Năm 2018, Việt Nam hứng chịu 10.220 cuộc tấn công vào các hệ thống thông tin

VietTimes -- Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo – Triển lãm Quốc gia về an ninh bảo mật 2019 (Security World 2019) lần thứ 13 với chủ đề “Tăng cường bảo mật dữ liệu và an toàn, an ninh mạng cho ngành Tài chính – Ngân hàng và cơ quan quản lý Nhà nước” do Bộ Công an chủ trì phối hợp với Tập đoàn dữ liệu Quốc tế IDG đã diễn ra ngày 29/5 tại Hà Nội.
Nhiều chuyên gia về an ninh mạng của Việt Nam và khu vực đã tới tham dự sự kiện, cùng nhau trao đổi vê thực tiễn an ninh mạng của mỗi quốc gia
Nhiều chuyên gia về an ninh mạng của Việt Nam và khu vực đã tới tham dự sự kiện, cùng nhau trao đổi vê thực tiễn an ninh mạng của mỗi quốc gia

Dựa trên thống kê của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2018 có đến 10.220 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Cụ thể, có 5.932 cuộc tấn công lừa đảo; 3.198 cuộc tấn công thay đổi giao diện; 1.090 cuộc tấn công cài cắm mã độc. Riêng trong lĩnh vực ngân hàng và các hệ thống kinh doanh kết nối ngân hàng, rất nhiều cuộc tấn công tinh vi xảy ra khiến lộ lọt dữ liệu khách hàng đã để lại những hậu quả đáng lo ngại.

Đứng trước những diễn biến khó lường liên quan đến an toàn, an ninh thông tin tại Việt Nam, Hội thảo – Triển lãm Quốc gia về An ninh bảo mật 2019 hướng đến mục tiêu đảm bảo an toàn thông tin cho khối tài chính – ngân hàng và các cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể, song song với công tác đánh giá, nắm bắt mối nguy hại về an ninh mạng, Hội thảo cũng đề xuất những phương án đột phá nhằm ứng phó kịp thời với các nguy cơ về bảo mật.

Đại tá, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an.
Đại tá, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại tá, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an đề cập đến thực trạng tấn công mạng trong những năm gần đây: "Giai đoạn vừa qua thế giới đã chứng kiến rất nhiều vụ việc hacker tấn công vào hệ thống của các ngân hàng lớn trên thế giới, đánh cắp hàng chục triệu euro, hàng chục triệu USD. Ngay tại Việt Nam cũng có nhiều hệ thống ngân hàng cũng như các hệ thống thông tin quan trọng của quốc gia đã hứng chịu nhiều vụ tấn công mạng và để lại thiệt hại kinh tế lớn”.

“Hiện nay, công tác đảm bảo an toàn thông tin trong lĩnh vực ngân hàng là nhu cầu rất cấp thiết. Hội thảo Security World lần này thể hiện sự chung tay của các ban bộ ngành, phối hợp chặt chẽ của ban bộ ngành các tổ chức quốc tế như IDG. Tôi cho rằng rất cần có những cuộc hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu giải pháp để làm sao đảm bảo an toàn cho sự phát triển kinh tế xã hội, tài chính ngân hàng; thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển KT-XH; đẩy mạnh sự hội nhập của Việt Nam với quốc tế", ông Tuấn nhấn mạnh.

Cũng tại Hội thảo, Thiếu tưởng Nguyễn Đăng Đào, Phó Ban Cơ yếu Chính phủ khẳng định: "Với trách nhiệm của mình, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tích cực và chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương; tích cực phối hợp với các lực lượng chuyên trách của các bộ ngành để đảm bảo bảo mật, an toàn thông tin cho mạng CNTT trọng yếu phục vụ sự lãnh đạo của Đảng nhà nước và các ngành các cấp".

Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó Ban Cơ yếu Chính phủ
Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó Ban Cơ yếu Chính phủ

Ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định: "Xu thể chuyển đổi số của nền kinh tế trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng mang rất nhiều lựa chọn thanh toán phi tiền mặt cho người dân trên nền tảng di động và Internet nói chung. Sự thay đổi đó là tất yếu nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro về mất an toàn thông tin bởi đây là mục tiêu tin tặc nhắm đến với các cuộc tấn công ngày càng tinh vi phức tạp, gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng về kinh tế, cũng như uy tín của tổ chức tài chính ngân hàng".

Cục An toàn thông tin đã đưa ra 5 xu hướng chính về an toàn, an ninh mạng Việt Nam năm 2019. Một là tấn công mạng vào các hệ thống thương mại điện tử, tài chính – ngân hàng với mục tiêu đánh cắp thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng. Hai là tấn công mạng có chủ đích vào các cơ quan, tổ chức nhà nước nhằm lấy cắp thông tin. Ba là giả mạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân để bôi nhọ và phát tán thông tin độc hại trên không gian mạng. Bốn là tấn công mạng, lây nhiễm mã độc sử dụng trí tuệ nhân tạo. Năm là tấn công hạ tần, thiết bị IoT, đô thị thông minh… và lợi dụng để thực hiện các tấn công khác.

Chương trình hội thảo gồm một phiên Báo cáo chính cùng hai phiên Chuyên đề diễn ra song song, với sự tham gia của hơn 20 chuyên gia, lãnh đạo từ các cơ quan chính phủ và các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực an ninh thông tin. Hội thảo dự kiến thu hút hơn 400 lượt khách đến tham dự bao gồm các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vự công nghệ thông tin cũng như những người quan tâm về bảo mật dữ liệu trong kỷ nguyên 4.0.

Bắt đầu từ năm 2007, Hội thảo – Triển lãm Quốc gia về An ninh Bảo mật đã trở thành diễn đàn lớn và uy tín nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực an ninh thông tin. Đồng thời, hội thảo cũng là nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm cũng như đề xuất các giải pháp về an ninh bảo mật. Ngoài ra, sự kiện Security World 2019 còn bao gồm Triển lãm Công nghệ Bảo mật với sự tham gia của hơn 20 doanh nghiệp trong nước và quốc tế, diễn ra song song với chương trình hội thảo.