Buổi tối định mệnh
Người vợ nghẹn ngào khi biết tin anh H. - chồng chị đã chết não.
|
Anh H. và vợ đều là công nhân ở Thái Bình. Nhờ công việc có thu nhập ổn định, gia đình anh đủ ăn, đủ mặc. Mỗi khi trò chuyện tâm tình, vợ chồng anh thường nửa đùa nửa thật với nhau về việc sẽ hiến tạng khi chết để cứu người. Anh chị tâm niệm, khi không may chết đi, những bộ phận cơ thể được hiến tặng, sẽ đỡ đáng tiếc hơn là tất cả sẽ trở về với cát bụi.
Chẳng ngờ, tai nạn bất ngờ ập xuống với gia đình anh chị. Một buổi tối, anh H. tỉnh dậy đi uống nước thì bỗng thấy người nóng ran, toát mồ hôi, nôn ói hết thức ăn kèm cơn đau đầu như búa bổ. Gia đình vội vàng đưa anh đi bệnh viện ngay trong đêm, đến nơi khi anh vẫn còn tỉnh táo.
“Nhưng chỉ 1 lát sau, mồm anh bị méo xệch đi, lưỡi cứng, các bác sĩ đã đưa anh đi chụp cắt lớp vi tính và thấy chảy máu não” – người vợ nghẹn ngào.
Tình trạng bệnh của anh H. quá nghiêm trọng, phải chuyển tới bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội. Nhưng, mặc cho những nỗ lực của gia đình đưa anh tới Hà Nội ngay sáng sớm ngày hôm sau và mặc dù các bác sĩ đã dốc hết tâm huyết để cứu chữa, anh H. vẫn không qua khỏi.
“Mười mấy tiếng sau ca phẫu thuật, tay chân anh H. có động đậy, người vợ vui lắm, nghĩ thầm chắc là chồng mình khỏi bệnh rồi. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, ngay buổi chiều, anh H. yếu đi. Người vợ đã khóc nghẹn khi nghe chồng mình bị chết não, không còn cứu sống được nữa. Sau đó, chị mới biết anh H. mắc bệnh cao huyết áp nhưng giấu không cho chị biết…” – một nhân viên của Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia tâm sự.
Tấm lòng cứu người
Ca phẫu thuật lấy tạng hiến.
|
Từ khi anh nhập viện, gia đình mất đi trụ cột, chỉ còn lại hai mẹ con. Cuộc sống vắng người đàn ông trở nên vô cùng khó khăn bởi trước đây, mọi thứ trong gia đình từ điều nhỏ đến lớn nhất đều một tay anh làm hết.
Một đêm ở bên cạnh chồng trong bệnh viện, chị nắm tay anh, thì thầm với anh về tâm nguyện hiến tạng: “Đằng nào cũng không thể cứu vãn được nữa, anh hãy đồng ý với em để có thể hiến tạng cứu người”.
Mặc dù tất cả mọi người trong gia đình đều ủng hộ, nhưng chị H vẫn không tránh khỏi điều tiếng từ xã hội. Nhưng chị bỏ ngoài tai mọi tiếng xì xào, nhờ bác sĩ gọi điện tới Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia để hỏi thủ tục hiến tạng.
Sau đó, anh H. được Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia chuyển tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cơ sở y tế hàng đầu về ghép tạng.
Khi chuyển tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bác sĩ vẫn còn chút hi vọng, nên cố gắng hồi sức cho anh H., mong cứu được anh. Nhưng vì bệnh của anh H. nặng quá, không thể cứu được.
Gia đình anh H. mong muốn người thân của mình được sống lại trong một cơ thể khác. Họ không lo lắng, không có yêu cầu gì, chỉ thấy cần phải hiến tạng. Đó là nghĩa cử rất cao đẹp.
Các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã phẫu thuật cho anh H, lấy được 1 gan, 2 thận, 2 giác mạc, 12 đoạn gân và 3 đoạn mạch máu, ghép ngay cho 3 bệnh nhân cần ghép tạng, và một số bệnh nhân khác.
Người vợ của anh H. tâm sự: “Chỉ cần tôi hiểu, gia đình hiểu đây là điều đúng đắn, sự ra đi của anh có ý nghĩa mà thôi”.