“Nếu cứ chờ làm cầu mới thì bao giờ mới có tiền để làm. Nếu không có giải pháp ngay trước mắt thì chắc chắn sẽ tiếp tục sập cầu,” Thứ trưởng Trường khẳng định.
Nguy cơ đâm va tàu vào cầu vẫn rất lớn
Mở đầu cuộc họp về hệ thống cầu yếu trên hệ thống Quốc lộ, đường sắt vào chiều 25/3, Thứ trưởng Trường cho biết, không phải có sự cố tàu thủy va cầu trong vừa qua thì Bộ Giao thông Vận tải mới họp, mà đây là cuộc họp thường niên.
Theo Thứ trưởng, trong thời gian qua, Bộ đã dùng nguồn vốn ODA, vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) giải quyết khá lớn cầu yếu. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã lên được danh mục quản lý tất cả cầu trên địa bàn cả nước trong đó có cầu sửa chữa, cầu mới, tuổi thọ cầu để biết được tình trạng như thế nào nhằm từng bước thay thế.
Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, cả nước có 24.000km Quốc lộ được quản lý thì theo thống kê của dữ liệu phần mềm (sáu tháng bổ sung, cập nhật một lần) có 5.869 cầu.
Về công tác quản lý cầu yếu, theo ông Vinh, toàn quốc có 861 cầu có cắm biển hạn chế tải trọng đã được rà soát và cắm lại trên toàn Quốc lộ. Những cầu yếu này chủ yếu nằm trên tuyến không phải huyết mạch, hoặc trên tuyến đường địa phương đề xuất từ Tỉnh lộ lên Quốc lộ. Trong số này, có 281 cầu nhỏ trên dưới 10m được khai thác bình thường.
“Đặc biệt, từ 2004 đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã sử dụng nguồn vốn BOT, JICA… thay thế được 218 cầu yếu. Bên cạnh đó, Bộ chấp thuận cho Tổng cục tăng cường, gia cường hệ thống cầu trên Quốc lộ với kinh phí 770 tỷ chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là 78 cầu và giai đoạn 2 là 85 cầu triển khai sau 2016...,” ông Vinh nói.
Ngoài ra, vị lãnh đạo Tổng cục này cũng nhìn nhận, trên hệ thống Quốc lộ có một số cầu mới xây nhưng cầu cũ chưa phá, khoảng cách cầu mới và cũ rất ngắn, trụ cầu lệch nhau nên không thể để lâu và phải phá cầu cũ để thông khoảng tĩnh thông cho tàu thủy lưu thông. Tuy nhiên, một số địa phương không muốn phá cầu cũ do nhân dân sử dụng phươn tiện thô sơ có nhu cầu đi qua, còn phần đa ôtô đi cầu của tuyến đường tránh mới làm.
Khẳng định việc duy trì cầu yếu là công việc thường xuyên, nước nào cũng có cầu yếu, ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, nguy cơ đâm va tàu vào cầu vẫn rất lớn do việc điều tiết luồng, lạch thủy luôn phức tạp và thay đổi theo thời gian. Cá biệt, một số cầu vẫn tồn tại dù đã được xây từ 100 năm với lý do không có tiền để thay, không nước nào đủ tiền mà xây được cầu mới.
Xây trụ chống va xô, điều tiết tàu thủy
Đại diện các cơ quan cho rằng, các cầu cũ đa phần tải trọng yếu, tĩnh không thấp, khổ thông thuyền hẹp. Vì vậy, giải pháp phải nâng chiều cao của cầu lên. Nếu chống va xô chưa đảm bảo thì xây trụ chống va. Ụ chống va là vật hi sinh nên không thể làm ngang bằng trụ cầu được do đó phải tính đến giá thành làm.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chất vấn Cục Đường thủy Nội địa: "Đã bao giờ cảnh báo cầu có nguy cơ bị tàu đâm vào chưa? Cầu yếu là yếu như thế nào? Cầu nào tàu có nguy cơ bị đâm vào thì có cảnh báo với đường sắt và đường bộ không?"
Trả lời thẳng vấn đề, Trần Văn Thọ, Cục phó Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam cho biết, thống kê của Cục Đường thủy Nội địa cho thấy, hiện cả nước có 532 các cầu công trình vượt đường thủy có tĩnh không thông thuyền thấp. Cục đã triển khai xây dựng lắp đặt cảnh báo cho các tàu thông qua các cảnh báo từ xa cho phương tiện và có lực lượng điều tiết, xây dựng một số hệ thống chống va cho các cầu hiện hữu trên đường thủy.
“Đối với những cầu có những phương tiện tải trọng lớn, tĩnh không không đảm bảo thì kiên quyết không cho lưu thông. Kinh phí bố trí phao tiêu, biển báo về cơ bản đáp ứng được, nhưng kinh phí điều tiết 34 vị trí thì không đủ. Do đó, Cục đề nghị Bộ hỗ trợ nguồn vốn ở 34 vị trí này từ nguồn vốn quỹ lũ lụt hàng năm,” ông Thọ nhấn mạnh.
Việc bố trí phao tiêu, biển báo, điều tiết phương tiện sẽ kéo giảm tai nạn giao thông đường thủy. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)
"Tối hậu thư" 30/4
Bổ sung thêm, Thứ trưởng Trường nhìn nhận, vào mùa lũ, tốc độ dòng chảy lớn, không điều tiết sẽ đâm vào cầu ngay. Điều tiết với đường thủy vô cùng quan trọng, hệ thống hướng dẫn phao tiêu đối với chỗ dày đặc trụ thì phải có cảnh báo từ xa, tàu thuyền đi đúng luồng chứ chỉ có mấy phao tiêu kích cỡ nhỏ, màu sơn mờ đi thì lái tàu có thấy được không?
“Đường thủy biển cảnh báo ít nhất cách 1km, không cho phép tàu có chiều cao bao nhiêu qua. Trên thực tế, các đơn vị chưa đặt ra vấn đề này. Do đó, phải rà soát lại trong thời gian tới về các cầu yếu và hiến kế các giải pháp chống tàu va đâm vào cầu. Nếu cứ chờ làm cầu mới thì bao giờ mới có tiền để làm. Nếu không kiểm soát và có giải pháp ngay bây giờ thì chắc chắn tiếp tục sập cầu,” Thứ trưởng Trường khẳng định.
Thừa nhận các vụ tai nạn giao thông đường thủy chính là “lỗ hổng” trong quản lý người lái phương tiện, phao tiêu, biển báo đường thủy tại địa phương nhưng lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải lại đưa ra chính kiến, trách nhiệm này là của Bộ Giao thông Vận tải, không thể đổ cho địa phương.
Thứ trưởng Trường đề nghị, trước ngày 30/4, các đơn vị phải báo cáo thống kê về Bộ tất cả cầu nào có nguy cơ tàu va đâm, dẫn đến gãy, sập cầu đồng thời giao Cục Đường thủy Nội địa tiếp tục có văn bản tham mưu cho Bộ để đề nghị địa phương chấn chỉnh lại hoạt động quản lý Nhà nước có thể “vươn tay” đến tất cả con sông có vận tải đường thủy. Doanh nghiệp nào cố tình vi phạm sẽ xử phạt thu hồi giấy phép kinh doanh, thu hồi giấy phép điều khiển phương tiện.
Về giải pháp trước mắt, Cục đường thủy kiểm tra tất cả vị trí nào có nguy cơ va đập thì có trạm điều tiết 2 đầu để điều tiết 24/24 giờ chống va xô; hoàn thiện hệ thống phao tiêu, biển báo bằng phao tiêu lớn hơn, sơn phản quang rõ nét để ban đêm tàu có thể biết để cảnh báo; có cảnh báo từ xa đối với tĩnh không thông thuyền, ngành đường thủy phải đưa ra phương án, đơn cử có thể làm đèn xoay báo hiệu giống như ngọn hải đăng.
Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông phối hợp với Cục Đường thủy nghiên cứu, khảo sát đầu tư một số trụ va xô ở các vị trí cầu yếu. Sau cuộc họp này, sẽ không thể để vụ tai nạn giao thông nào đâm gãy trụ cầu được vì đã có những giải pháp căn cơ.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có gói tín dụng (ngoài việc trông chờ vốn ODA) để đầu tư cầu yếu từ nay đến năm 2020 là kết thúc cầu yếu, ưu tiên trước mắt là cầu của ngành đường sắt, cầu có trụ yếu và tĩnh không không đảm bảo.
Với các vụ tai nạn giao thông vừa qua, Thứ trưởng giao Cục Đường thủy kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các Cảng vụ, xử lý nghiêm tập thể và cá nhân để tàu va đâm cầu, nếu liên quan đến địa phương thì phê bình Sở Giao thông Vận tải.
Theo VietNam+