Ngân hàng Việt làm gì để so găng bán lẻ?

Thị trường tài chính Việt Nam vẫn được xem là khá màu mỡ để phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Vậy các ngân hàng đang chạy đua như thế nào để chiếm lĩnh thị phần thị trường đầy tiềm năng này?
Ngân hàng Việt làm gì để so găng bán lẻ?

Theo Nghiên cứu của Juniper Networks, số lượng người sử dụng dịch vụ ngân hàng di động trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 800 triệu lên 1,75 tỷ người năm 2020. 

Còn theo báo cáo khảo sát toàn cầu về ngân hàng bán lẻ 2014 của Earnst & Young, tại Việt Nam, 75% dân số chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng. Vì vậy, thị trường bán lẻ tại Việt Nam thực sự là mảnh đất màu mỡ.

Trong khi những miếng bánh béo bở trên thị trường bán lẻ Việt Nam đang được các ngân hàng ngoại âm thầm chiếm lĩnh, các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước đã đua nhau lột xác phát triển công nghệ, bước vào giai đoạn cạnh tranh quyết liệt để giành lại thị phần cho mình.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết: Với thế mạnh về năng lực công nghệ, TPBank đang có tham vọng tạo nên cuộc cách mạng về quản lý tài khoản cá nhân theo hướng đơn giản và tối ưu cho khách hàng bận rộn trong việc tính toán và sử dụng nguồn tiền.

Vừa qua ngân hàng này đã công bố sản phẩm tài khoản EasyLink mới cùng phiên bản ngân hàng số eBank 6.0. Trong đó, EasyLink cho phép kết nối tất cả các tài khoản thanh toán, tiết kiệm và tín dụng mà khách hàng có để điều chuyển các hạn mức ứng, vay trả thay vì quản lý nhiều tài khoản với những số dư khác nhau mà chỉ cần thực hiện giao dịch trên một tài khoản.

Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) trước đó cũng đưa ra mô hình giao dịch Auto Banking (ngân hàng 100% tự động, hoạt động 24/7), cho phép khách hàng thực hiện hầu hết giao dịch ngân hàng như: nạp tiền báo có ngay, rút tiền hạn mức lớn, chuyển khoản liên ngân hàng, đăng ký mở thẻ và gửi tiết kiệm tích lũy, thanh toán hóa đơn, thanh toán nợ vay…

Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) cũng đang hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng số 1 về bán lẻ vào năm 2018. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị khẳng định, để thực hiện mục tiêu này, từ năm 2014, Vietcombank đã định hướng tăng tốc phát triển các chỉ tiêu kinh doanh bán lẻ, phân bổ chuyển dịch nguồn nhân lực cho công tác bán hàng.

Năm 2015, Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) cũng đặt mục tiêu chuyển đổi mô hình bán lẻ. Hiện ngân hàng này đã triển khai thí điểm mô hình bán lẻ tại nhiều chi nhánh.

"Mỏng" quản lý rủi ro

"Các ngân hàng đang muốn đảo ngược xu hướng trong 20 năm qua khi lợi nhuận dựa quá nhiều vào tín dụng. Đây là tín hiệu tích cực", TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh chi phí đầu tư vào ngân hàng bán lẻ rất lớn: công nghệ thông tin, con người, quản lý rủi ro,... Theo ông, hiện các ngân hàng vẫn còn “mỏng” trong quản lý rủi ro cho bán lẻ.

"Hoạt động cho vay tiêu dùng cá nhân hiện tại chưa được kiểm soát chặt chẽ. Việt Nam chưa có công ty chấm điểm cá nhân như các nước tiên tiến", ông chỉ ra.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, trong bối cảnh hội nhập, e-banking là xu hướng tất yếu. Các ngân hàng chạy đua vừa để nâng cao năng lực cạnh tranh vừa để tiết giảm chi phí. Tuy nhiên, bảo mật thông tin và quản lý rủi ro là câu chuyện mà các ngân hàng cần lưu ý đến.

Song song với việc cải tiến công nghệ, các ngân hàng còn đua nhau thâu tóm công ty tài chính với tham vọng đẩy mạnh mảng bán lẻ. Trong thời gian sắp tới, cuộc chiến giành thị phần bán lẻ chắc chắn sẽ ngày càng quyết liệt bởi kỳ vọng doanh thu từ mảng dịch vụ này là vô cùng hấp dẫn.

Theo: BizLive