Ngày 28/12, Tổng Cục Thống kê vừa phát đi Thông cáo báo chí về tình hình Kinh tế - Xã hội năm 2016. Theo đó, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 ước tính tăng 6,21% so với năm 2015, trong đó quý I tăng 5,48%; quý II tăng 5,78%; quý III tăng 6,56%; quý IV tăng 6,68%.
Như vậy, "mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mức tăng 6,68% của năm 2015 và không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% đề ra, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận, trong nước gặp nhiều khó khăn do thời tiết, môi trường biển diễn biến phức tạp thì đạt được mức tăng trưởng trên là một thành công, khẳng định tính đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của các biện pháp, giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện”- Tổng Cục Thống kê nhận định.
Đáng chú ý, đóng góp vào mức tăng 6,21% của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 2,59 điểm phần trăm với mức tăng 7,57% (thấp hơn mức tăng 9,64% của năm trước); khu vực dịch vụ tăng 6,98%, đóng góp 2,67 điểm phần trăm và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng chung với mức tăng 1,36%, mức thấp nhất trong vòng 15 năm trở lại đây.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,06% so với năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao 11,90%, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung với 1,83 điểm phần trăm; Ngành xây dựng tăng trưởng khá với tốc độ 10,00%, đóng góp 0,60 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ở chiều ngược lại, ngành khai khoáng năm nay giảm tới 4,00%, đã làm giảm 0,33 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung, đây là mức giảm sâu nhất từ năm 2011 trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu do giá dầu thế giới giảm khiến lượng dầu thô khai thác giảm hơn 1,67 triệu tấn so với năm trước; sản lượng khai thác than cũng chỉ đạt 39,6 triệu tấn, giảm 1,26 triệu tấn.
Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như sau: Bán buôn và bán lẻ chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt mức tăng 8,28% so với năm 2015, đóng góp 0,77 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,79%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản được cải thiện hơn với mức tăng 4,00%, đóng góp 0,21 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống năm nay có mức tăng trưởng khá cao 6,70%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm.
Quy mô nền kinh tế năm 2016 theo giá hiện hành đạt 4.502,7 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 48,6 triệu đồng, tương đương 2.215 USD, tăng 106 USD so với năm 2015. Về cơ cấu nền kinh tế năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,32%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,72%; khu vực dịch vụ chiếm 40,92%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,04%.
Xét về góc độ sử dụng GDP năm 2016, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,32% so với năm 2015, đóng góp 5,29 điểm phần trăm vào mức tăng chung (trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp 4,81 điểm phần trăm); tích lũy tài sản tăng 9,71%, đóng góp 3,08 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 2,16 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.
Trong buổi họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng nay (28/12), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, đến sản xuất và việc làm, thu nhập của người dân và doanh nghiệp 4 tỉnh miền Trung, đến nay chưa khắc phục được. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá nền kinh tế nhìn chung đã vượt qua khó khăn, thách thức và tiếp tục đà phục hồi; tăng trưởng quí sau cao hơn quí trước: GDP quí 1-2016 đạt 5,48%, quí 2 đạt 5,78%, quí 3 đạt 6,56% và quí 4 đạt 6,68%. Ước cả năm 2016 tăng trưởng GDP đạt 6,21%, thấp hơn kế hoạch đề ra (6,7%) và thấp hơn con số đã báo cáo Quốc hội, nhưng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP của 6 tháng đầu năm nay (5,52%).
Cũng tại cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh kết quả đạt được như kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng khá thì nền kinh tế nước ta vẫn còn các hạn chế như sức cạnh tranh thấp, hệ thống ngân hàng yếu kém, nhiều doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ làm thất thoát vốn nhà nước, ngành khai khoáng giảm mạnh, nông nghiệp bị thiệt hại…
Thủ tướng cũng chỉ ra một số điểm sáng trong năm qua khi lần đầu tiên cả nước có 110.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 981.000 tỉ đồng và đây là mức cao nhất từ trước đến nay; vốn đầu tư nước ngoài tăng cao nhất từ trước đến nay với mức tăng 9% so với năm 2015; khu vực dịch vụ tăng gần 7%, dù dự kiến năm 2018 đón 8 triệu khách nước ngoài nhưng đến nay ngành du lịch thu hút trên 10 triệu lượt khách quốc tế (cao nhất từ trước đến nay)...