Ở buổi họp báo hôm thứ 5 tuần này tại ĐH Chicago, Bộ Năng lượng Mỹ đã phát đi thông báo cho biết đang theo đuổi chiến lược ‘Internet lượng tử quốc gia’ với tham vọng mở ra kỷ nguyên mới của truyền dẫn thông tin và đưa Mỹ đi đầu trong cuộc đua lượng tử hóa toàn cầu.
Các nhà khoa học ở ĐH Chicago đang hợp tác với Phòng thí nghiệm quốc gia Argonne thuộc Bộ Năng lượng Mỹ để thúc đẩy việc nghiên cứu mạng lượng tử, được ứng dụng trong việc truyền dữ liệu của máy tính lượng tử.
Mạng lượng tử truyền dẫn trạng thái lượng tử của các photon, thay vì các bit 0 và 1 như hiện nay.
Cũng theo Bộ này, mạng Internet lượng tử hoạt động dựa trên các quy tắc lượng tử để truyền dẫn thông tin an toàn hơn trước kia. Nó sẽ được sử dụng song song với mạng Internet truyền thống như một sự bổ sung cho hệ thống mạng ngân hàng, y tế và quốc phòng an ninh.
Hiện tại, phòng thí nghiệm Argonne đã tạo ra mạng lượng tử dài 52 dặm (83km) đặt ở vùng ngoại ô Chicago. Bước tiếp theo sẽ là nối nó với phòng thí nghiệm Fermilab ở Batavia, Illinois để thiết lập một mạng lượng tử thử nghiệm dài 80 dặm (128km).
Tổng cộng có tất cả 17 phòng thí nghiệm của Bộ Năng lượng Mỹ sẽ được huy động cho việc thành lập mạng lưới xương sống của Internet lượng tử. Toàn bộ dự án được kỳ vọng sẽ hoàn thành trong một thập kỷ và đem tới khả năng gần như chống hack hoàn toàn.
“Bằng việc xây dựng công nghệ mới nổi này, Hoa Kỳ tiếp tục theo đuổi cam kết duy trì và mở rộng năng lực lượng tử cấp quốc gia”, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Dan Brouillette phát biểu.
Động thái trên là một phần của Đạo luật Sáng kiến Lượng tử Quốc gia được Tổng thống Donald Trump ký hồi tháng 12/2018.
Nhà mạng AT&T cũng đang nghiên cứu công nghệ mạng lượng tử thực nghiệm. Trung Quốc hiện có một mạng lượng tử dài 1,263 dặm (2,032km) kết nối giữa thủ đô Bắc Kinh và Thượng Hải.