Chiều 11/7, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp để bàn về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020. Sau gần 4 giờ làm việc, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất chốt mức tăng là 5,5% so với năm 2019.
Theo phương án này, bắt đầu từ 1/1/2020, lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm 5.5% so với năm 2019. Cụ thể, vùng từ 4.180.000 lên mức 4.420.000 (tăng 240.000 đồng); vùng 2 tăng từ 3.710.000 lên 3.920.000 (tăng 210.000 đồng); vùng 3 tăng từ 3.250.000 đồng lên 3.430.000 đồng (tăng 180.000 đồng); vùng 4 tăng từ 2.920.000 đồng lên 3.070.000 đồng (tăng 150.000 đồng).
Về mức tăng này, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết: “Mong muốn của doanh nghiệp là tăng ở mức dưới mức 5,5%. Tuy nhiên, Hội đồng tiền lương hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận thì đã có sự thống nhất về mức 5.5%. Điều đó đặt ra chi phí của doanh nghiệp tăng cao và doanh nghiệp sẽ phải phấn đấu để khỏa lấp, cũng là mong muốn doanh nghiệp đổi mới khoa học công nghệ, năng lực quản trị, có chính sách đào tạo, nâng cao tay nghề của người lao động để tạo ra những sản phẩm tốt mang tính cạnh tranh cao để đáp ứng nhu cầu phát triển doanh nghiệp".
Được biết, phương án ban đầu trước khi thảo luận để trước khi chốt được, Tổng Liên đoàn lao động đưa ra là 6,7%. Còn đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng như những người sử dụng lao động thì có đề xuất khoảng 4%. Tức là 2 đề xuất này đã thu hẹp rất nhiều so với phiên họp đầu tiên, nhưng vẫn có khoảng cách chênh lệch về phương án giữa 2 bên. Sau một thời gian thương lượng rất thiện chí giữa các bên, phương án chốt cuối cùng điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2020 là 5,5%.
Trước đó, tại phiên họp đầu tiên để bàn về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 vào ngày 14/6 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 của các bên vẫn ở mức cách xa nhau.
Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng cao nhất 8,18%, phía VCCI chỉ đề xuất tăng dưới 3%.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất 3 phương án: Phương án 1, tăng bình quân 8,18%, tức là tăng từ 180.000 đồng - 380.000 đồng; Phương án 2, tăng bình quân 7,06%, tức là tăng từ 160.000 đồng - 330.000 đồng, theo từng vùng; Phương án 3, tăng bình quân 6,52%, tức là tăng từ 120.000 đồng – 320.000 đồng.
Tại phiên họp đầu tiên, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, căn cứ kết quả tính toán cho thấy mức lương tối thiểu năm 2019 đã bảo đảm 95% mức sống tối thiểu của người lao động. |
Bên cạnh đó là dựa vào tình hình xuất khẩu với tỷ lệ đơn hàng ngày càng tăng, đặc biệt ở các ngành sử dụng đông lao động. Điều này cho thấy khả năng chi trả của doanh nghiệp sẽ ổn định. Đồng thời, số doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng hơn so với năm trước.
Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, cơ quan này có tham thảo tỷ lệ chi phí lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm của một số nước trên thế giới tương đồng với Việt Nam. Kết quả cho thấy, ở các nước như: Campuchia, Srilanka, Philipines, Ấn Độ, Mông Cổ, tỷ lệ chi cho phi lương thực thực phẩm đều cao hơn mức tính của Việt Nam.