Đến năm 2020: Nhiệt điện than vẫn chiếm gần 50% điện sản xuất

VietTimes – TS. Phương Hoàng Kim, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) khẳng định, để đảm bảo an ninh năng lượng thì nhiệt điện than vẫn giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Nhiệt điện Vĩnh Tân (Ảnh minh họa)
Nhiệt điện Vĩnh Tân (Ảnh minh họa)

Theo TS Phương Hoàng Kim, trong tổng cơ cấu điện năng đến năm 2020, có xét đến năm 2030, để đảm bảo an ninh năng lượng thì nhiệt điện than vẫn giữ vai trò đặt biệt quan trọng. Theo Quy hoạch điện năng VII (QHĐVII) điều chỉnh, đến năm 2020 tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW chiếm 49,3% điện sản xuất; năm 2025 đạt khoảng 47.600 MW, chiếm 55% điện sản xuất; năm 2030 đạt 55.300MW chiếm 53,2% điện sản xuất.

Trong đó, nhiều nhà máy nhiệt điện than đã và đang được triển khai xây dựng tại khu vực duyên hải và Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực được tính toán nếu không có các nguồn điện này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới đây.

TS Phương Hoàng Kim cho biết, thực tế hiện nay, tiềm năng về thủy điện lớn và vừa hầu như đã được khai thác hết, trong khi tiềm năng và trữ lượng khí đốt sẽ sớm suy giảm, năng lượng tái tạo và điện hạt nhân chưa thể đáp ứng ngay với quy mô lớn nên không còn lựa chọn nào khác là phải phát triển nhiệt điện để đảm bảo an ninh năng lượng.

Cụ thể, thủy điện là năng lượng sạch, tái tạo có giá thành sản xuất điện rẻ nhất, đáp ứng đa mục tiêu. Suất đầu tư chấp nhận được, nhỉnh hơn nhiệt điện than và tới gian xây dựng không quá lâu. Nhưng hiện nay, về cơ bản các thủy điện lớn đã khai thác gần hết chỉ còn các nguồn nhỏ, địa phương. Khi đã khai thác hết nguồn thủy điện, do yếu tố giá thành mà các nước đều chuyển sang phát triển nhiệt điện than, điển hình như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông là những nước nhập khẩu than. Việt Nam cũng tương tự như vậy.

Nhiệt điện khí là nhiên liệu đắt tiền. Chi phí vận hành và bảo dưỡng nhà máy gấp 2 lần nhiệt điện than và giá thành sản xuất điện gấp 2 lần nhiệt điện than (~ 14 cent Mỹ/kWh). Ở Việt Nam, nhiệt điện khí với đặc điểm thời gian khởi động nhanh, thích hợp chạy ở phụ tải nền và để phủ đỉnh. Nhiệt điện dầu có giá điện rất cao (tới 3 – 4 lần nhiệt điện than) nên chỉ còn những nhà máy đã được thiết kế đốt dầu từ trước như Trà Nóc, Ô Môn 1 và những trạm diesel ở các vùng xa mà lưới điện quốc gia chưa tới.

Điện năng từ năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, biomass, địa nhiệt tuy hiện nay suất vốn đầu tư ngày càng giảm (chỉ còn cao hơn một chút so với nhiệt điện than) nhưng Việt Nam tuy là nước nhiệt đới nhưng không phải là nước nhiều nắng, nhiều gió, gió chỉ tập trung ở một vài nơi nên mức độ đóng góp về điện gió, điện mặt trời trong tổng nhu cầu điện năng không lớn. Và nguồn năng lượng này hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết.

Mặt khác, trong bối cảnh, điện hạt nhân đã lùi tiến độ thực hiện, thì trong thời gian tới, nhiệt điện than là lựa chọn duy nhất bởi độ tin cậy: số giờ làm việc trong năm, có thể đạt 98 - 100%, nghĩa là thiết bị làm việc quanh năm. Sau thủy điện, nhiệt điện than cho giá thành điện thấp nhất (~ 7cent Mỹ/kWh). Vốn đầu tư không quá cao (thấp hơn thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện hạt nhân (~ 1.500USD/kWh). Khả năng huy động công suất lớn (Tmax » 6.500 giờ, có thể tới > 7.500 giờ/năm khi thiếu hụt) nên sản lượng điện phát ra lớn. Không quá lệ thuộc vào địa điểm như thủy điện. Thời gian xây dựng không quá lâu (~ 3-4 năm).

Vì vậy, từ nay đến năm 2030, để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm, đòi hỏi phải đầu tư mới rất nhiều các dự án điện.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng Phương Hoàng Kim khẳng định: "Chúng ta không khuyến khích, nhưng phát triển nhiệt điện than là bước đi không thể thiếu. Chúng ta vẫn phải đầu tư xây dựng, phát triển các nhà máy nhiệt điện than ít nhất đến năm 2030 khi có điện nguyên tử, khi năng lượng tái tạo phát triển ở mức cao thì lúc đó chúng ta mới giảm tỷ trọng nhiệt điện than được".

Dự kiến nhu cầu điện thương phẩm các năm 2020, 2025, 2030 tương ứng là 235 tỷ kWh, 352 tỷ kWh và 506 tỷ kWh. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm toàn quốc theo từng giai đoạn: 10,6%/năm (2016 - 2020), 8,5%/năm (2021 - 2025) và 7,5%/năm (2026 - 2030). Công suất cực đại của hệ thống (Pmax) năm 2020, 2025 và 2030 tương ứng là 42.080 MW, 63.470 MW và 90.650 MW.