Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phát biểu trước Quốc hội trong phiên thảo luận về các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao sáng nay, 29/3.
Về phần báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, cử tri đánh giá cao nhất nỗ lực của Chính phủ và người đứng đầu cơ quan hành pháp để điều hành nền kinh tế phát triển ổn định trong bối cảnh khó khăn, kinh tế vẫn tăng trưởng dương. Lãnh đạo cơ quan hành pháp cũng có thái độ kiên quyết với vấn đề bảo vệ chủ quyền, có tư tưởng đổi mới trong điều hành…
Tuy nhiên các vấn đề tồn tại lâu nay như nền kinh tế vẫn phát triển thiếu bền vững, nguy cơ tụt hậu, dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên, xã hội vẫn bất ổn, tình hình tội phạm lan tràn, ngày càng phức tạp… cũng vẫn chưa được khắc phục.
Đánh giá khách quan những vấn đề tồn tại này có trách nhiệm chung của các cơ quan nhà nước nhưng đại biểu Nghĩa vẫn cho rằng, phần cốt yếu là ở Chính phủ - cơ quan điều hành trực tiếp.
“Nếu Thủ tướng mạnh tay cách chức các Bộ trưởng, các Chủ tịch tỉnh không hoàn thành nhiệm vụ chứ không đợi đến khi hết nhiệm kỳ mới thay thì đã chặn được ngay tư tưởng trên bảo dưới làm ngơ. Nếu Thủ tướng kiên quyết xử lý một vài lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước vi phạm thì tình hình đã khác so với việc đợi đến khi họ vào tù mới xử lý…” – đại biểu TPHCM thẳng thắn.
Đối với công tác của Chủ tịch nước, ông Nghĩa nhận xét, vị nguyên thủ quốc gia nhiệm kỳ này đã gương mẫu trong lối sống và công việc, phấn đấu không mệt mỏi và làm việc hết sức cho dân cho nước. Chủ tịch nước luôn gắn bó với cử tri, có thái độ kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Dù vậy, nhiều việc thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước như quyền tham dự các phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội, quyền triệu tập Chính phủ họp vẫn chưa được thực hiện suốt thời gian qua để góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nhận xét, trong cả nhiệm kỳ Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước khi đi làm việc ở địa phương đều thể hiện là người căm ghét những kẻ tham nhũng, thái độ kiên quyết chống tham nhũng. Nhưng ông cũng băn khoăn, không biết Chủ tịch nước đứng ở đâu, làm gì trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng và làm được gì để chống được tham nhũng?
“Cá nhân Chủ tịch nước thấy rất cố gắng, hết mình để làm việc vì dân vì nước nhưng do hạn chế trong quy định về chế định Chủ tịch nước nên cũng khó” – ông Sơn tiếc nuối.
Cũng dành nhiều phân tích về công tác của Chủ tịch nước, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) chỉ rõ, là người đứng đầu nhà nước, quyền hạn rất lớn, mong đợi của người dân cũng rất lớn nhưng thực tế hoạt động của Chủ tịch nước chưa đáp ứng được những kỳ vọng đó. Hạn chế đó của Chủ tịch nước cũng là do hành lang pháp lý chưa được hoàn thiện.
Đại biểu kiến nghị, Quốc hội trong nhiệm kỳ tới phải tập trung tiếp tục hoàn thiện thể chế về Chủ tịch nước để thể hiện tinh thần Hiến pháp sao cho Chủ tịch nước có thể thực hiện đầy đủ quyền hạn của mình, tương xứng với mong muốn, kỳ vọng của người dân.
Theo Dân trí