Năm 2020: Việt Nam thoát top 20 nước có tỷ lệ lây mã độc cao nhất thế giới

VietTimes -- Trong mục tiêu về Công nghệ thông tin giai đoạn 2016- 2020, Bộ TT&TT phấn đấu đưa Việt Nam ra khỏi danh sách 20 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại cao nhất trên thế giới, theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế.
Trong số các sự cố mất an toàn thông tin tại Việt Nam, lỗi do con người chiếm tới 62%.
Trong số các sự cố mất an toàn thông tin tại Việt Nam, lỗi do con người chiếm tới 62%.

Mới đây, Bộ TT&TT đã quyết định đẩy mạnh hoạt động đảm bảo an toàn thông tin và ứng dụng an toàn thông tin vào Chương trình mục tiêu về Công nghệ thông tin (CNTT) giai đoạn 2016- 2020.

Cụ thể, trong lĩnh vực an toàn thông tin, đến năm 2020 sẽ phấn đấu trên 80% hệ thống thông tin từ cấp độ 3 trở lên của các địa phương được áp dụng phương án đảm bảo an toàn thông tin phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 có giải pháp xác thực điện tử tập trung và 50% cổng thông tin điện tử của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giám sat an toàn thông tin mạng, trong đó ưu tiên các tỉnh ở địa bàn khó khăn.

Trong lĩnh vực ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT phấn đấu có 30% hồ sơ thủ tục hành chính của các địa phương được xử lý trực tuyến tại mức độ 4. Trên 50% hồ sơ thủ tục hành chính cần trao đổi giữa các bộ phận một cửa liên thông được trao đổi qua môi trường mạng.

Ngoài ra, trong mục tiêu về CNTT giai đoạn 2016- 2020, Bộ TT&TT hỗ trợ xây dựng ít nhất 7 khu công nghiệp CNTT tập trung; hỗ trợ nghiên cứu, phát triển 6 sản phẩm nền tảng dùng trong cơ quan nhà nước và xã hội.

Đặc biệt, chương trình đề ra mục tiêu: Đến năm 2020, đưa Việt Nam ra khỏi danh sách 20 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại cao nhất trên thế giới theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế.

Thực tế, thời gian qua, ngành CNTT Việt Nam phát triển nhanh chóng, được ứng dụng rộng rãi trong mọi mặt đời sống xã hội. Thông tin trên mạng đã trở thành tài sản của mỗi cá nhân, tổ chức và cả quốc gia. Các doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại và phát triển nếu thông tin hoặc hệ thống thông tin bị phá hoại. Các cơ quan nhà nước không thể phục vụ người dân nhanh chóng và thuận tiện nếu các trang, cổng thông tin điện tử không hoạt động bình thường. Cải cách hành chính, chính phủ điện tử, thương mại điện tử và một loạt chương trình lớn của quốc gia sẽ không thể thực hiện được nếu an toàn thông tin không được bảo đảm.

Theo ông Trần Quang Hưng – Chuyên gia Cục An toàn thông tin, hiện nay, với sự phát triển của mạng xã hội và việc chia sẻ những thông tin cá nhân công khai trên mạng, hacker có thể dễ dàng thu thập thông tin để phục vụ mục tiêu tấn công. Số lượng tội phạm công nghệ cao ngày càng đông đảo, chuyên nghiệp trong tổ chức, được hỗ trợ nhiều về công nghệ, có thể tấn công trên quy mô rộng và gây ra thiệt hại ngày càng lớn. Nhiều cơ quan tổ chức phát hiện các kết nối ngầm và các mã độc chuyên dùng để đánh cắp thông tin có chủ đích (APT) và đã từng xuất hiện các đợt tấn công vào các website chính phủ. Nghiêm trọng hơn, còn phát hiện các mã độc hại được cài sẵn trong phần cứng viễn thông và CNTT nhập khẩu.

Để đạt mục tiêu mà chương trình đã đề ra, Bộ TT&TT sẽ triển khai an toàn thông tin ở cả các Bộ, ngành và cả các địa phương. Theo đó, Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ đầu tư về thiết bị, phần mềm bảo vệ hạ tầng, phần mềm phòng chống tấn công mạng, các trung tâm dữ liệu, cổng dịch vụ công trực tuyến… Đặc biệt, Bộ sẽ huấn luyện, chuyển giao công nghệ về xử lý các phần mềm độc hại, giải pháp ứng cứu sự cố về Công nghệ thông tin và các nội dung khác theo quy định của pháp luật.

Các địa phương sẽ lồng ghép nội dung an toàn thông tin vào cùng một dự án với Ứng dụng Công nghệ thông tin thành một hạng mục đầu tư, trường hợp quy mô, phạm vi nội dung an toàn thông tin lớn cần thành lập dự án riêng, địa phương cần thuyết minh cụ thể. Trong điều kiện nguồn vốn có hạn, các địa phương phải ưu tiên các hạng mục chủ yếu như tường lửa, IPS/IDS, phần mềm diệt virus, phần mềm giám sát và bảo vệ website,…