Chỉ thị số 01/CT-BTTTT về định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2023 và giai đoạn 2024-2025 - do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành - nhấn mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia do ngành Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện với mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới.
100% hồ sơ nộp tại bộ phận một cửa được xử lý trực tuyến
Ở lĩnh vực chính phủ số và chuyển đổi số quốc gia, tiếp tục đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay là đạt 100% hồ sơ nộp tại bộ phận một cửa được xử lý trực tuyến. Trong đó, 50% hồ sơ nộp tại bộ phận một cửa được thực hiện trực tuyến. Hỗ trợ, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương phát triển các nền tảng số. Thực hiện đo lường, đánh giá, công bố xếp hạng mức độ chuyển đổi số cấp quốc gia và cấp bộ, tỉnh.
Theo bảng xếp hạng năm 2022 của Báo cáo Chính phủ điện tử do Liên hợp quốc công bố, Việt Nam xếp hạng 86/193 quốc gia trên thế giới, 25/47 quốc gia châu Á và 6/11 ở Đông Nam Á. Việt Nam được đánh giá là một trong số 9 quốc gia có thu nhập dưới trung bình nhưng có Chỉ số tổng hợp và Chỉ số Dịch vụ trực tuyến cao trên mức trung bình của thế giới.
Việt Nam đã duy trì được việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014-2020 từ vị trí 99 lên vị trí 86. Tuy nhiên, sự tăng hạng này đã dừng lại ở năm 2022 - Việt Nam vẫn giữ nguyên vị trí so với năm 2020.
Riêng về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (một trong các chỉ số quan trọng nhất) của Việt Nam vẫn đứng ởvị trí thứ 6 trên tổng số 11 quốc gia Đông Nam Á, sau các quốc gia Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei và Indonesia.
Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu đến năm 2025, xếp hạng quốc gia về chính phủ điện tử của Việt Nam vào top 50; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 80%; số lượng giao dịch qua nền tảng, tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đạt 860 triệu giao dịch; tỷ lệ cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước đạt 100%.
Lĩnh vực kinh tế số và xã hội số, thúc đẩy kinh tế số là bảo đảm tăng trưởng bền vững về mặt dài hạn. Trọng tâm năm 2023 là đổi mới cách thức tiếp cận về các giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số, đặt trọng tâm là dữ liệu; bước đầu hệ thống hóa, hình thành và cơ sở dữ liệu tích hợp phục vụ đo lường kinh tế số và xã hội số.
Định hướng giai đoạn 2024-2025, khai thác giá trị của dữ liệu, tạo đột phá cho phát triển kinh tế số, xã hội số.
Lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông, thúc đẩy các hoạt động thu hút đầu tư R&D trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số. Cụ thể, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đầu chuỗi, các Big Tech lớn như Samsung, LG. Đồng thời, tổ chức các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước; hỗ trợ các sản phẩm Make in Viet Nam.
Giai đoạn 2024-2025, thúc đẩy nâng cao năng lực làm chủ công nghệ số, nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, trọng tâm vào các công nghệ số mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp công nghệ số. Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng năm gấp 2,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP cả nước.
Lĩnh vực báo chí, truyền thông: Báo chí tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, tạo khát vọng Việt Nam hùng cường, trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045.
Xây dựng cơ chế, chính sách làm cơ sở để các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương bố trí ngân sách dành riêng cho truyền thông. Tăng cường đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới trên cơ sở “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và tuân thủ luật pháp Việt Nam, bảo đảm chủ quyền đất nước và tính thượng tôn pháp luật của Việt Nam.
Đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách từ trung ương tới địa phương; thông tin, tuyên truyền nâng cao hiệu quả và sự đồng thuận của người dân, chú trọng và tập trung công tác truyền thông, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các sự kiện lớn của đất nước.
Về lĩnh vực viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình Quốc hội thông qua dự án Luật Viễn thông (sửa đổi); triển khai đấu giá băng tần 2.3GHz, 2.6GHz, 3.5GHz cho di động; thúc đẩy phát triển trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây ở Việt Nam, tuyến cáp quang biển do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ.
Các doanh nghiệp viễn thông di động xử lý triệt để tình trạng sim có thông tin không đúng quy định, sim không chính chủ; tiếp tục chủ động, tích cực hạn chế tối đa tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Thúc đẩy triển khai Mobile Money, tổng kết đánh giá 2 năm thí điểm và đề xuất lộ trình tiếp theo. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thay thế 2 vệ tinh viễn thông VINASAT-1, VINASAT-2…
Tập trung bảo vệ dữ liệu cá nhân; bảo đảm an toàn dữ liệu
Lĩnh vực an toàn thông tin mạng, tập trung bảo vệ dữ liệu cá nhân; bảo đảm an toàn dữ liệu. Chuyển đổi căn bản về nhận thức và cách làm trong an toàn không gian mạng. Tăng cường các biện pháp bảo vệ người dân, bảo vệ an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng. Thay đổi trọng tâm từ cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò chính bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia sang cơ quan nhà nước điều phối các tổ chức, doanh nghiệp và người dân chung tay bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia.
Đến năm 2025, tỷ lệ chủng loại sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin mạng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đạt 100%. Tỷ lệ doanh thu sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng đạt trên 70%. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp Việt Nam đạt từ 20% /năm.
Ở lĩnh vực bưu chính, trong năm nay, thực hiện đánh giá chất lượng dịch vụ bưu chính công ích và ngoài công ích; tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về cạnh tranh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về giá cước bưu chính. Cùng với đó, triển khai hiệu quả kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Đến năm 2025, xây dựng hệ sinh thái các dịch vụ bưu chính tới hộ gia đình và người dân. Khả năng tiếp cận phổ cập dịch vụ đạt tối thiểu 50 bưu gửi/đầu người; 100% điểm phục vụ có kết nối internet hỗ trợ việc đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử; 100% hộ gia đình có địa chỉ số. Tốc độ tăng trưởng trung bình của dịch vụ bưu chính chuyển phát phục vụ thương mại điện tử đạt 30%/năm…