Ông Trần Quốc Bảo - CEO Công ty cổ phần Dịch vụ công chứng trực tuyến CCOL. |
Tại Diễn đàn Thách thức công nghệ số Việt Nam giới thiệu Nền tảng Công chứng trực tuyến CCOL – vừa diễn ra hôm nay (23/4), PV VietTimes đã chất vấn ông Trần Quốc Bảo - CEO Công ty cổ phần Dịch vụ công chứng trực tuyến CCOL, về việc bảo mật đối với các tài liệu cá nhân dưới dạng file ảnh của khách hàng sử dụng dịch vụ sao y, công chứng. Đây cũng là nghi ngại của một số người đối với các dịch vụ có sử dụng thông tin cá nhân.
Ông Trần Quốc Bảo xác nhận, trong quá trình triển khai dịch vụ công chứng trực tuyến, phần lớn các vấn đề đều tập trung vào câu chuyện bảo mật. “Đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến tài sản và thông tin nhân thân của người dùng. Vì thế, ngay khi hình thành, dự án đã coi đây là yêu cầu đầu tiên, quan trọng, thiết yếu với đội công nghệ” – ông Bảo nói.
Ông cho biết, khi dịch vụ sao y, công chứng hoàn tất, các tài liệu gửi lên hệ thống và kết nối với công chứng viên đều được ẩn đi và hoàn toàn xoá trên hệ thống.
Ông Trần Quốc Bảo - CEO Công ty cổ phần Dịch vụ công chứng trực tuyến CCOL - trong cuộc tranh biện với báo chí tại "Diễn đàn Công nghệ số Việt Nam". |
Ông Bảo cũng đặt vấn đề: “Thực tế hiện nay, chúng ta vẫn sử dụng các nền tảng, các công cụ chat trực tuyến và gửi các bản chụp của các tài quan trọng qua đó. Tuy vậy, không rõ liệu có bao nhiêu người đặt ra vấn đề bảo mật liên quan việc upload tài liệu các nền tảng trực tuyến nước ngoài”.
“Tuy vậy, xoá trên hệ thống nghĩa là xoá đi hoàn toàn các thông tin trên giao dịch nhưng không xoá trên tài khoản của người dùng, vì đó là tài khoản cá nhân của người dùng, người dùng có trách nhiệm quản lý, bảo mật đối với tài khoản đó” - Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ công chứng trực tuyến CCOL lưu ý người dùng không nên và không được chuyển giao tài khoản đó cho người bên ngoài, để đảm bảo bảo mật.
Các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới, hiện vẫn phát hành các bản vá lỗi để tăng cường tính bảo mật. Thực tế không có doanh nghiệp nào đảm bảo có thể bảo mật 100% được và chúng tôi từng ngày cải thiện hệ thống, tăng cường tính bảo mật dựa trên phản hồi của người dùng và công nghệ tương lai.
Thông tin thêm về nội dung này, một đại diện xây dựng hệ thống công nghệ của Công chứng trực tuyến CCOL cho biết, khi người dùng upload các tài liệu lên thì các file tài liệu sẽ được mã hoá, các tài liệu này không còn được lưu dưới dạng file ảnh. Vì thế, khi dữ liệu đã được mã hoá và được lưu thì dù ai có thể lấy được tài liệu cũng không thể xem được tài liệu vì không có giải mã hệ thống.
“Công chứng viên nhận được tài liệu của khách hàng gửi thì hình ảnh mà công chứng viên nhận được cũng cần phải được hệ thống giải mã thì mới có thể đọc được ảnh đó. Tài liệu ấy chỉ có 2 người là khách hàng và công chứng viên biết mà thôi, ngoài ra không ai lấy được dữ liệu, mà dù lấy được dữ liệu thì cũng không đọc được ảnh” – vị đại diện này cho hay.
Nội dung quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính
Nền tảng Công chứng trực tuyến CCOL - vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức giới thiệu tại “Diễn đàn thách thức công nghệ số Việt Nam” số 3 - là hệ thống đầu tiên và duy nhất thực hiện chức năng kết nối khách hàng và các tổ chức cung cấp dịch vụ công chứng trên cả nước với định hướng thực hiện trọn vẹn các dịch vụ công chứng trên môi trường trực tuyến. Đồng thời, hệ thống cho phép các tổ chức cung cấp dịch vụ công chứng có thể thực hiện quản trị hoạt động của tổ chức mình như một doanh nghiệp độc lập.
Bà Trần Thị Quốc Hiền – Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá đánh giá, dịch vụ công chứng trực tuyến là nội dung quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính, triển khai chính phủ điện tử. Điều đó không những tạo điều kiện cho nhân dân và doanh nghiệp mà còn giảm áp lực giấy tờ công việc lên các cơ quan quản lý Nhà nước.
Bà Trần Thị Quốc Hiền – Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá. |
Bà Hiền cũng cho biết thêm, công dân khi đăng ký dịch vụ công trực tuyến sẽ giảm thời gian ngồi nhận hồ sơ. Hiệu quả kinh tế cho cả người sử dụng dịch vụ và cơ quan cung cấp dịch vụ. Do đó, có thể tiết kiệm thời gian, công sức, cắt giảm các chi phí đi lại, chi phí văn phòng, chi phí nhân công.
Hệ thống CCOL cho phép người dùng lựa chọn công chứng viên và giao hồ sơ để các công chứng viên thẩm định, chuẩn bị trước khi mang bản chính đến để công chứng viên kiểm-chiếu, mà vẫn đảm bảo tuân thủ Luật Công chứng, theo đó các bên bắt buộc phải ký trước mặt công chứng viên. Bên cạnh đó, hệ thống CCOL cho phép người dùng đánh giá công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng để từ đó hệ thống sẽ tư vấn cho người dùng lựa chọn các công chứng viên và tổ chức hành nghề được người dùng đánh giá chất lượng phục vụ tốt nhất.
Hệ thống này sẽ giúp người dân và doanh nghiệp hạn chế việc phải đi lại nhiều lần đến các địa điểm công chức khi hồ sơ chưa đầy đủ, tiết kiệm được thời gian và chi phí. Đồng thời, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn, giải pháp này giúp tránh tụ tập đông người, hạn chế lây nhiễm trong công đồng. Hệ thống cũng giúp các cơ quan nhà nước thực hiện công tác giám sát nhanh chóng theo thời gian thực để có thể giám sát, định hướng quản trị hoạt động công chức trên địa bàn một cách nhanh và trực quan nhất.
“Diễn đàn thách thức công nghệ số Việt Nam” là hoạt động tiếp nối của chuỗi sự kiện “Ngày thứ Sáu công nghệ” ra mắt các nền tảng chuyển đổi số trong năm 2020, được tổ chức theo format mới. Theo đó, bên cạnh phần giới thiệu của đơn vị phát triển nền tảng số, sẽ có thêm phiên tương tác trực tiếp giữa đội ngũ phát triển nền tảng và báo chí, người sử dụng theo hình thức một cuộc tranh biện. Các bên tham gia sự kiện sẽ được đặt câu hỏi, thể hiện thẳng thắn các góc nhìn đa chiều về nền tảng và cuối phiên mọi người sẽ được bình chọn công khai cho sản phẩm, giải pháp công nghệ Make in Vietnam được chọn giới thiệu.
Phương châm của chuyển đổi số năm 2021 là chủ động đi tìm và giải quyết các vấn đề, thách thức của xã hội. Và đây cũng sẽ là kim chỉ nam của diễn đàn “Thách thức công nghệ số Việt Nam”. Các nền tảng được lựa chọn ra mắt trong khuôn khổ diễn đàn sẽ phải là những sản phẩm được sinh ra từ những nỗi đau của xã hội, mang sứ mệnh đi giải những nỗi đau đó bằng công nghệ số. Các sự kiện ra mắt nền tảng trong khuôn khổ diễn đàn Thách thức công nghệ số Việt Nam sẽ được tổ chức vào thứ Sáu hàng tuần tại Bộ Thông tin và Truyền thông.