“Nắng xuân 1975”, “Nắng tháng năm” và chùm tranh đặc sắc về kháng chiến

VietTimes – Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thống nhất đất nước, 30/4, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã giới thiệu tới công chúng chùm tranh đặc sắc về kháng chiến.
Một phần bức tranh "Nắng tháng năm" của họa sĩ Quách Phong (Ảnh: BTMT)
Một phần bức tranh "Nắng tháng năm" của họa sĩ Quách Phong (Ảnh: BTMT)

"Nắng xuân 1975" là tác phẩm sơn dầu của họa sĩ Quang Thọ, được lựa chọn trưng bày nhân dịp 45 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Khoảnh khắc khi đoàn quân giải phóng tiến về Sài Gòn trong niềm hân hoan chào đón của người dân thành phố đã được họa sĩ Quang Thọ ghi lại qua tác phẩm sơn dầu "Nắng xuân 1975".

"Nắng xuân 1975" là tác phẩm sơn dầu của họa sĩ Quang Thọ
"Nắng xuân 1975" là tác phẩm sơn dầu của họa sĩ Quang Thọ


Ngày 30/4/1975
, dấu mốc lịch sử khiến cả đất nước vỡ òa trong niềm vui thống nhất. Những cảm xúc rộn ràng, sâu lắng đã được họa sĩ Quách Phong nắm bắt và thể hiện sống động qua bức tranh bột màu “Nắng tháng năm”.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 khẳng định trí tuệ, tài thao lược của quân đội Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược.

“Trên chặng đường chiến dịch” được họa sĩ Nguyễn Thanh Châu
Trên chặng đường chiến dịch được họa sĩ Nguyễn Thanh Châu


Tác phẩm lụa Trên chặng đường chiến dịch được họa sĩ Nguyễn Thanh Châu chuyển thể năm 1980 từ bức ký họa ông vẽ các chiến sĩ trong một đợt hành quân chiến dịch.

Bức tranh bằng nét cọ khoáng hoạt, dứt khoát, đã tái hiện khung cảnh đoàn quân giải phóng đầu đội mũ tai bèo, vai vác súng, chân mang dép cao su, hối hả tiến về phía trước, trong không khí gấp gáp, khẩn trương, lớp lớp chiến sĩ hành quân tiến vào trận địa.

Bảng màu được họa sĩ NguyễnThanh Châu tiết chế, chủ yếu xanh lam, ghi đen, một chút trắng và vàng nhạt của ánh sáng. Điểm nhấn là trên đầu đoàn quân, những tia sáng bình minh đang chiếu xuống từ mặt trời vừa ló rạng, gợi nên vẻ kỳ vĩ, hào hùng của quang cảnh chiến trận.

Trăng trên cồn cát” (1976) của họa sĩ Nguyễn Văn Chung
Trăng trên cồn cát” (1976) của họa sĩ Nguyễn Văn Chung


Bức tranh lụa Trăng trên cồn cát” (1976) của họa sĩ Nguyễn Văn Chung được phát triển từ những ghi chép và ký ức của ông trong chuyến công tác ở chiến trường Quảng Trị năm 1972.

Trăng trên cồn cát” lấy cảm hứng từ những quan sát trong những đêm trăng sáng mờ, khi họa sĩ “ngồi ở miệng hầm, hút thuốc lá mốc, nhìn cồn cát lung linh, nhìn bóng những O dân quân mảnh mai vác khẩu AK đi đổi trực” trong những phút giây hiếm hoi khi chiến trường gần như yên tĩnh.

Với Trăng trên cồn cát”, sự kết hợp tinh tế giữa chủ đề chiến sĩ, nhiệm vụ nghiêm ngặt của đêm tuần tra với một khoảnh khắc nên thơ tràn đầy sự sống đã làm bật lên tinh thần yêu cái đẹp. Chiến trường không phải chỉ có đạn bom.

Ba nữ dân quân trẻ tuổi, vai khoác súng, đầu đội mũ tai bèo, dù không đặc tả rõ chi tiết nhưng vẫn toát lên nét duyên dáng thanh xuân. Bóng trăng tròn sáng lấp ló trên đỉnh đồi. Ánh trăng trải dài trên cồn cát, trên cả gương mặt các cô gái.

“Dân quân gái Ngư Thủy” do họa sĩ Hoàng Trầm sáng tác năm 1971
“Dân quân gái Ngư Thủy” do họa sĩ Hoàng Trầm sáng tác năm 1971


Tác phẩm sơn mài Dân quân gái Ngư Thủy” do họa sĩ Hoàng Trầm sáng tác năm 1971 đặc tả những cô gái của đại đội pháo binh nữ dân quân Ngư Thủy.

Trong tranh, những cô gái tuổi còn rất trẻ vừa học tập, vừa không quên làm nhiệm vụ cảnh giới, theo dõi mọi diễn biến của chiến trường. Lửa đạn chiến tranh không thể vùi lấp đi nét duyên dáng, sức trẻ cùng nhiệt huyết cháy bỏng của các nữ dân quân.

Với tác phẩm đầy tính tả thực này, họa sĩ Hoàng Trầm có sự cân nhắc kỹ lưỡng về hình mảng, đường nét trong bố cục hình tròn. Mảng sáng nổi bật của chiếc bàn là điểm nhấn chính trong bố cục tác phẩm.

Bảng màu sơn mài với sắc đỏ son, nâu, vàng được tạo chất trong các hình thể với nhiều cung bậc của sắc độ đậm nhạt. Giới chuyên môn đánh giá đây là kỹ thuật rất khó thành công trong chất liệu sơn mài.

Dân quân gái Ngư Thủy” được đánh giá thành công cả về nội dung lẫn hình thức biểu đạt, là một trong những tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ Hoàng Trầm.