Nga “đè” Thổ, đánh dẹp khủng bố Syria thế nào

VietTimes -- Chiến dịch tại Syria thể hiện sự hiệu quả, chính xác và đáng tin cậy của năng lực vũ khí Nga, liên lạc vệ tinh và hệ thống vệ tinh quân sự GLONASS. Tất cả những thực tế đó là minh chứng rõ ràng Moscow làm chủ hoàn toàn trong hình thái chiến tranh thế kỷ 21.
Chiến đấu cơ Su-24 Nga trút sấm sét xuống cứ điểm quân khủng bố Syria
Chiến đấu cơ Su-24 Nga trút sấm sét xuống cứ điểm quân khủng bố Syria

Theo quan điểm của Nga, việc cho phép IS giành quyền kiểm soát  Syria và Iraq có nghĩa là khơi ra một dòng chảy các chiến binh khủng bố được huấn luyện tốt tại khu vực Bắc Caucasus và Trung Á trong 5 năm tới.

Một số ước tính cho biết trong 70.000 chiến binh IS, có khoảng 5.000 tên là người Nga hoặc là công dân các nước thuộc Liên Xô cũ. Chúng quay về sẽ tạo ra một ảnh hưởng cực kỳ nguy hiểm cho tình hình vốn đã mong manh tại khu vực Caucasus thuộc Nga và các quốc gia vùng Trung Á. Trong bối cảnh đó, Moscow tin rằng sẽ có lợi hơn là chiến đấu chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tại Trung Đông hơn là ở trong nước.

Chiến lược của nga tại Syria đang tiến triển thuận lợi, đạt được kết quả lớn chỉ với các nguồn lực tối thiểu và với mức độ can dự tương đối thấp. Để đạt được các mục tiêu mong muốn, Nga chỉ cần phá tan – chứ không tiêu diệt hoàn toàn – cấu trúc hạ tầng của bọn khủng bố. Nga sẽ có thể bảo vệ được chế độ bạn bè tại Damascus, củng cố căn cứ hải quân tại Địa Trung Hải và giữ được quyền lãnh đạo tại các dự án khí đốt ngoài khơi Syria, Syria, Cyprus và Israel.

Nga cũng sẽ củng cố vị thế của mình tại khu vực Trung Đông với tư cách một quốc gia có khả năng thực hiện các chiến dịch quân sự viễn chinh.  Chiến dịch tại Syria thể hiện sự hiệu quả, chính xác và đáng tin cậy của năng lực vũ khí Nga, liên lạc vệ tinh và hệ thống vệ tinh quân sự GLONASS. Tất cả những thực tế đó là minh chứng rõ ràng Moscow làm chủ hoàn toàn trong hình thái chiến tranh thế kỷ 21.

Nga cũng hưởng lợi ích tiềm tàng rất lớn từ chiến dịch quân sự tại Syria, tuy nhiên cũng có những nguy cơ. Nga đã vô tình xung đột với một cường quốc quan trọng trong khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ. Lợi ích của Ankara là lật đổ chế độ Bashar al-Assad và đang sử dụng cuộc chiến chống IS để chống các nhóm vũ trang người Kurd tại Syria. Đây không phải lần đầu tiên các mâu thuẫn khu vực nổi lên giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng đã qua cả thế kỷ kể từ khi hai nước dùng vũ lực đối chọi nhau.

Trong kịch bản tồi tệ nhất, Ankara và Moscow hiện có thể trở thành những bên tham gia đầu tiên vào một cuộc cách mạng trong chiến tranh, nơi không có tiền tuyến hay hàng ngàn nạn nhân, song lại xảy ra những tổn thất tàn phá các vệ tinh trong không gian, hệ thống thông tin liên lạc, các trung tâm hậu cần và hạ tầng internet.

Tuy nhiên, nguy cơ tiềm tàng lớn nhất với Nga là bị cuốn vào một cuộc xung đột hệ phái tôn giáo khu vực giữa một bên là Iran theo dòng Shia đương đầu với liên minh dòng Sunni do Saudi Arabia dẫn đầu. Nếu xem xét thực tế phần lớn người Hồi giáo tại Nga theo dòng Sunni, Moscow nên đặc biệt thận trọng.

Trong bối cảnh này,  Nga sẽ thấy khó khăn khi ủng hộ người Syria dòng Sunni chống IS. Theo kinh nghiệm xương máu tại Chechnya, Nga sẽ nhằm mục tiêu giải quyết cuộc xung đột Syria bằng cách hợp tác giữa chính quyền và các nhà lãnh đạo cộng đồng người Hồi giáo Sunni vốn sẵn sàng tham gia cuộc chiến chống khủng bố.

Trong trường hợp thành công, họ sẽ là lực lượng lấp đầy khoảng trống quyền lực sau khi đánh bại IS – tương tự như những gì đã xảy ra với gia đình Kadyrov tại Chechnya.

* Lược dịch một phần bài viết trên National Interest của các tác giả Andrey Bezrukov là cố vấn chiến lược tại Tập đoàn Rosneft, phó giáo sư tai Đại học MGIMO (Moscow); Mikhail Mamonov – chuyên gia phân tích, cố vấn Quỹ Đầu tư Nga-Trung; Sergey Markedonov – chuyên gia phân tích, phó giáo sư tại Đại học Nhân văn Quốc gia Nga; Andrey Sushentsov – phó giáo sư Đại học MGIMO (Moscow), giám đốc chương trình tại Câu lạc bộ Valdai  và là giám đốc Nhóm phân tích chính sách đối ngoại.

T.N