Nạn xâm hại tình dục trẻ em: Nguy cơ bùng phát tội ác vì xử lý không đích đáng

VietTimes -- Nếu những vụ việc xâm hại, dâm ô không được giải quyết đến nơi đến chốn thì có thể kéo theo nhiều hệ lụy rất nguy hiểm khi xuất hiện hàng triệu “vị quan tòa” khiến xã hội trở nên lộn xộn với hành vi tội ác bùng phát, tương tự như việc đánh chết kẻ trộm chó nhưng với mức độ cao hơn nhiều.
Các nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục trẻ em đều bị ảnh hưởng nặng nề về mặt tâm lý, tình cảm. Trong ảnh: Một nạn nhân bị xâm hại tình dục khi chưa tròn 13 tuổi.
Các nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục trẻ em đều bị ảnh hưởng nặng nề về mặt tâm lý, tình cảm. Trong ảnh: Một nạn nhân bị xâm hại tình dục khi chưa tròn 13 tuổi.

Đó là quan điểm của TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội khi trao đổi với VietTimes về những vụ xâm hại, dâm ô chưa được xử lý đích đáng gây bức xúc dư luận thời gian gần đây.

Nguy cơ “chìm xuồng” nhiều vụ xâm hại nhức nhối

TS. Khuất Thu Hồng cho biết, khi đọc, tiếp nhận những tin thông tin về xâm hại, dâm ô trên báo chí, trên mạng xã hội, phản xạ đầu tiên của chị là chối bỏ, vì không chịu nổi, chị phải phải lướt sang một tin khác. Nhưng chỉ vài giây sau chị lẩy bẩy lướt chuột quay lại.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ lạm dụng trẻ em, bạo lực ngày càng gia tăng, thậm chí là vụ việc sau nghiêm trọng hơn vụ trước là do “rất nhiều người trong khi thương hại hoặc thông cảm với nạn nhân nhưng đồng thời lại nghi ngờ hoặc chê trách họ vì đã gây sự chú ý hoặc dễ dãi hay dại dột. Họ nghĩ rằng chỉ những người không đứng đắn, có vấn đề, mới trở thành nạn nhân của những người xâm hại tình dục. Những giá trị cổ hủ, quan niệm sai lầm về nam tính hay nữ tính, cùng với định kiến và khuôn mẫu giới bất bình đẳng chính là nguyên nhân sâu xa của tình trạng này”, TS. Khuất Thu Hồng nhận định.

TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội.
TS. Khuất Thu Hồng -  Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội.

Hơn nữa, bà cho rằng, luật pháp còn thiếu, còn nhiều kẽ hở và chưa đủ sức mạnh để giải quyết được vấn đề xâm hại hay dâm ô. “Trong khi luật pháp của chúng ta đòi hỏi phải có bằng chứng trên thân thể của đứa trẻ sau bao nhiêu thời gian xảy ra sự việc, nhất là khi đối tượng dùng tay, dùng miệng,… để xâm hại thì lấy đâu ra bằng chứng? Tại sao các vụ xâm hại tình dục ngày càng gia tăng, vụ sau nghiêm trọng hơn vụ trước? Tại sao những kẻ đồi bại vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, thách thức dư luận xã hội?”-  Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội đặt vấn đề.

Theo số liệu thống kê về trẻ em bị bạo hành của năm 2018 được cập nhật qua tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111: 60% đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là người quen, hàng xóm; trên 21% đối tượng là người thân; giáo viên, nhân viên nhà trường chiếm hơn 6%; các đối tượng khác gần 14%.

TS. Hồng bức xúc lấy ví dụ về một số vụ việc được coi là nổi cộm như vụ nguyên Viện phó VKSND TP. Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái ở chung cư Galaxy 9 - TP.HCM nhưng mãi chưa bị xử lý nghiêm túc, khiến nhiều tập thể, tổ chức, cá nhân đã ký đơn tập thể, đề nghị khởi tố ông Linh. Tuy nhiên, những vụ việc khiến xã hội bức xúc cao độ như vậy vẫn có nguy cơ “chìm xuồng”, vì cơ quan chức năng có vẻ lúng túng trong xử lý khi cho rằng chưa đủ bằng chứng.

“Với trẻ em thì làm sao có thể tự bảo vệ mình? Trẻ em là người có lỗi? Hay bố mẹ là người có lỗi khi đã không canh chừng con cái mình 24/24h? Nếu chúng ta tiếp tục im lặng thì không thể giải quyết câu chuyện này” - TS. Hồng nhấn mạnh.

Bức xúc về việc xử lý kẻ sàm sỡ nữ sinh trong thang máy chỉ bị phạt 200 nghìn đồng (ở Thanh Xuân – Hà Nội), bà đánh giá việc này "như trò hề", thể hiện sự bất lực của những người thực thi pháp luật và cả trách nhiệm của người làm luật.

"Những câu chuyện này khiến cho mọi người có cảm giác luật pháp không xử lý được và những người thực thi pháp luật gần như không làm được gì với những tội ấy. Đây là điều đáng phải suy nghĩ", TS. Hồng nói.

Mạnh tay “thiến” kẻ vi phạm?

Trao đổi về hình phạt mạnh tay, trong đó “thiến hóa học” được coi là biện pháp hữu hiệu xử lý vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em đang nhức nhối của nhiều quốc gia, bà Hồng phản đối áp dụng tại Việt Nam.

Rất nhiều công dân đã lên tiếng bằng nhiều hình thức chống xâm hại tình dục trẻ em
Rất nhiều công dân đã lên tiếng bằng nhiều hình thức chống xâm hại tình dục trẻ em

Về mặt khoa học, thiến hóa học thực chất là một liệu pháp hormone. Người bị “thiến hóa học” sẽ được tiêm chất kháng testosterone, khiến nồng độ hormone sinh dục trong cơ thể giảm tới mức thấp nhất và họ không có cảm giác ham muốn tình dục nữa. Tuy nhiên, việc này cũng có mặt trái, họ có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh nan y, sức khỏe giảm nhanh chóng, có thể mất khả năng tự chăm sóc bản thân và cần sự hỗ trợ tối đa của những người xung quanh.

Đành rằng người phạm tội cần phải trả giá đích đáng, nhưng bà Hồng cho rằng cần cân nhắc kỹ về phương pháp trừng phạt này, bởi nó không công bằng với những người thân, gia đình của họ khi phải cùng gánh chịu hệ quả từ hình phạt với người vi phạm.

“Nên chăng chúng ta áp dụng một số biện pháp quản lý tội phạm như gắn chip điện tử, vòng đeo để người dân nhận diện khi tiếp xúc, quản thúc, cấm dời khỏi nơi cư trú,…

Bà Hồng cũng kiến nghị, các cơ quan chức năng cần sửa đổi pháp luật cụ thể hơn, làm sao để pháp luật phải thực sự là công cụ để trừng trị, xử lý những hành vi xâm hại danh dự và thân thể phụ nữ, trẻ em. Những người thực thi pháp luật cũng cần được nâng cao nhận thức để làm công việc này tốt hơn.

Bởi theo bà, nếu những vụ việc xâm hại, dâm ô không được giải quyết đến nơi đến chốn thì có thể kéo theo nhiều hệ lụy rất nguy hiểm cho xã hội. Nếu không có quan tòa đại diện pháp luật, thì nghi phạm sẽ bị xử bởi hàng triệu quan tòa vốn là những người dân nhưng vì bức xúc cao độ mà tự nhận mình là đại diện cho công lý.  Và trong số họ, không phải ai cũng đủ hiểu biết và đủ khả năng kiểm soát bản thân. Xã hội “tự xử” ấy sẽ trở nên lộn xộn vô cùng khi những hành vi tội ác được sử dụng để giải quyết tội ác, tương tự như việc đánh chết kẻ trộm chó nhưng với mức độ cao và phạm vi rộng hơn nhiều.

Tại hội thảo lần thứ nhất xây dựng kế hoạch hành động quốc gia phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.vừa diễn ra cách đây ít ngày, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội - dẫn báo cáo của Bộ Công an cho biết, năm 2018 cả nước xảy ra 1.547 vụ xâm hại trẻ em, với gần 1.700 đối tượng, xâm hại 1.579 trẻ, trong đó có 1.293 em bị xâm hại tình dục.

Bà Nga cũng thông tin số liệu do đại diện Unicef cung cấp là ở Việt Nam, có đến 68,4% trẻ em Việt Nam từng ít nhất một lần bị bạo lực dưới một trong vài hình thức, từ bị đánh đập, xâm hại thân thể đến xâm hại tình dục.