Nga quật khủng bố tan tác, đảo ngược thế trận Syria

Từ tình trạng kiệt quệ hồi mùa hè 2015 sau một loạt thất bại nặng nề, quân đội Syria lấy lại thế chủ động trên chiến trường. Phe nổi dậy bị hỏa lực áp đảo của Nga gây thiệt hại nặng. Tổng thống Nga Vladimir Putin thực sự là vị cứu tinh của chính quyền Syria.
Phi công Nga tác chiến tại chiến trường Syria
Phi công Nga tác chiến tại chiến trường Syria

Trên đây là nhận định của các chuyên gia quốc tế trong bối cảnh hòa đàm Syria sắp được tổ chức trong hai tuần lễ tới, hãng tin Pháp AFP cho biết.

Theo AFP, cho dù phần lãnh thổ được tái chiếm chỉ có giới hạn nhưng trên khắp mặt trận, quân đội và dân quân trung thành với Tổng thống Bashar al Assad, được lực lượng Hezbollah-Liban và «cố vấn» Iran nâng đỡ, tỏ ra đang ở thế công.

Chiến thắng hôm thứ Ba 12/01, đánh chiếm «tổng hành dinh"  của Mặt Trận Al Nustra ở Salma, trong vùng đồi núi Lattaquié, là một thành quả quan trọng của Damas kể từ khi mất thành phố này vào năm 2012. Đồng thời, quân đội của ông Assad tìm cách bao vây thành phố Alepo ở phía bắc, tiến về Hama và Homs ở miền trung, cũng như thành phố biên giới với Jordani Cheikh Misken.

Theo các chuyên gia về Trung Đông như Torbjorn Soltvedt (Luân Đôn), quyết định can thiệp quân sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin là «cứu tinh » đối với chế độ Damas vào lúc bị «thất thế kinh hoàng» hồi giữa năm 2015. Hỏa lực của Nga đã làm giảm nhẹ áp lực của liên quân Al Qaida Syria và các nhóm phiến quân Hồi giáo.

Chuyên gia Nga Vassily Kachine, thuộc Viện chiến lược Matxcơva, cho rằng các loại vũ khí như xe tăng T90 và đại pháo loại mới cùng với hỗ trợ của các sĩ quan Nga về mặt tình báo và chỉ huy cũng giúp cho quân đội chính phủ Damas rất nhiều về tác chiến.

Theo nhận định của ông Vassily Kachine, chính phủ Syria thoát được nguy cơ sụp đổ, quân đội tuy tiến chậm nhưng tình hình ổn định, thêm vào đó là phe đối thủ không còn đòi Assad ra đi là những yếu tố cho phép đàm phán một giải pháp chính trị. Những yếu tố thuận lợi này có được là nhờ vào sự can thiệp quân sự của Nga.

Tuy nhiên, các nhà phân tích phương Tây tỏ ra thận trọng hơn. Firas Abi Ali, chuyên gia của Viện chiến lược IHS Jane’s ở Luân Đôn, đồng ý là quân đội Damas ở thế công, nhưng vì thiếu quân nên khó có đủ khả năng giữ được các vị trí vừa chiếm lại. Chuyên gia Torbjorn Soltvedt cũng không tin là quân đội Syria, cho dù được Nga yểm trợ, có thể trong ngắn hạn, chiếm lại phần lãnh thổ đã mất. Hiện nay, Damas chỉ kiểm soát được 30% lãnh thổ Syria trên diện tích 185.000 km2.

Các mục tiêu khủng bố tại Syria bị không quân Nga tiêu diệt
Các mục tiêu khủng bố tại Syria bị không quân Nga tiêu diệt

Ba chiến thắng liên tục ở Salma, một phần dãy núi Lattaquié và phi trường quân sự Kwaires gần Alepo, đã đem về cho phe chính phủ 400 km2. Đã vậy, phần lớn chiến công này là do dân quân Shia thực hiện.

Mục tiêu sắp tới của Nga là làm thế nào đẩy lui lực lượng nổi dậy ở vùng tây bắc Syria, đe dọa trực tiếp các căn cứ của Nga tại Lattaquié rồi sau đó phải chiếm lại Alepo vì Bachar al Assad muốn làm Tổng thống Syria. Thế mà Syria gồm hai phần lãnh thổ Alepo và Damas. Nếu chỉ làm chủ được Damas thì ông Bachar al Assad chỉ là Tổng thống nửa nước, danh hiệu mà ông dứt khoát không chấp nhận.

Muốn đạt mục tiêu này, Nga phải giúp quân đội chính phủ cắt đứt các đường tiếp tế của phe nổi dậy. Vấn đề là Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan là đồng minh của Mỹ, và nhất là Ankara luôn muốn chế độ Assad sụp đổ, và đang xung khắc với Moscow, liệu có sẵn lòng hợp tác với Tổng thống Putin hay không? Theo chuyên gia Firas Abi Ali, cần phải có một thỏa thuận chính trị toàn diện.

T.H