Cụ thể, báo cáo dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2017 nêu mục tiêu tổng quát của ngành là triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành toàn diện Kế hoạch chiến lược phát triển kiểm toán nhà nước giai đoạn 2013- 2017, trong đó chú trọng đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đẩy mạnh kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Đồng thời, nâng cao hiệu lực của các kết luận và kiến nghị kiểm toán, thực hiện nghiêm Luật kiểm toán nhà nước. Tiếp tục nâng cao năng lực cơ quan kiểm toán nhà nước, trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật của đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên.
Toàn ngành tập trung lựa chọn 211 đầu mối, đơn vị, chủ đề kiểm toán (tăng so với kế hoạch kiểm toán năm 2016 là 16 đầu mối, đơn vị, chủ đề kiểm toán) để tổ chức thành 228 cuộc kiểm toán, tăng so với kế hoạch kiểm toán năm 2016 là 8 cuộc kiểm toán.
Trong đó, đề nghị bổ sung vào kế hoạch kiểm toán chuyên đề về quản lý nợ công để làm rõ quản lý và sử dụng vốn ODA, gắn với nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng nên lồng ghép các nội dung, mục tiêu kiểm toán để hạn chế chồng chéo, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các số liệu phải được sử dụng được như nhau, như vậy thì mới mang tính thống nhất và khoa học.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước dự kiến kiểm toán tại 39 đầu mối lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính- ngân hàng như Ngân hàng Nhà nước, 27 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, 11 ngân hàng và các tổ chức tài chính, tín dụng, trong đó có hai ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.
Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách lưu ý 2017 là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách, bối cảnh kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, nợ công đã tiệm cận giới hạn cho phép. Trong bối cảnh này, Ủy ban đề nghị Kiểm toán Nhà nước tập trung ưu tiên thực hiện một số nhiệm vụ trong đó có các dự án đầu tư lớn có biểu hiện thất thoát, lãng phí.