức như: Tổ chức các hội chợ, các đoàn khảo sát cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia giới thiệu sản phẩm của mình và đồng thời tổ chức phối hợp với các nước sở tại để tổ chức các đoàn doanh nghiệp của các nước sở tại vào Việt Nam để các doanh nghiệp này xem xét khả năng mua hàng xuất khẩu của Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Công thương nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, khi đàm phán hàng hiệp định thương mại, trong đó có hiệp định thương mại tự do và các hiệp định thương mại thông thường, Bộ Công thương nhận thức sâu sắc vấn đề khu vực nông nghiệp chỉ làm ra 18% thu nhập quốc dân nhưng có liên quan đến 70% dân số, nông thôn vẫn tiếp tục là 1 cấu phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành công thương trong chỉ đạo là bao giờ cũng đặt vấn đề với các đối tác là mở cửa thị trường và dành ưu đãi cho sản phẩm Việt Nam có lợi thế. Trong đó, đặc biệt là sản phẩm nông sản. Trong sản phẩm nông sản, các mặt hàng được ưu tiên đặc biệt là gạo, thủy sản và một số nông sản khác.
Vì thế, trong các hiệp định chúng ta đã ký, chúng ta đã thực hiện được điều này hay nói khác đi là chúng ta đã đạt được lợi ích cốt lõi khi các đối tác đàm phán với chúng ta chấp nhận mở cửa thị trường với các sản phẩm nông sản. Ví dụ gần đây là Liên minh kinh tế Á – Âu đã đồng ý đưa thuế suất bằng 0% với toàn bộ mặt hàng thủy sản của chúng ta, giảm thuế tối đa với cà phê đóng gói dưới 3kg, với chè, sản phẩm đồ gỗ… Hay với Hàn Quốc, chúng ta cũng đạt được những thỏa thuận quan trọng trong suất khẩu thủy sản…
Về vấn đề giá điện, giá xăng dầu, vật tư tăng cao làm cho đời sống nhân dân khó khăn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, điện và xăng dầu là 2 hàng hóa hết sức đặc biệt liên quan đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, đến doanh nghiệp, đến người dân cho nên bất cứ biến động nào dù là nhỏ của 2 mặt hàng này ít nhiều đều có tác động đến người dân. Tuy nhiên, mặt khác chúng ta cũng đã nhất quán chủ trương thực hiện cơ chế giá thị trường. Riêng với 2 mặt hàng này có thêm cái vế: “Có sự quản lý của Nhà nước”.
“Mỗi một khi đứng trước việc phải điều chỉnh giá, nhất là giá điện, với trách nhiệm được giao làm nhiệm vụ chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ về điều hành giá điện, chúng tôi hết sức băn khoăn bởi vì biết rằng tác động nó như vậy. Cho nên, trong tính toán bao giờ cũng rất thận trọng để làm sao vừa đáp ứng được nhu cầu điều chỉnh giá điện theo lộ trình giá thị trường, không bù giá nhưng mặt khác, giảm thiểu đến mức tối đa tác động, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống, nhất là những người dân nghèo, người thu nhập thấp ở khu vực nông thôn như việc trợ giá 30Kw/tháng với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội. Đồng thời, hỗ trợ các hộ gia đình chính sách xã hội (không thuộc diện hộ nghèo) có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50kWh/tháng cũng được hỗ trợ tiền như các hộ nghèo”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích.
Riêng giá xăng dầu, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, chúng ta đang thực hiện theo Nghị định 83/NĐ - CP của Chính phủ, có hiệu lực từ tháng 11/2014, mặc dù vẫn còn có 1 số ý kiến chưa thật sự thống nhất nhưng theo đánh giá chung, việc điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 83 đã từng bước hoạt động nhập khẩu kinh doanh xăng dầu đi vào lộ trình giá thị trường và có tính đến yếu tố quản lý của nhà nước.
Theo: Báo Đầu tư