Tuy nhiên, tại diễn đàn Tổng kết 30 năm phát triển kinh tế do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 19/11 tại Hà Nội, các chuyên gia cũng cho rằng, còn rất nhiều vấn đề Việt Nam cần phải giải quyết trong chặng đường tiếp theo.
Tăng trưởng 7%/năm
Theo báo cáo từ Viện Kinh tế Việt Nam tại diễn đàn, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam có mức tăng trưởng cao và khá ổn định, bình quân 7%/năm, (thấp nhất 4,8% và cao nhất là 9,5%). Năng suất lao động cũng tăng khá, trên 5%/năm.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm giai đoạn 1986-1990 là 4,4%; giai đoạn 1991-1995 là 8,2%; giai đoạn 1997-1999 là 7%; giai đoạn 2000-2005 là 7,51%; giai đoạn 2006-2010 là 6,7%; và giai đoạn 2011-2014 là 5,67%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn là khá cao so với các nước trong khu vực và thế giới.
Về cơ cấu ngành, từ một nước chủ yếu là nông nghiệp, với GDP nông nghiệp chiếm 40-50% sau thống nhất, đến nay trên 80% GDP được sản xuất từ công nghiệp và dịch vụ. Về cơ cấu lao động, từ đại bộ phận lao động làm nông nghiệp nay 55% lao động đã làm phi nông nghiệp.
Ngoài ra, về cơ cấu sở hữu, báo cáo cũng cho biết, từ nền kinh tế chủ yếu đơn sở hữu, đến nay 2/3 GDP là của các khu vực kinh tế tư nhân trong và ngoài nước, với 20% của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam đã mở cửa mạnh mẽ thị trường. Nhờ đó, năm 2014 GDP đạt 183 tỷ USD, xuất khẩu đạt 150 tỷ USD.
Ông Trần Đình Thiên cũng nhận định, đây là những thành tựu mà Việt Nam có được so với sự phát triển và biến động thế giới trong nhiều năm qua.
Có được những thành công này, một phần do Việt Nam đã đi đúng hướng trong định hướng phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, mặc dù chưa thực sự bền vững.
Việt Nam cũng đã có những bước tiến rất đáng tự hào, như xóa đói giảm nghèo, có mức tăng trưởng liên tục...
Đây là những điều rất tốt. Nhưng quan trọng chúng ta nhận diện những thành công đó thế nào, để phát huy và tiếp tục phát triển, trong bối cảnh vẫn nhiều điểm yếu như hiện nay.
Nhận diện điểm yếu
Mặc dù vẫn giữ được mức tăng trưởng khá mạnh, tuy nhiên, thực tế tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam đã sụt giảm trong những năm vừa qua. Điều này đang dấy lên quan ngại sẽ kéo theo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đi xuống và Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Báo cáo tại diễn đàn cho biết, các giai đoạn 1990-1995, 1995-2000, 2000-2005, tăng trưởng năng suất lao động đạt trung bình 5,4 điểm; nhưng giai đoạn 2005-2012 con số này chỉ 3,6 điểm.
“Trong khi về cơ bản, những yếu tố cốt lõi thay đổi năng suất và chất lượng chưa có. Ví dụ như công nghiệp là gia công, lắp ráp và khai thác tài nguyên thì công nghiệp vẫn chưa thay đổi. Công nghệ vẫn chưa thoát khỏi lạc hậu, vẫn kém rất xa so với thế giới. Năng suất lao động của ta trong suốt 20 năm hầu như không thay đổi,” ông Thiên nói.
Các báo cáo cũng chỉ ra rằng, ngay cả ở lĩnh vực nông nghiệp, là thế mạnh của Việt Nam thì năng suất lao động nông nghiệp của Việt Nam cũng chỉ bằng 1% của Singapore, 1-4% của Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước OECD; bằng khoảng 50% các nước thu nhập trung bình.
Cũng theo tiến sỹ Vũ Tuấn Anh, chuyên gia kinh tế cao cấp - Viện Kinh tế Việt Nam, mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện nay là phát triển theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và vốn theo hướng tăng xuất khẩu và thu hút FDI. Trong khi năng suất lao động tăng rất chậm, có xu hướng tụt hậu.
So sánh với các nước châu Á thời điểm 2010, thì Việt Nam có tốc độ tăng trưởng năng suất lao động chậm hơn hầu hết các nước, chỉ đạt 3,94%. Trong khi đó, Singapore đạt 11,78%, Trung Quốc gần 10%, các nước như Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ... đều đạt từ 5,7-6,6%...
“Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập, thì lao động giá rẻ không còn là một lợi thế mà là nỗi lo của đất nước. Bởi lao động giá rẻ đồng nghĩa với chất lượng thấp, không đáp ứng được yêu cầu sử dụng công nghệ trong sản xuất và quản lý ngày càng cao của doanh nghiệp,” tiến sỹ Vũ Tuấn Anh nói.
Một điểm yếu nữa được các đại biểu nhận diện tại diễn này là Việt Nam vẫn chưa chú trọng vào khoa học công nghệ
Theo tiến sỹ Vũ Tuấn Anh, phát triển công nghiệp của Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn phụ thuộc phần lớn vào vốn và kỹ thuật nước ngoài; năng lực nội sinh cho công nghiệp hóa yếu.
Các báo cáo tại diễn đàn cho biết, giá trị sản lượng công nghiệp do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng, hiện chiếm tới trên 50%; trong khi đó khu vực kinh tế tư nhân trong nước chỉ chiếm trên 30%. Công nghệ và thiết bị kỹ thuật trong công nghiệp lạc hậu tới 2-3 thế hệ.
90% công nghệ chuyển giao thông qua các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, chỉ có 10% thông qua việc mua bán công nghệ trên thị trường.
“Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư đổi mới công nghệ ở mức thấp. Tính ra chi phí chỉ khoảng 0,2-0,3% doanh thu. Trong khi ở Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc là 10%... Điều đáng lo ngại là phần lớn các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất đều hài lòng với trình độ công nghệ hiện tại mà họ đang sử dụng”, tiến sỹ Vũ Tuấn Anh nói .
Chỉ rõ về những yếu kém trong phát triển khoa học công nghệ, tiến sỹ Vũ Tuấn Anh nói thêm, cả nước có trên 1.600 tổ chức khoa học công nghệ, với hơn 4 triệu người có trình độ cao đẳng, đại học. Trong khi năm 2011, số bằng sáng chế đăng ký ở Mỹ của Nhật là hơn 46.000, Hàn Quốc hơn 12.000, Trung Quốc hơn 3.100, Singapore 647, Malaysia 161, Thái Lan 53, Philippines 27, Indonesia 7, thì Việt Nam chỉ là 0.
Cùng quan điểm này, phó giáo sư, tiến sỹ Lê Xuân Bá cho rằng, tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển ở mức thấp so với khu vực và thế giới. Tỷ lệ nghiên cứu và phát triển/GDP của Việt Nam năm 2011 là 0,21%, chỉ bằng 1/3 của Malaysia (0,7%) và thấp xa so với Hàn Quốc (3,4%).
Bên cạnh đó, tỷ lệ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống còn hạn chế. Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao của các doanh nghiệp chỉ đạt 2% so với 31% của Thái Lan; 51% của Malaysia và 73% của Singapore.
Chỉ số kinh tế tri thức năm 2012 của Việt Nam chỉ đạt 3,4 điểm, xếp thứ 103, cao hơn Indonesia, Lào và Campuchia, nhưng thấp xa so với Singapore (xếp thứ 23), Malaysia (thứ 48), Thái Lan (thứ 66), Philippinese (thứ 92)...
Đổi mới toàn diện
Để đổi mới đất nước, kinh tế Việt Nam cất cánh, trình độ khoa học công nghệ được nâng cao và đẩy mạnh năng suất lao động, tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, cần có sự liên kết giữa đào tạo-người lao động-doanh nghiệp-quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, phải liên kết thực sự để tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, năng suất cao, góp phần giúp đất nước phát triển, vươn lên.
Cùng với đó, cần phải thực sự coi khoa học công nghệ là yếu tố quan trọng hàng đầu; để từ đó tập trung nguồn lực cho những phát minh, sáng chế đem lại nhiều lợi ích, hiệu quả hơn.
Về mặt thể chế, những năm tới, Việt Nam cần phải có kế hoạch đổi mới cụ thể để giảm thiểu tụt hậu so với các nước; Phải đổi mới từ tư duy, thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập...
Trong đó, hướng đi tới là cổ phần hóa, giảm bớt khu vực doanh nghiệp nhà nước trong GDP còn 15% vào năm 2020; hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp.
Cùng với đó là vực dậy nhanh chóng khu vực tư nhân để đóng vai trò nền tảng và động lực chủ yếu trong nền kinh tế...
Theo TTXVN