Ngành công nghệ Đài Loan giữa 'làn đạn' Mỹ - Trung

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Các tập đoàn công nghệ Đài Loan ở thế khó khi phải tuân thủ lệnh cấm của Mỹ, nhưng không thể từ bỏ những khách hàng lớn ở Trung Quốc.

Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh vị trí dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo, mạng 5G và nhiều công nghệ tối tân khác. Tuy nhiên, cả hai vẫn phải dựa vào những doanh nghiệp bán dẫn Đài Loan để đáp ứng nhu cầu thiết bị của mình.

Bên trong một nhà máy to bằng sân vận động ở phía nam đảo Đài Loan, những cỗ máy khổng lồ đang xử lý vật liệu ở quy mô nhỏ không tưởng. Một tia laser mạnh làm bốc hơi các giọt thiếc nóng chảy, khiến chúng phát ra tia cực tím. Hàng loạt tấm gương sẽ hội tụ tia cực tím thành một chùm sáng để khắc các chi tiết lên tấm nền silicon với độ chính xác được ví như "cung tên từ Trái Đất bắn trúng một quả táo trên Mặt Trăng".

Máy quang khắc được lắp ráp tại Hà Lan. Ảnh: Reuters.
Máy quang khắc được lắp ráp tại Hà Lan. Ảnh: Reuters.

Các vi xử lý xuất xưởng từ đây sẽ trở thành bộ não của những sản phẩm công nghệ đến từ hai bờ Thái Bình Dương. Điều này được duy trì suốt nhiều năm cho đến giữa tháng trước, khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump buộc các hãng sản xuất chip hàng đầu Đài Loan và nhiều nơi khác ngừng nhận đơn hàng từ tập đoàn Huawei.

Hành động của chính phủ Mỹ cho thấy nước này vẫn nắm quyền kiểm soát những công nghệ giúp vận hành thế giới hiện đại, bất chấp mọi nỗ lực phát triển kinh tế và trỗi dậy của Trung Quốc. Quy trình sản xuất chip bán dẫn vẫn phụ thuộc vào thiết bị và kiến thức của Mỹ, cho phép quan chức nước này nắm quyền "sinh sát" với những nhà cung ứng và khách hàng ngành bán dẫn toàn cầu.

Mục tiêu tiếp theo là Tập đoàn Sản xuất Bán dẫn Quốc tế (SMIC), hãng chế tạo chip hiện đại nhất của Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ tuần trước yêu cầu các công ty nước này xin phép trước khi xuất khẩu sản phẩm cho SMIC, cho rằng chip của họ có thể được dùng trong quân đội Trung Quốc. Nếu chính quyền Trump chặn hoàn toàn SMIC khỏi phần mềm và thiết bị Mỹ, Trung Quốc sẽ hứng chịu đòn đánh nặng vào nỗ lực phát triển ngành bán dẫn nội địa.

Điều này khiến các hãng chip Đài Loan, trong đó có TSMC, rơi vào thế khó.

Họ phải tuân thủ chính sách công nghệ của Mỹ, nhưng khó lòng phớt lờ thực tế là nhiều khách hàng và khách hàng bên thứ ba là những công ty Trung Quốc. TSMC tìm cách làm bạn với cả hai phía, nhưng khó lòng tiếp tục như vậy trong thế giới công nghệ hiện nay.

"Trung Quốc không còn biện pháp đối phó. Mỹ rõ ràng đang nắm lợi thế trong cuộc đối đầu", Pierre Ferragu, Giám đốc mảng nghiên cứu công nghệ tại tổ chức New Street Research có trụ sở tại Anh, nhận xét.

Căng thẳng trên eo biển Đài Loan ngày càng gia tăng trong năm nay. Chính quyền Trump đã đẩy mạnh hoạt động tiếp xúc chính thức với Đài Loan kể từ khi lãnh đạo Thái Anh Văn tái đắc cử hồi tháng 1. Bà có quan điểm phản đối chính sách "Một Trung Quốc" và khiến đại lục tức giận. Để đáp trả, quân đội Trung Quốc đã nhiều lần điều tàu chiến và máy bay áp sát hòn đảo trong năm nay, đồng thời tổ chức nhiều cuộc diễn tập quanh đảo Đài Loan.

Khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đặc trách Phát triển Kinh tế Keith Krach thăm Đài Loan hôm 17/9, ông được bà Thái đón tiếp trịnh trọng và tham gia buổi tiệc với sự góp mặt của nhiều quan chức, trong đó có người sáng lập TSMC Morris Chang, cho thấy vai trò của tập đoàn này trong quan hệ giữa Đài Bắc và Washington.

Ngành công nghệ Đài Loan giữa 'làn đạn' Mỹ - Trung ảnh 2
Morris Chang (trái) gặp Phó tổng thống Mỹ Mike Pence năm 2018. Ảnh: AP.

Nhiều quan chức Mỹ cũng bày tỏ sự quan tâm lớn đến TSMC, nơi sản xuất nhiều loại chip hiện đại giúp quân đội Mỹ duy trì ưu thế công nghệ. Hãng này đầu năm nay thông báo sẽ mở nhà máy mới tại bang Arizona sau khi giới chức Mỹ tỏ ý lo ngại về việc ngành công nghệ Mỹ quá phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ ngoài lãnh thổ.

Giờ đây, chiến dịch nhằm vào Huawei của chính quyền Trump đã buộc TSMC phải quay lưng với một trong những khách hàng lớn nhất. Hai bên không thể làm ăn nếu thiếu giấy phép từ Mỹ, khiến Huawei có nguy cơ không chế tạo được các sản phẩm smartphone tối tân khi cạn nguồn dự trữ chip, gây thiệt hại không nhỏ cho một trong những mảng kinh doanh chủ đạo của hãng.

"Tôi không nghĩ Huawei sẽ có tương lai, trừ khi họ tìm được cách hối thúc các nhà cung ứng lấy được giấy phép xuất khẩu của Mỹ", Matt Bryson, nhà phân tích thuộc tổ chức Wedbush Securities, nhận xét.

Phó chủ tịch Huawei Guo Ping tuần trước cho biết tập đoàn này đang đánh giá các lựa chọn trước mắt. "Sinh tồn là mục tiêu chính của chúng tôi. Giống Alexandre Dumas từng nói: Toàn bộ sự thông thái của loài người được đúc kết trong hai từ là 'chờ' và 'hy vọng'", ông phát biểu.

Các lãnh đạo TSMC có vẻ tự tin rằng những diễn biến với Huawei sẽ không ảnh hưởng nhiều đến họ. Nếu tập đoàn Trung Quốc không thể đặt hàng của TSMC, đối thủ của Huawei sẽ nhảy vào thế chân.

Chủ tịch TSMC Mark Liu khẳng định họ sẽ liên tục cải tiến công nghệ để buộc các công ty Mỹ và Trung Quốc phải duy trì hợp tác. "Chúng tôi đang tận hưởng thành công từ quá khứ, nhưng cũng không thể đứng một chỗ trong tương lai", ông nói tại một hội thảo ngành bán dẫn.

Dù vậy, TSMC vẫn có thể bị vướng giữa hai làn đạn nếu cuộc đối đầu Mỹ - Trung tăng nhiệt.

"Một lệnh cấm toàn diện nhằm vào SMIC sẽ tăng đáng kể nguy cơ phản pháo từ Trung Quốc. Các biện pháp từng bị Bắc Kinh coi là quá nguy hiểm như hạn chế hoạt động của Qualcomm hoặc Apple tại Trung Quốc, vốn có nguy cơ cắt nguồn cung smartphone cao cấp cho người dân nước này, có thể sẽ được xem xét. Lúc này, nó giống một cuộc chơi lừa phỉnh", Ferragu nói.

Với chính quyền Đài Loan, đây không chỉ là vấn đề kinh doanh. Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào TSMC được coi là một trong những rào cản nhằm đối phó với hoạt động quân sự của Bắc Kinh nhằm vào hòn đảo.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc không cần đến TSMC như hiện nay


Quá trình này có thể diễn ra một cách tự nhiên. TSMC luôn thúc đẩy giới hạn vật lý nhằm liên tục tăng gấp đôi số transistor trên một miếng silicon cứ sau 18 tháng. Quy tắc này còn được gọi là Định luật Moore, yếu tố đã thúc đẩy phát triển bán dẫn trong hàng chục năm qua.

Tuy nhiên, không phải mọi sản phẩm công nghệ hiện nay đều cần đến loại chip hiện đại nhất. Một số giải pháp hiệu quả nhất là kết hợp giữa bộ xử lý cao cấp và những phiên bản giá rẻ, kém hiện đại hơn. Những thiết bị Internet vạn vật đơn giản có thể vận hành với chip đơn giản.

"Cách chúng ta thiết kế chip đang thay đổi. Nó buộc phải thay đổi. Định luật Moore đang chậm lại và chúng ta phải thiết kế những loại chip để đối phó điều đó", Jay Goldberg, chuyên gia cố vấn và cựu lãnh đạo Qualcomm, nhận xét.

Phát ngôn viên TSMC Nina Kao cho biết nhu cầu với các sản phẩm mới nhất của hãng đang "cao hơn bao giờ hết".

Trung Quốc cũng có thể hạn chế sự phụ thuộc vào các công ty bán dẫn Đài Loan bằng cách cải thiện năng lực nội địa. Bắc Kinh năm ngoái thành lập quỹ 30 tỷ USD để đầu tư vào các dự án chip xử lý. Hàng nghìn công ty Trung Quốc gần đây cũng bắt đầu tham gia ngành sản xuất bán dẫn.

Bắc Kinh cũng đang thu hút nhiều nhân tài từ đảo Đài Loan. Hàng chục cựu giám đốc và kỹ sư TSMC đã tham gia hai dự án chế tạo chip đầy tham vọng của Trung Quốc hồi năm ngoái, theo nguồn tin am hiểu vấn đề. Phát ngôn viên Kao cho biết tỷ lệ nghỉ việc tại TSMC gần đây là chưa đầy 5%, con số được đánh giá là ổn định.

Theo VnExpress