Một trong những điểm đáng chú ý trong nhiệm kỳ của tổng thống Vladimir Putin là cam kết khôi phục sức mạnh quân sự của nước Nga. Ông Putin đã lưu ý rằng sự yếu kém của Nga khiến đất nước trở nên dễ tổn thương trước sức ép bên ngoài và rạn nứt bên trong, nên nhà lãnh đạo Nga đã thúc đẩy tăng cường đầu tư cho quá trình cải tổ các lực lượng vũ trang Nga từ tàn dư yếu ớt của bộ máy quân sự siêu cường Liên Xô cũ trở thành một lực lượng tinh gọn nhưng hiện đại, cơ động hơn với công nghệ tiên tiến và những năng lực của thế kỷ 21.
Năm 2013, trong một bài phát biểu nhân ngày “Bảo vệ tổ quốc”, tổng thống Nga tuyên bố: “đảm bảo Nga có một lực lượng quân sự đáng tin cậy là ưu tiên hàng đầu của chính sách nhà nước. Thật không may, thế giới ngày nay còn lâu mới hòa bình và an toàn. Ngoài các cuộc xung đột cũ lại có thêm xung đột mới. Sự bất ổn đang gia tăng trên nhiều khu vực của thế giới”.
Đó không phải lời phát biểu sáo rỗng. Nga hiện đang tăng cường xây dựng sức mạnh quân sự lớn nhất kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ cách đây hơn hai thập kỷ với ngân sách chi tiêu quốc phòng tăng đáng kể hàng năm cho tới năm 2020. Putin đã thúc đẩy chương trình này bất chấp một số phản đối trong Kremlin lo lắng về chi phí tốn kém và ảnh hưởng tiêu cực tới sự thịnh vượng của Nga.
Kế hoạch cải tổ quân đội và tái vũ trang của Nga đã gây ra lo lắng, đặc biệt trong các cơ quan an ninh quốc gia Mỹ, vốn cho cho rằng Nga không ở vị thế để phóng chiếu nhiều sức mạnh quyền lực ra ngoài biên giới. Việc Nga nối lại các chuyến bay tuần tra của máy bay ném bom chiến lược ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, phái lực lượng tới Caribbean, chiến dịch quân sự chống Georgia 2008,cũng như vấn đề tăng quy mô và mức độ tinh vi trong các cuộc tập trận chung với Trung Quốc và hải quân Nga đã làm tất thảy để làm sống lại hình ảnh Nga như một mối đe dọa quân sự.
Đặc biệt là chiến dịch quân sự tại Ukraine, sáp nhập crimea và chiến dịch quân sự chống khủng bố tại Syria đã khiến phương Tây có cái nhìn kính nể hơn với quân đội Nga.
Đi tiên phong trong quá trình hiện đại hóa quân đội Nga là bộ trưởng quốc phòng Sergei Shoigu và phó thủ tướng phụ trách công nghiệp quốc phòng Dmitry Rogozin. Nếu như chỉ vài năm trước, ngân sách đóng tàu của hải quân Nga chỉ chưa đầy 10% của Mỹ thì nay Nga đang thu hẹp khoảng cách, chi tiêu tương đương phân nửa ngân sách hải quân Mỹ dành đóng mới chiến hạm.
Vào năm 2020, quân đội Nga sẽ được cơ cấu xung quanh lực lượng sẵn sàng chiến đấu và các lữ đoàn triển khai nhanh với mục đích có các lực lượng này với ít nhất 70% trang bị các loại vũ khí thế hệ mới. Theo kế hoạch, quân đội Nga vào năm 2020 sẽ có một triệu quân nhân nghĩa vụ, với 2.300 xe tăng, khoảng 1.200 chiến đấu cơ và trực thăng. Hải quân Nga sẽ nhận 50 chiến hạm và 28 tàu ngầm mới với 100 vệ tinh quân sự mới nhằm tăng cường khả năng liên lạc, chỉ huy và kiểm soát. Putin đã cam kết chi nhiều tỷ USD trong thập kỷ tới để hoàn thành các yêu cầu trên.
Và ngày càng nhiều người Nga ủng hộ việc xây dựng quân đội mạnh. Một khảo sát của Trung tâm nghiên cứu độc lập Levada cho thấy 46% người Nga tán thành tăng chi tiêu quân sự bất chấp việc này dẫn tới suy thoái kinh tế (41% phản đối vì lo ngại khó khăn kinh tế và tham nhũng).
Sẽ là sai lầm nếu bác bỏ bằng chứng rõ ràng rằng việc xây dựng quân đội đang phục hồi lại sức mạnh của lực lượng vũ trang Nga đã bị mất sau sự sụp đổ của Liên Xô. Gần đây, Nga đã tiến hành các cuộc tập trận với quy mô lớn chưa từng thấy kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh. Trong khi vẫn còn vấn đề về hệ thống chỉ huy và kiểm soát và trang thiết bị, chúng cũng đã thể hiện rằng cải cách đã mang lại kết quả và quân đội Nga đã có khả năng tác chiến linh hoạt, hiệu quả hơn.
Điều này gây quan ngại lớn cho NATO. Tất nhiên, quá trình hiện đại hóa cũng bộc lộ không vấn đề với Nga. Vấn đề đầu tiên là liệu ngành công nghiệp quốc phòng Nga hiện nay có thể sản xuất đủ các thiết bị cần thiết cho chiến lược quân sự mới hay không. Sẽ có vấn đề bị trì hoãn, các vấn đề về kỹ thuật hoặc thiết kế. Hàng chục chiến đấu cơ Su-34 có thể sẽ không được biên chế đúng hẹn vào năm 2016.
Hàng loạt vụ thử tên lửa thất bại (nhất là tên lửa Bulava phóng từ tàu ngầm) đã làm chậm việc bàn giao các chiến hạm mới. Còn có lo ngại về lĩnh vực nghiên cứu và phát triển của Nga, cũng như Nga chưa thể nội địa hóa nhiều công nghệ cần thiết cho các hệ thống vũ khí thế hệ 5. Và quan trọng nhất là chương trình hiện đại hóa sẽ phụ thuộc vào sức khỏe nền kinh tế Nga, vốn đang bị suy thoái do giá năng lượng liên tục lao dốc và các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên, qua chiến dịch quân sự của Nga tại Syria, gần như tất cả giới chuyên gia và quân sự phương Tây đều có phần bất ngờ, thậm chí sửng sốt trước năng lực quân sự của Nga hiện nay. Có vẻ "Gấu Nga" đã trở lại, lợi hại hơn xưa.
Theo QPAN
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu