Ông Keshav Dhakad, Giám đốc cao cấp, Trung tâm Phòng chống Tội phạm mạng khu vực, nói: "Thái Lan vẫn là một trong những nước trong khu vực có nguy cơ cao nhất về các mối đe dọa phần mềm độc hại, đứng sau Bangladesh, Indonesia và Việt Nam”.
Ông cho biết, nguy cơ đe doạ ở đây tương đương với điều kiện ở Philippines và Bangladesh, trong khi đó Hồng Kông, Nhật Bản và Singapore có nguy cơ bị tấn công phần mềm độc hại thấp nhất.
Dẫn kết quả một công trình nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore với tiêu đề "Các rủi ro an ninh không gian mạng do sử dụng phần mềm không chính hãng", ông Dhakad lý giải, các tội phạm không gian mạng đang xâm nhập máy tính bằng cách nhúng phần mềm độc hại từ các đĩa CD và DVD ghi phần mềm lậu và qua các kênh trực tuyến như BitTorrent - một cách hiệu quả để truyền tải tệp tin qua internet.
Công trình nghiên cứu đã phân tích khoảng 90 máy PC mới, được chạy bằng phần mềm lậu ở Thái Lan và bảy quốc gia khác.
Kết quả cho thấy, 92% máy tính mới cài đặt phần mềm không phải là chính hãng đã bị nhiễm phần mềm độc hại. Năm 2016, thị trường phần mềm không phải là chính hãng tại Châu Á Thái Bình Dương đạt doanh số lên tới 19 tỷ USD.
Mối quan ngại về phần mềm lậu không chỉ tập trung vào sự mất mát kinh tế mà chủ yếu tập trung vào những thiệt hại gây ra bởi những nguy cơ về an ninh mạng, ông Dhakad nói. "Ở Thái Lan, tỷ lệ ăn cắp bản quyền phần mềm vào năm 2016 là 70%" .
Các tin tặc và những tên tội phạm mạng có tổ chức rất giỏi khai thác các lỗ hổng công nghệ thông tin và lỗi của con người để xâm nhập các máy tính nhằm mục đích phá hoại và trục lợi tài chính.
Dự báo, tội phạm không gian mạng sẽ gây thiệt hại lên tới 6.000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2021.
Nghiên cứu cho thấy các phần mềm ác tính trojan, một dạng chương trình độc hại trên máy tính, là những mối đe dọa nguy cơ cao thường gặp nhất trong các phần mềm lậu.
Ông Dhakad cho biết, các cuộc tấn công bằng virus WannaCry mới đây đã nâng cao nhận thức về an ninh mạng và cho thấy sự nguy hiểm của các phần mềm cổ lỗ và vá víu.
Michael Montoya, cố vấn trưởng về an ninh mạng của Microsoft Asia, nói rằng, Microsoft là mục tiêu tấn công thứ hai của các hacker toàn cầu bởi vì công ty có rất nhiều sản phẩm dựa trên người dùng. Công ty giả định rằng sẽ có các cuộc tấn công xảy ra, nhưng đã sẵn sàng đối mặt với bất kỳ sự cố nào trong việc sao lưu dữ liệu.
Hàng năm, Microsoft đều dành một tỷ USD để nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bảo mật, bao gồm đầu tư đối phó với các phần mềm mới xuất hiện.
Mỗi tháng, Công ty Microsoft phát hiện có 425.000 cuộc tấn công phần mềm độc hại mới. Bảy mươi bảy phần trăm của các cuộc tấn công đến từ các email lừa đảo, 90% nạn nhân sử dụng phần mềm đã lỗi thời và 63% mật khẩu của người dùng đã bị đánh cắp.
Theo công trình nghiên cứu nói trên, mỗi ngày xảy ra 992 vụ tấn công bằng mã độc, tỷ lệ tăng theo từng quý là 34%.
89% các vụ tấn công nhằm động cơ trục lợi tài chính. Các tổ chức phải mất hơn 17 tháng trước khi phát hiện ra mã độc, với tổn thất trung bình là 4 triệu USD.